Lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính

18:46, 06/04/2012

Ngày 6-4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp với đại diện các cơ quan chức năng để lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) để trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIII. Đồng chí Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp QH, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc họp (anh).

Dự thảo Luật xử lý VPHC có 6 phần, 146 Điều. Luật quy định về xử lý VPHC, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính. Vì vậy, phạm vi của Luật rộng, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Tại cuộc họp, về cơ bản các đại biểu đã nhất trí cao với nội dung của Luật, song nhóm các vấn đề được quan tâm thảo luận nhiều nhất là: thẩm quyền xử phạt; mức tiền phạt; các tình tiết giảm nhẹ; thời hạn xử phạt; thủ tục xử lý tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm…Về tình tiết giảm nhẹ, có ý kiến cho rằng cần phải bổ xung thêm tình tiết giảm nhẹ với người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa do trình độ dân trí thấp; song đa số ý kiến lại đề nghị không nên có tình tiết này, mọi công dân phải bình đẳng trước luật. Hoặc về mức phạt tiền (quy định tại Điều 23) nêu: Chính phủ có thể quy định mức phạt cao hơn gấp 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm về giao thông, môi trường và trật tự quản lý đô thị đối với người ở khu vực nội thành, đa số ý kiến đề nghị nên xử phạt bình đẳng, không nên phân biệt như vậy. Đặc biệt, về mức tiền phạt quy định tại Điều 23, từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân; hoặc mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực tại Điều 24 quy định đều rất cao, ví dụ như: lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình phạt đến 50 triệu đồng; lĩnh vực xây dựng phạt đến 1 tỷ đồng. Như vậy, tính khả thi không cao vì không phù hợp với mức sống, thu nhập của người dân, nhất là người dân thuộc các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Về thẩm quyền xử phạt VPHC giao cho quá nhiều lực lượng (từ Chủ tịch UBND tỉnh, Công an, Bộ đội biên phòng, Kiểm lâm, Hải quan, Cảnh sát biển đến cơ quan Thuế, Thanh tra…); mức phạt tiền không cụ thể (tính bằng %) sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện và dễ phát sinh tiêu cực. Về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đa số ý kiến đề nghị nên giao cho Tòa án nhân dân quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt VPHC sẽ phù hợp hơn…Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến để trình tại kỳ họp QH khóa XIII sắp tới.