Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Luật Xuất bản (sửa đổi)

13:12, 12/04/2012

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, sáng 12/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).

Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) được giữ nguyên bố cục về các chương so với Luật hiện hành, với 5 chương, 50 điều, bao gồm những quy định chung, quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản, in, phát hành. Về chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Không nên quy định chính sách chung, đồng nhất cho các hoạt động xuất bản, in, phát hành như trong dự thảo Luật. Hơn nữa, hiện nay, các cơ sở in và phát thành đã chuyển đổi cơ chế hoạt động, thực chất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Vì vậy, cần có chính sách riêng để đầu tư phát triển với từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, việc ưu tiên đầu tư từ ngân sách Nhà nước cần tập trung để hiện đại hoá nhà xuất bản, khuyến khích hoạt động sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ định hướng văn hoá, tư tưởng và tăng cường vốn để nhà xuất bản chủ động phát triển và khai thác những bản thảo có chất lượng cao.

 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định các cơ sở in phải đăng ký hoạt động để phục vụ công tác quản lý hoạt động in xuất bản phẩm cũng như phòng chống việc in giả, in lậu. Về tổ chức và hoạt động phát hành, có một thực tế đang diễn ra phổ biến tại các thành phố lớn hiện nay là hiện tượng nhiều cơ sở kinh doanh sách không có hoá đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp, sách có nội dung mê tín dị đoan, sách lậu được bày bán công khai. Các đại biểu cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý đối với các cơ sở phát hành bị buông lỏng. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm này, để hoạt động phát hành đi vào nề nếp./.