Mỗi mét vuông đất tại Thành Cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử…
Thả hoa trên dòng Thạch Hãn
Ý chí thép gang chiến thắng bom đạn
Trở lại Thành Cổ Quảng Trị những ngày này, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi được nghe kể về sự chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ quân giải phóng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. 40 năm trước, thị xã Quảng Trị đẹp như một bức tranh bên dòng sông Thạch Hãn, đã phải gồng mình hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của giặc Mỹ.
Hàng vạn anh hùng liệt sĩ tuổi 20 đã ngã xuống để giữ từng tấc đất thiêng Thành Cổ, góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 và đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Nói về sự khốc liệt trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ của quân và dân ta, Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9/8/1972 viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành Cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 - 16/9/1972, Thành Cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”.
Cuộc chiến đấu giành giật giữa ta và địch tại Quảng Trị trong 81 ngày đêm diễn ra vô cùng ác liệt, suốt cả ngày lẫn đêm. Các chốt quan trọng như Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng, ngã ba Cầu Ga… là những nơi mà quân giải phóng bất chấp hiểm nguy, gian khổ để đập tan các đợt phản kích của địch. Có ngày ta phải đương đầu với 5 đợt tấn công bằng bộ binh, xe tăng, phi pháo của địch. Đặc biệt, Thành Cổ Quảng Trị là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân và dân ta.
Về sau này, khi nghiên cứu về 81 ngày đêm diễn ra ở Thành Cổ Quảng Trị, nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự đã đặt vấn đề: Không hiểu sức mạnh nào đã khiến cho hàng vạn người lính, bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, sẵn sàng vượt sông bảo vệ Thành Cổ mà không tiếc thân mình?.
Điều này được những cựu chiến binh năm xưa lý giải, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi lòng yêu nước đã lên đến tột cùng thì cái chết cũng nhẹ nhàng như hòa mình vào dòng nước chảy.
Theo Wikipedia: Thống kê cho biết thị xã bị Hoa Kỳ đánh phá với 328.000 tấn bom đạn, 9.552.000 viên đạn pháo 105mm, 55.000 viên đạn pháo 155 mm, 8164 viên đạn pháo 175mm, hơn 615.000 viên đạn hải pháo, 2.240 lần oanh tạc của không quân (tổng số bom đạn trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945). Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968-1969. Dữ dội nhất là ngày 25/7, thị xã phải chịu 5.000 quả đạn pháo. Thị xã Quảng Trị với 3 km2 và vùng ven có ngày phải chịu hơn hai vạn quả đạn đại bác cỡ lớn (ước tính có tới hơn 80% thương vong của Quân đội Nhân dân Việt Nam là bởi các đợt oanh tạc và pháo kích, chỉ có 1 phần nhỏ là trong các cuộc đọ súng bộ binh).
Đó cũng là tâm sự của cựu chiến binh Lê Văn Dăng, cựu tù chính trị yêu nước Quảng Trị, quê ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị: “Khi bị bắt, chúng tôi còn rất trẻ, nhưng những đòn roi tra tấn của kẻ thù không khuất phục được, bởi vì chúng tôi đã xác định “chết vinh còn hơn sống nhục”. Chúng tôi ở miền Nam, lớn lên đã giác ngộ cách mạng và căm thù Mỹ ngụy, nên chúng tôi không sợ gì cả. Bây giờ nghĩ lại, không hiểu vì sao thời thời kỳ ác liệt, bị giam cầm cả ngàn ngày, sức khỏe suy kiệt nhưng mà tinh thần vẫn phấn khởi lạc quan, khi ra khỏi tù là anh em chúng tôi cầm súng đi chiến đấu”.
Với Thượng tá Quách Mạnh Hùng, nguyên ở Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B chiến đấu ở Quảng Trị, mỗi lần đến Nghĩa trang Đường 9, ông vẫn mường tượng ra đồng đội mình vẫn xếp hàng ngang hàng dọc chờ lệnh như xưa, thậm chí còn tưởng tượng ra tiếng hô của các anh trước giờ xung trận…
Còn với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, người chiến sĩ ở Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, đơn vị tiến vào giải phóng Quảng trị năm xưa vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày đỏ lửa ấy. Ông nhớ lại: “Một ngày, địch có thể đánh phá vào Quảng Trị tới hàng vạn quả đạn pháo, hàng nghìn tấn bom. Ví dụ trong 3 ngày 28 – 30/6/1972, địch đã bắn vào Quảng Trị hơn 100.000 quả đạn pháo, kể cả pháo hạm của Mỹ và 17.000 tấn bom. Mặc dù ác liệt như thế, nhưng các chiến sỹ của chúng ta vẫn bám trụ thị xã và tiêu diệt quân địch, giữ vững được thành cổ 81 ngày đêm”.
Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường: không kể bộ binh hay công binh thông tin, quân y… đều cầm súng bắn trả địch. Cuộc chiến đấu anh hùng 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kết thúc, ghi dấu sức mạnh kiên cường, ý chí bền bỉ mạnh mẽ của quân và dân ta.
Đây là trận chiến đấu hào hùng oanh liệt nhất làm sáng ngời một chân lý: kẻ xâm lược có sức mạnh, vũ khí tối tân đã chịu thua những con người có ý chí thép gang vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ngày 1/5/1972, Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, đánh dấu mốc son vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng yêu nước và tinh thần bất khuất kiên cường của quân và dân ta. Những mốc son lịch sử đó sẽ mãi mãi ghi vào lịch sử trường tồn của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi con người Quảng Trị nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.
Trên mảnh đất anh hùng này, tuy đã im tiếng súng, tiếng bom, nhưng 40 năm qua, Quảng Trị vẫn là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ sau chiến tranh, với 83,3% tổng diện tích tự nhiên có bom mìn, đầu đạn còn sót lại trong lòng đất.
81 ngày đêm - cảm xúc bất tận
40 năm đã trôi qua, nhưng không chỉ với những người lớn tuổi, lớp trẻ hôm nay cũng mãi không quên khúc ca hào hùng mà bi tráng của bao lớp chiến sĩ đã viết nên nơi Thành Cổ.
Tác giả Phan Bùi Bảo Thi viết: Tháng 4 này, tôi lại về Quảng Trị quê cha, mảnh đất hẹp giữa hai đầu đất nước. Đứng lặng lẽ trên cầu Thạch Hãn để bâng khuâng phóng tầm mắt về bên Thành Cổ, nhìn mây trắng bồng bềnh trôi giữa cỏ lau. Người dân Quảng Trị bao năm qua dường như đã quá thân quen với loài cây hoang dã có lá mềm nhưng sắc nhọn này. Hàng năm, cứ khoảng tầm tháng 7, cây lại trổ hoa phơ phất trắng đến nao lòng. Người Quảng Trị gọi hoa cỏ lau là hồn người chiến sĩ, có bao nhiêu hoa cỏ lau nở trắng là bấy nhiêu người con ưu tú đã ngã xuống vì mảnh đất này…
Không ai biết chính xác có bao chiến sỹ đã nằm lại dòng Thạch Hãn
Không ai biết chính xác có bao nhiêu chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, đã vĩnh viễn nằm lại với đất thiêng Quảng Trị… Những người dân Thành cổ kể lại rằng, có những đêm trăng sáng họ đến đốt nhang tưởng nhớ các anh giữa bạt ngàn lau trắng, trong thinh không vẫn văng vẳng tiếng hát của các anh, những người lính trẻ ra trận nhưng trong ba lô bao giờ cũng có những tập thơ, những tập nhật ký chiến trường mà cho đến ngày nay vẫn còn lay động hàng triệu trái tim như nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Kỳ Sơn và của biết bao chiến sĩ giải phóng nặng lòng với văn chương khác nữa.
Để rồi có một ngày, cựu chiến binh Lê Bá Dương khi trở lại thăm chiến trường xưa, đã mang đầy một chiếc thuyền hoa để rải xuống dòng sông Thạch Hãn trong nghẹn ngào tưởng nhớ và tiếc thương những anh em đồng đội của mình.
Trong cái thời khắc thiêng liêng giao hòa giữa đôi bờ hư ảo ấy, những câu thơ gan ruột trong tâm hồn người nghệ sĩ, chiến sĩ Lê Bá Dương đã vụt sáng như một định mệnh oai linh trên dòng sông lịch sử này: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"…
Lê Bá Dương (sinh ngày 10/4/1953), còn là chiến sĩ quân giải phóng tại thành cổ Quảng Trị và hiện là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, phóng viên thường trú của báo Văn hóa tại Nha Trang.
Năm 1976, từ Nha Trang trở lại thăm chiến trường Quảng Trị, ông đã lặng lẽ hái hoa dại thả ở Bến Tắt, phía Tây Bắc của nghĩa trang Trường Sơn để tưởng nhớ những người đồng đội đã ngã xuống và nằm lại vĩnh viễn tại nơi này.
Ông tâm sự: “Qua nhiều trận đánh, tự tay tôi đã vuốt mắt, chôn hàng trăm đồng đội. Không chỉ là những mất mát đến xót xa một lúc cả trăm, cả ngàn người lính, mà còn là nỗi đớn đau khi nhiều người lính không còn đủ hình hài để có thể cắm một cái bia tên tuổi anh em. Có những người, sau khi chôn xong thì bị lũ cuốn trôi, hay bom lại xới lên, phải chôn lại... Riêng trong chiến dịch giải phóng và sau này bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, hàng trăm anh em chúng tôi đã nằm - chính xác hơn là tan hòa vĩnh viễn vào lòng sông Thạch Hãn và cả các dòng sông khác.
Vì vậy mỗi lần về lại Quảng Trị, tôi đều lên đồi cao đốt hương cho khói tỏa đến vong linh anh em đồng đội, rồi xuống sông thả hương hoa gửi vào lòng suối, cuối sông...”
Những người lính Thành Cổ, đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã lấy gan vàng chọi với sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh đất nước. Có thể nói rằng, cuộc chiến 81 ngày đêm chốt giữ Thành Cổ Quảng Trị là một khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được viết bằng máu đỏ, có biết bao chiến sĩ quân giải phóng đã ngã xuống mà nhiều người trong số họ thân xác vĩnh viễn tan hòa vào đất đai, cây cỏ…
Tháng 4 này, gió đã thổi rát những ngày hè khô khát. Nhưng lạ kỳ thay, cỏ lau dưới chân Thành Cổ vẫn mãi cứ vươn cao như biểu tượng anh linh của những tâm hồn đã khuất, tiếng lá cỏ cứ đêm đêm như vỗ vách nhớ, cứ rì rào như tiếng mẹ ru…/.