Chủ tịch nước khảo sát nơi xây dựng Nhà máy điện hạt nhân

07:14, 23/04/2012

Chủ tịch nước khẳng định, mục tiêu dự án điện hạt nhân đặt ra là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, khi dự án hoàn thành sẽ mang lại lợi ích cho chính người dân địa phương và lợi ích chung của cả nước.

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận về tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn, từ ngày 21/4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị: “Ninh Thuận cần phát huy nội lực, thu hút ngoại lực, để sớm đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển trong thời gian tới”.

 

Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, sau 20 năm tái lập đã có sự chuyển mình đáng kể. Tuy nhiên với khu vực phía Tây của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chính vì thế, ngay khi đến Ninh Thuận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Bác Ái- một trong những huyện nghèo nhất tỉnh thuộc chương trình 30a của Chính Phủ.

 

Đến thăm và làm việc tại xã Phước Tiến, huyện Bác Ái - xã miền núi Anh hùng, là căn cứ cách mạng trong kháng chiến, điều mà Chủ tịch nước và các cán bộ lãnh đạo băn khoăn đó là sau gần 40 năm giải phóng, Phước Tiến vẫn là một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 50%, sản xuất lạc hậu dù cho người dân cần cù, nói ít làm nhiều. Thu nhập bình quân của người dân chỉ đạt 5 triệu đồng/năm. Để thoát nghèo, phần lớn các kiến nghị của xã tập trung vào việc nâng định mức hỗ trợ của các chương trình 134, 135, 167, 30a và xây dựng nông thôn mới...

 

Chủ tịch nước đã lắng nghe và thảo luận cùng cán bộ, nhân dân xã Phước Tiến về nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế, xã hội. Theo Chủ tịch nước, xã Phước Tiến và huyện Bác Ái đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt là hệ thống thủy lợi đã giúp hồi sinh thảm thực vật, nguồn nước tưới cho sản xuất. Tuy vậy, Chủ tịch nước cho rằng, muốn thoát nghèo thì con đường duy nhất phải từ sản xuất và để nguồn vốn hỗ trợ rót về có hiệu quả, một điều quan trọng là phải tổ chức lại sản xuất, hợp thành các tổ nhóm, hợp tác xã, các hộ làm kinh tế khá phải giúp các hộ nghèo.

 

 

Chủ tịch nước cũng đề nghị địa phương tính toán, rà soát và bố trí nguồn nhân lực hợp lý. Vấn đề lớn nhất, theo Chủ tịch nước, là sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng cây nguyên liệu tập trung, đây là vấn đề của 5 - 10 năm tới, phù hợp với địa phương, tiếp sau đó là triển khai công nghiệp chế biến phục vụ cho nông nghiệp.

 

Tiếp đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác cũng đã đến thăm và làm việc tại xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, là xã có gần 50% đồng bào Chăm sinh sống, đã chủ động triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả tích cực.

 

Chủ tịch nước biểu dương sự nỗ lực phấn đấu trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đặc biệt là sự chủ động vươn lên, không ỷ lại Nhà nước để huy động sức dân tham gia đóng góp xây dựng các công trình công cộng, phát triển hạ tầng nông thôn.

 

Chủ tịch nước yêu cầu cấp ủy xã Phước Hậu quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là phát huy vai trò thực sự làm chủ của nhân dân để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đề ra vào năm 2015.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác cũng đã đi kiểm tra tiến độ triển khai dự án tuyến đường ven biển tỉnh Ninh Thuận và khảo sát địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân số 1, tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.

 

Nói chuyện với lãnh đạo và nhân dân vùng dự án, Chủ tịch nước đã biểu dương tinh thần sẵn sàng nhường đất cho dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân của người dân địa phương và nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước có trách nhiệm hoàn thành tâm nguyện của người dân là có nơi ở mới và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ. Chủ tịch nước khẳng định với nhân dân địa phương, mục tiêu dự án điện hạt nhân đặt ra là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, khi dự án hoàn thành sẽ mang lại lợi ích cho chính người dân địa phương và lợi ích chung của cả nước.

 

 

Sau khi thăm và kiểm tra thực tế tại một số địa phương trong tỉnh, sáng 22/4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Ninh Thuận.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước hoan nghênh sự nỗ lực vươn lên của Ninh Thuận. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và điều kiện địa lý khắc nghiệt, nhưng năm 2011 vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 10,6%, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 55%. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, chính sách đối với các đồng bào dân tộc được thực hiện nghiêm túc, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng Ninh Thuận vẫn là tỉnh nghèo, cùng với phát huy nội lực thì phải tăng cường thu hút sự đầu tư, hỗ trợ của bên ngoài, sự chung tay của các doanh nghiệp, nhất là trong phát triển nông lâm nghiệp phải nghiên cứu đưa công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cây cao su, cây nêm vào trồng tại khu vực phía Tây để khai thác vùng đất rộng lớn đang bị hoang hóa góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con.

 

Chủ tịch nước cũng lưu ý, tỉnh phải quy hoạch tạo nên vùng sản xuất hàng hóa, vùng công nghiệp dịch vụ để khai thác tốt thế mạnh của tỉnh như sản xuất muối, hải sản, du lịch, điện năng như điện mặt trời, điện gió... nhằm sớm đưa tỉnh trở thành tỉnh khá trong khu vực.

 

 

Bên cạnh sự phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch nước cũng đề nghị cấp ủy Đảng của Ninh Thuận cần triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương IV khóa XI. Trong đó phải triển khai quyết liệt, cán bộ lãnh đạo phải làm gương để đáp ứng sự trông đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

Cũng trong sáng 22/4, Chủ tịch nước cũng đã có buổi nói chuyện với các trí thức, chức sắc tôn giáo và gia đình có công với cách mạng. Chủ tịch nước khẳng định: Đoàn kết các dân tộc, tôn giáo là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình phát triển của Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung, luôn có sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc và tôn giáo. Chủ tịch nước mong muốn các trí thức, chức sắc tôn giáo tiếp tục đoàn kết và có đóng góp vào công cuộc xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển trong thời gian tới.

 

Trong chuyến công tác tại Ninh Thuận, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm gia đình Anh hùng liệt sĩ Pi- năng Tắc, người con anh hùng của đồng bào dân tộc Raglai gắn với chiến tích lịch sử bẫy đá trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thăm một số hộ nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn./.