Giao ban trực tuyến thảo luận, đóng góp ý kiến vào các Đề án

07:13, 30/04/2012

Ngày 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 63 tỉnh, thành trong cả nước, các Bộ, ngành liên quan của Trung ương và địa phương. Nội dung giao ban tập trung nghe, thảo luận, đóng góp ý kiến vào 2 Đề án: Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội (QH). Tham gia điểm cầu Thái Nguyên, Đoàn ĐBQH tỉnh có đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đại biểu QH tỉnh Thái Nguyên.

*Buổi sáng, các đại biểu đã nghe và tham gia đóng góp ý kiến vào Đề án dự thảo tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Theo dự thảo, Đề án này sẽ có nhiều điểm mới trong hoạt động lập pháp đến việc quyết định các vấn đề quan trọng; công tác tổ chức phiên họp; hoạt động tiếp xúc cử tri... Qua 14 ý kiến của Đoàn đại biểu các tỉnh, nhìn chung các đại biểu đều nhất trí cao việc sớm ban hành Đề án, đồng thời tham gia bổ sung một số vấn đề cần tập trung đổi mới về cách thức kỳ họp (rút ngắn thời gian nhưng phải đảm bảo nội dung, chất lượng phiên họp đề ra); về hoạt động giám sát cần quan tâm đến hoạt động sau giám sát, đề nghị giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại của người dân; tại các phiên họp nên tăng cường thảo luận ở tổ, những nội dung đã thống nhất cao ở tổ không nên nhắc lại, dành thời gian cho những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Hàng năm nên bỏ phiếu kín tín nhiệm các thành viên của QH và hoạt động của các Đoàn ĐBQH. Về các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của QH cần tăng biên chế giúp việc cho các Đoàn; có cơ chế, chính sách thỏa đáng cho các ĐBQH; xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa QH với UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc… 

 

*Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã nghe dự thảo Đề án tổng thể tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế. Trong đó, Đề án đã nêu những nội dung tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gồm: TCC các tổ chức tín dụng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại; thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; TCC đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; TCC doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh; TCC ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế theo hướng cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ phù hợp với các vùng; điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm.

 

Sau khi nghe nội dung của Đề án, các đại biểu QH và Bộ ngành liênquan đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến. Các ý kiến đều nhất trí cao sự cần thiết phải TCC nền kinh tế. đề nghị Đề án bổ sung thêm một số nội dung như: Về các giải pháp thực hiện cần quan tâm đến huy động nguồn lực đầu tư, nhất là xã hội hóa các nguồn lực; sử dụng nguồn lực như thế nào có hiệu quả; vấn đề tổ chức lại doanh nghiệp phù hợp; cần đánh giá chi phí, tác động của việc thực hiện Đề án; về định hướng TCC cần làm rõ định hướng phân bổ lực lượng sản xuất giữa các vùng, địa phương; nguồn lực tài chính, lộ trình thực hiện, cơ chế chính sách đói với TCC lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…