Kê khai tài sản, thu nhập - cần được coi trọng đúng mức

08:34, 05/04/2012

Kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) là nhằm xem xét, đánh giá kết luận tính trung thực của việc kê khai TSTN; kiểm soát sự biến động về TSTN của người có nghĩa vụ kê khai; góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch vững mạnh.

Việc thực hiện kê khai TSTN được triển khai thực hiện từ năm 2007. Nhìn chung, theo đánh giá của cơ quan Thanh tra tỉnh, công tác này được các cơ quan, đơn vị, tổ chức (CQ,ĐV) thực hiện tương đối tốt: Từ tuyên truyền phổ biến các văn bản liên quan, đến kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện của các cơ quan chức năng. Đa số các cơ quan đã có sự quan tâm, coi trọng đúng mức đến công tác kê khai theo định kỳ.

 

Tuy nhiên, theo ông Phạm Bình Định, Chánh Thanh Tra tỉnh cho biết: Qua các đợt thanh tra về quản lý nhà nước và tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 3  đối với công tác phòng chống tham nhũng ở các CQ,ĐV cho thấy: nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức từ lãnh đạo đến nhân viên ở nhiều đơn vị (từ cấp tỉnh đên cấp huyện) còn hạn chế; một số người chưa hiểu được vị trí, vai trò của công tác này nên người đứng đầu đơn vị thường giao cho một cán bộ thực hiện. Cán bộ cấp dưới thực thi nhiệm vụ nhưng lại không nắm được trách nhiệm của mình; trình tự kê khai như thế nào nên thường làm qua quýt cho xong chuyện; hoặc cho rằng mình không thuộc đối tượng phải kê khai, trong khi đã có quy định rất cụ thể.

 

Trong quá trình thực hiện công tác kê khai, số lượng người  kê khai thường xuyên thay đổi, thuyên chuyển, việc thực hiện kê khai do nhiều cơ quan, tổ chức tiến hành, nên công tác tổng hợp số liệu chưa thống nhất. Việc thực hiện chế độ báo cáo kết quả kê khai, xác minh, kết luận, công khai kết quả xác minh tài sản, thu nhập tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm. Nội dung còn sơ sài chưa đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện, biểu mẫu tổng hợp; thống kê thiếu chính xác.

 

Nhiều CQ,ĐV chưa công khai bản kê khai TSTN của người có nghĩa vụ phải kê khai tại CQ,ĐV mình thường xuyên làm việc. Vì vậy, đã gây khó khăn cho việc tổng hợp số liệu theo đúng thời gian yêu cầu của cơ quan chức năng và chưa thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 68 ngày 8-8-2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37 ngày 9-3-2007 của Chính phủ về minh bạch TSTN. Những năm đầu thực hiện (từ năm 2007 đến năm 2009) số người kê khai ở các CQ,ĐV rất “khiêm tốn”.

 

Từ khi có Thông tư 01 ngày 22-1-2010 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 2442 ngày 13-11-2007 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 37 ngày 9-3-2007 của Chính phủ về minh bạch TSTN đã có chế tài cụ thể xử lý vi phạm đối với hành vi chậm kê khai; chậm tổng hợp báo cáo thì tình hình cải thiện hơn. Năm 2010 chỉ còn 18 CQ,ĐV không chấp hành chế độ báo cáo và kê khai không nghiêm túc; năm 2011 chỉ còn 9 CQ,ĐV (riêng năm 2011 có 1.495  người kê khai lần đầu trong năm; 3.786 người kê khai bổ sung; còn 6 người phải kê khai lần đầu nhưng chưa kê khai).

 

Kê khai TSTN là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi tính trung thực cao, tự giác của những người có nghĩa vụ phải kê khai và trách nhiệm cao của người đứng đầu, nên các CQ,ĐV cần nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức hơn đến công tác này. Bởi, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện tốt nhóm giải pháp về công tác xây dựng Đảng hiện nay mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề cập là: “Phải thực hiện nghiêm việc kê khai TSTN theo quy định của Đảng, Nhà nước. Kê khai phải trung thực và được công khai ở nơi công tác và nơi cư trú”. Như vậy, sắp tới, chúng ta không chỉ thực hiện tốt kê khai ở nơi công tác mà còn thực hiện cả tại nơi cư trú. Đây là biện pháp nhằm giúp cho công tác quản lý cán bộ, đảng viên chặt chẽ hơn.

Theo Nghị định 68 ngày 8-8-2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37 ngày 9-3-2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, bổ sung Điều 33a vào sau Điều 33, quy định rõ: Xử lý kỷ luật đối với  hành vi chậm kê khai, chậm tổ chức việc kê khai và chậm tổng hợp báo cáo kết quả về minh bạch TSTN: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức có cán bộ thuộc đối tượng phải kê khai mà tổ chức kê khai chậm so với quy định của pháp luật; người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai chậm so với thời hạn kê khai do người đứng đầu CQ,ĐV quy định; người có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả về minh bạch TSTN mà chậm so với quy định thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật sau: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương.