Bác Hồ ở Khuổi Tát

10:39, 03/05/2012

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (1912-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã trở lại vùng căn cứ Việt Bắc.

Năm 1947, năm thứ hai đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Định Hóa, quê tôi trở thành Thủ đô kháng chiến. Với tôi, hình ảnh của anh Vệ quốc quân hấp dẫn một cách lạ thường, từ dáng điệu các anh đi, đến những bài hát hàng ngày mà các anh vẫn hát. Tôi nói với chú tôi khi đó là Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến xã: Chú cứ bằng lòng đi, cháu đi theo các anh Vệ quốc quân mấy năm để khôn lớn thành người.

 

 

Ngày nào cũng thấy tôi cứ bám riết lấy các anh Vệ quốc quân, lại nhanh nhẹn, nên cơ quan Tổng Thanh tra Quân đội nhận tôi vào làm liên lạc. Anh Vũ Chính, cán bộ Tuyên huấn Tổng cục Chính trị đặt cho tôi cái tên Vũ Hồng thay cho tên khai sinh của tôi là Ma Công Viên. Năm 1950, tôi được cử đi học lớp quân sự ở Trung Quốc thì thêm chữ Việt, thành Vũ Việt Hồng. Thời gian ở cơ quan Tổng thanh tra, các anh phân công cho tôi chăn ngựa, trồng rau, chạy giấy tờ công văn. Hằng ngày đi bộ hai ba mươi cây số đường rừng là chuyện bình thường. Niềm vui đã động viên tôi quên hết mệt nhọc. Bởi vì mong ước của tôi đã trở thành sự thật, tôi đã trở thành anh Vệ quốc quân nhỏ bé.

 

Một hôm, anh Trần Tử Bình, Phó Tổng thanh tra Quân đội cho tôi và các anh Phú (nuôi quân), anh Tòng (giám mã) theo anh đi công tác. Anh Bình bảo tôi mang 2 sọt su hào và bắp cải đi biếu cấp trên. Tôi không dám hỏi anh Bình tại sao lại biếu cấp trên bằng su hào và bắp cải. Sau khi vượt chặng đường dài trên hai mươi cây số, anh Bình và chúng tôi đến Tỉn Keo, một bản nằm dưới chân Núi Hồng. Vào đến trạm gác, anh Bình gọi điện vào cơ quan và cho tôi đi theo. Đến nơi, tôi nhìn thấy một ông Cụ già đứng ở sân.

 

Bác Hồ! Lần đầu tiên tôi thấy có vinh dự lớn được gặp Bác. Chắc anh Bình đã nói trước với Bác rồi. Thấy tôi, Bác xoa đầu tôi và nói: Cháu Hồng là người dân tộc Tày đấy hả? Tôi ấp úng nói: Vâng ạ! cháu là người Tày ạ. Bác vào trong nhà lấy kẹo đưa tôi và bảo: Cháu đi chơi quanh đây để Bác và chú Bình là việc chốc lát. Đến khi anh Bình bảo tôi mang hai sọt su hào và bắp cải vào biếu Bác thì Bác cười bảo: Chỗ Bác cũng trồng được; nhưng chú Bình và cháu đem biếu thì Bác nhận.

 

Đúng vậy, tôi thấy vườn rau của Bác còn xanh tốt hơn vườn rau của chúng tôi nhiều, rau gì cũng có, rau cải, rau su hào, các loại rau thơm. Tôi thầm nghĩ: Bác Hồ bận nhiều việc nước thế này mà vẫn dành thì giờ trồng rau ăn. Trước khi ra về, Bác Hồ nói với tôi bằng tiếng Tày. Bác dặn tôi phải chịu khó học chữ, phải cố gắng tăng gia sản xuất, trồng rau cấy lúa. Cháu còn nhỏ tuổi phải luôn luôn nghe lời dạy bảo của các anh, các chú. Mai sau lớn lên thì đi bộ đội đánh Pháp để nước nhà được độc lập tự do…  Tôi chỉ biết cúi đầu lí nhí vâng dạ thưa Bác.

 

Sau này tôi cũng được các bác các anh trong cơ quan kể lại. Sáng sáng sau khi tập thể dục xong, là Bác Hồ đi vào vườn rau xem các uống rau qua đêm có bị con gì phá phách không. Hằng ngày, cứ sau buổi làm việc buổi chiều là Bác tưới rau, xới đất chăm sóc vườn rau đề phòng sâu bọ phá hoại: Bác thường nói vườn rau là nguồn vui sau một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng. Bác cũng thường khuyên mọi người dành thời gian tăng gia sản xuất, trồng rau trồng quả để mỗi cơ quan, đơn vị không mất thời gian đi chợ xa mua rau xanh.

 

Những năm kháng chiến, Bác Hồ đã có lần gửi biếu các đồng chí lãnh tụ nước ngoài củ sắn, quả bầu, quả bí nặng hàng mấy kí-lô và nói đây là quà Bác Hồ tự tăng gia sản xuất được. Các đồng chí lãnh tụ rất xúc động trước tinh thần yêu quý lao động của Bác Hồ. Sau này mỗi khi có điều kiện tôi lại kể chuyện với cán bộ và chiến sĩ nghe về vườn rau xanh của Bác Hồ ở Khuổi Tát với những năm tháng kháng chiến chống Pháp và yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội hãy luôn luôn học tập tấm gương sáng của Bác Hồ trong lao động trồng rau, trồng sắn.

 

Tháng 9-1969, tôi đang chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Hôm đó, nằm dưới hầm chiến đấu ôm chiếc đài trong lòng nghe tin tức. Bỗng một tin đột ngột như sét đánh ngang tai tôi: Bác Hồ đã qua đời rồi! Nước mắt trào ra thấm ướt cả chiếc khăn tay. Đầu óc tôi hiện dần ra biết bao kỷ niệm sâu sắc, lắng đọng của những ngày đầu tiên được gặp Bác Hồ khi Bác ở Khuổi Tát.

 

Nhờ có Bác Hồ, tôi đã trưởng thành từ một chú bé liên lạc. Tình thương yêu của Bác, truyền thống của quê hương cách mạng, phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ mãi mãi là nguồn động viên lớn để tôi suốt đời làm tròn nhiệm vụ người đảng viên, người quân nhân cách mạng.

 

Bác Hồ đã đi xa rồi, như trong lòng tôi lúc nào cũng nghĩ. Bác Hồ vẫn sống mãi với nhân dân các dân tộc Khuổi Tát - Định Hóa - Thái Nguyên, sống mãi với non sông đất nước ta.

 

(Theo hồi ký của Thiếu tướng Vũ Việt Hồng, Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu I)