Đến năm 2030, Hà Nội sẽ không còn cảnh phụ huynh chầu chực cả đêm xếp hàng xin học. Kế hoạch xây mới và di dời trường học ra ngoại thành được Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đệ trình HĐND TP xem xét thông qua sáng 3/4 tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP.
Theo tờ trình "Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục đào tạo Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đưa ra, đến năm 2030 sĩ số học sinh bậc học mầm non, tiểu học duy trì 30-35 em/ lớp; bậc THCS, THPT không quá 45 học sinh trên lớp. Đảm bảo đủ trường lớp học cho tất cả học sinh các cấp học, bậc học...
Xây 1.215 trường
Bà Ngọc thuyết trình, để xây mới 1.215 trường học từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT cần kinh phí 71.395 tỷ đồng. Nếu được phê duyệt, quy hoạch mạng lưới trường học được chia ra hai giai đoạn thực hiện cụ thể: Giai đoạn 2012 - 2020 xây mới 635 trường; 2021 - 2030: 580 trường.
Theo quy hoạch đó thì mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học công lập kiên cố.
Quy mô trường mầm non và tiểu học xây mới không quá 30 lớp/trường. Số học sinh trung bình từ 30 - 35 học sinh/lớp. Diện tích đất xây dựng trường mới tối thiểu cho 1 học sinh: Khu vực nội thành 6 m2/học sinh, ngoại thành 10 m2.
Mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất 1 trường THCS công lập. Đảm bảo 3 - 5 vạn dân có 1 trường THPT công lập; mỗi quận, huyện có 1 Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp.
Quy mô trường THCS và THPT xây mới không quá 45 lớp/trường; mỗi lớp trung bình 40 - 45 học sinh. Diện tích đất xây dựng trường mới tối thiểu ở nội thành 6 m2/học sinh. Khu vực ngoại thành 10 m2.
Bà Ngọc cũng cho hay, đến năm 2030 mỗi quận, huyện có từ 1 đến 2 trung tâm GDTX. Đồng thời, chuyển một số trường trung cấp chuyên nghiệp ở khu vực nội thành ra ngoại thành để diện tích đất đảm bảo đủ chuẩn, dành cơ sở cũ xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS. Tiếp tục xây dựng cụm trường TCCN tại một số khu vực theo quy hoạch chung của Thành phố.
"Các trường TCCN xây mới đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu 15 m2/học sinh" - lời bà Ngọc. Đến năm 2015 xây dựng mới 02 trường TCCN ở Ứng Hoà và Sơn Tây. Di chuyển và xây dựng 02 trường TCCN hiện có ở ngoài đê và 02 trường trong khu vực nội thành về cụm trường TCCN theo quy hoạch... Nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 80% vào năm 2020. Thu hút được ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN.
"Đất vàng" để xây trường
Giải tỏa băn khoăn cho rằng, đất đâu để xây trường, bà Ngọc cho biết, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ sở sản xuất, các trường CĐ, ĐH, trụ sở các bộ, ngành trong khu vực nội thành ra ngoại thành. Có nghĩa, theo lập luận này những trường ĐH, CĐ phải dời đô - một phần "đất vàng" sẽ được dùng xây trường phổ thông?
Hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng tại khu vực 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa để giảm tải tăng dân số cơ học.
Đồng thời, sử dụng quỹ đất 5% của các xã dành cho phục vụ công cộng. Tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác. Mở rộng diện tích đất và nâng thêm tầng các trường học hiện có trong khu vực nội thành, bố trí học sinh học các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao - lời bà Ngọc.
Cùng với việc đầu tư xây dựng trường học theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, tăng cường thực hiện phân cấp quản lý, cải cách hành chính và cơ chế phối hợp, phát huy sự năng động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của địa phương, cơ sở giáo dục.
Tiếp tục tăng cường nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo. Đảm bảo tỷ lệ đầu tư cho giáo dục - đào tạo trong tổng chi ngân sách địa phương ngày càng tăng....
Bà Ngọc cũng kiến nghị HĐND TP xem xét thông qua và bố trí ngân sách phù hợp đảm bảo thực hiện Quy hoạch theo lộ trình.
Theo chương trình kỳ họp, các đại biểu HĐND thảo luận ở tổ và hội trường trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết vào chiều mai.