ATK Định Hóa, trung tâm của Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp

10:16, 11/05/2012

TNĐT - Ngày 12-5-1997, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc” Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng. TNĐT trân trọng giới thiệu bài phát biểu này.  

Hôm nay tôi rất vui mừng đến dự cuộc Hội thảo khoa học - thực tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc (1947-1997) do Tỉnh ủy Thái Nguyên và Viện lịch sử Đảng tổ chức. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa để kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về sống và làm việc tại Định Hóa, tuyên truyền và giới thiệu ATK Định Hóa với đồng bào, chiến sĩ cả nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân các dân tộc Thái Nguyên trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Khu an toàn là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định thắng lợi của cách mạng.

 

Nói đến ATK, chúng ta không thể nào không nhắc đến Pắc Bó (Cao Bằng), Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên), Tân Trào, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) tập trung vào ba tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Như vậy, ATK bao gồm bao nhiêu tỉnh, bao nhiêu huyện, bao nhiêu xã, chúng ta cũng cần phải làm rõ trong cuộc Hội thảo này. Thời kỳ tiền khởi nghĩa khi Bác về Pắc Bó đã có ý định phát triển cơ sở xuống Thái Nguyên, vì Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng, về sau này có thể di chuyển cơ quan của Bác gần Trung ương Đảng hơn, do đó Bác đã chỉ thị cho tôi tổ chức con đường Nam Tiến “con đường trong lòng dân”! Đến cuối năm 1943, con đường đã thông.

 

Sau ngày Nhật đảo chính (9-3-1945), tôi đã cùng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tiến về Chợ Chu (Định Hóa - Thái Nguyên) và thống nhất hai đội quân Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với đội quân Cứu quốc thành Việt Nam Quân giải phóng tại Định Biên Thượng (Định Hóa). Tiếp đó, tôi nhận được chỉ thị của Bác Hồ bố trí cho Bác về làm việc ở Chợ Chu. Tôi đã bàn với hai anh Tấn và Song Hào đề nghị Bác chọn Tân Trào vì Chợ Chu tuy cơ sở chính trị, kinh tế đều tốt nhưng có đường thông với Thái Nguyên dễ bị uy hiếp, còn Tân Trào dân cư có thưa thớt, kinh tế có khó khăn nhưng địa thế hiểm trở hơn. Châu Sơn Dương còn cách tỉnh lỵ Tuyên Quang bởi con sông Lô, tiện bảo vệ. Bác quyết định thành lập khu Giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Tân Trào được coi là Thủ đô khu Giải phóng để chỉ đạo Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Sơn Dương (Tuyên Quang), Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên) là ATK.

 

Sau ngày tuyên bố độc lập một thời gian, Bác và Thường vụ Trung ương Đảng đã chủ trương tích cực củng cố căn cứ địa Việt Bắc để nếu bắc buộc chúng ta phải kháng chiến, các cơ quan lãnh đạo Trung ương có thể sẽ chuyển trở lại Việt Bắc. Vì vậy, các anh Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh đã được Bác giao nhiệm vụ bí mật đi xây dựng căn cứ địa Việt Bắc, lấy các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Mới, Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) làm địa bàn chính. Quá trình kháng chiến, cơ quan Trung ương, cơ quan của Bác, cơ quan Chính phủ, cơ quan Bộ tổng tư lệnh, Bộ Quốc phòng di chuyển nơi này nơi khác một thời gian ngắn, nhưng trung tâm vẫn dựa vào các huyện nói trên, đặc biệt là huyện Định Hóa không có một nhà dân nào không có cơ quan ở.

 

Trong kháng chiến chống Pháp, cơ quan của Bác, cơ quan của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đều tập trung đóng ở Định Hóa, tuy cũng có thời gian chuyển sang Sơn Dương hay Bắc Kạn nhưng với thời gian ngắn rồi lại trở về Định Hóa, có khi đôi ba lần. Ví dụ: Bác ở Tỉn Keo, Khuôn Tát tới bốn, năm lần. Cơ quan Chính phủ ở cả đất của hai tỉnh, thường trực Chính phủ, anh Lê Văn Hiến ở bên Sơn Dương là chủ yếu, nhưng Hội đồng Chính phủ khi họp ở Định Hóa, khi hợp ở Đại Từ, khi thì ở Sơn Dương (Tuyên Quang). Cơ quan Trung ương Đảng, cơ quan đồng chí Trường Chinh thường ở gần cơ quan của Bác và Tổng quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh chủ yếu là ở Lục Rã (Phú Đình) cũng có lúc cơ quan chuyển sang Tân Trào nhưng ít lâu sau lại trở về chỗ cũ. Trường Nguyễn Ái Quốc cũng có thời gian ở Quảng Nạp… Anh Phạm Văn Đồng lúc ở khu 5 ra ở thôn Lập Bình (khu núi đá gần sông Phó Đáy) sau chuyển về Phú Đình (Định Hóa) gần chỗ các đồng chí Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt. Cơ quan Tổng quân ủy, Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp đều ở Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên). Tôi cũng muốn lưu ý Định Hóa là ATK tuyệt mật nhằm bảo đảm an toàn và ổn định để các đồng chí lãnh đạo chủ chốt lúc bấy giờ làm việc ít phải di chuyển.

 

Vừa qua, tôi được tin Định Hóa được đề nghị lên Trung ương Đảng và Chính phủ tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tôi rất đồng tình triệt để ủng hộ. Theo tôi không những Thái Nguyên Anh hùng mà cả 6 tỉnh khu giải phóng cũ cũng thật xứng đáng Anh hùng.

 

Các quyết sách lớn của Đảng và Chính phủ phần lớn đều quyết định trên đất Định Hóa như hạ quyết tâm tiêu diệt địch tấn công lên Việt Bắc; quyết định triển khai Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung trên toàn quốc; quyết định chiến lược biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta (1948-1949); quyết định mở các chiến dịch nhỏ ở Đông Bắc và Tây Bắc, hạ quyết tâm mở chiến dịch giải phóng biên giới; các chiến dịch Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Sầm Nưa, chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đồng chí Phạm Văn Đồng từ đây đi họp hội nghị Giơ-ne-vơ và sau khi ký hiệp nghị cũng trở lại đây.

 

Các hoạt động ngoại giao cũng diễn ra chủ yếu trên đất Thái Nguyên. Bác gặp Pôn-Muýt, đại diện cho cao ủy Pháp tại thị xã Thái Nguyên. Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Pháp do Lê-ô-phi-ghe dẫn đầu, các đoàn cố vấn Trung Quốc, đoàn điện ảnh Liên Xô (cũ) và nhà đạo diễn nổi tiếng Các-men, nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế… được Bác Hồ tiếp tại Định Hóa. Các đồng chí lãnh đạo Đảng bạn như Chủ tịch Xu-va-nu-vông, đồng chí Cay-Sỏn, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đồng chí Sơn Ngọc Minh, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia … trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã ở làm việc nhiều ngày trên đất Đại Từ…

 

Rõ ràng, Thái Nguyên là Thủ đô của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân xâm lược Pháp. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến, kiến quốc được quyết định ở đây và từ đây Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ lãnh đạo toàn quốc thực hiện. Tình nghĩa của đồng bào Việt Bắc nói chung, Định Hóa, Thái Nguyên nói riêng đối với cách mạng, với kháng chiến hết sức sâu đậm. Tôi cũng nhiều lần trở lại thăm đồng bào, gặp gỡ ôn lại những kỷ niệm xưa rất xúc động, thấy đời sống của nhân dân địa phương ATK còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Tôi đề nghị chúng ta phải góp sức quan tâm, đầu tư nhiều hơn để cuộc sống của đồng bào được nâng cao hơn nữa.

 

Cuối cùng tôi xin chúc Hội thảo của chúng ta ngày hôm nay thành công tốt đẹp, chúc sức khỏe các đồng chí và các bạn!