Chuyện kể của một cựu tù Côn Đảo

10:23, 08/05/2012

Tám mươi mốt tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng, cụ Bùi Đình Đàn, ở tổ dân phố Cầu Sắt, phường Bách Quang (T.X Sông Công), người cựu tù binh chống Pháp năm xưa vẫn không quên những tháng ngày hào hùng của tuổi trẻ…

Vừa kết nạp đảng được 4 tháng, theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1950 chàng thanh niên chưa đầy 20 tuổi Bùi Đình Đàn hăng hái lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị B14, đại đội 125, trung đoàn 101 trên chiến trường nóng bỏng của mảnh đất Thừa Thiên Huế. Ông bị địch bắt ngày 26-8-1952 khi đang chiến đấu tại xã Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Và từ đó, ông Đàn đã trải qua nhưng ngày tháng khổ cực trong chốn lao tù.

 

 

Ông kể: địch dùng sợi dây thừng to quấn vào cổ các chiến sĩ, chằng người này sát người kia, đi nhích từng bước một. Chúng giải tù binh về nhà lao Tòa Khâm Huế. Nhà lao là 3 dãy nhà tôn thấp lè tè, hình chữ U, giam tới hàng nghìn người rất chật chội, bẩn thỉu. Chỗ nằm của tù binh là dãy sạp gỗ 2 tầng, tầng trên ngồi chạm đầu vào mái tôn. Cái nắng tháng 8 của miền Trung thật oi ả, khắc nghiệt nhất là tầm 1 giờ chiều, cả ngàn người như bị rang trên chảo, ai nấy cổ họng như bị khô rút lại vì thiếu nước uống, nhiều người nằm lả đi. Mỗi tổ 15 người tù chỉ được phát 1 chai nước dùng trong ngày. Tôi xác định được tư tưởng có thể phía trước còn gặp nhiều khó khăn khốc liệt hơn, mình là chiến sĩ cách mạng, chiến đấu vì dân, vì độc lập từ do, nếu có phải hy sinh thì cũng là lẽ đương nhiên.

 

3 tuần bị tra hỏi, khảo cung ở nhà lao Tòa Khâm Huế, không khai thác được gì ở ông Đàn, chúng chuyển ông và một số bạn tù khác đến nhà lao Con Gà, Đà Nẵng. Ở đây có những bức tường đặc máu người, máu rệp, thật khủng khiếp. Suốt 3 tháng ở nhà lao này, ông Đàn cũng không được một giọt nước để tắm rửa. Đêm đến, ai cũng gãi ngứa khành khạch vì ghẻ lở, chấy rận, hôi hám, lại thêm cái khát và bụng đói cồn cào, chẳng thể nào chợp được mắt.

 

Đến tháng 11-1952, địch lại sàng lọc ông Đàn và 1 số tù binh khác đến nhà lao ở vịnh Cam Ranh. Kham khổ khắc nghiệt như thế nên ông Đàn cũng như phần lớn tù nhân khác bị mắc bệnh phù nề, chân sưng to bằng cây chuối, sức lực kiệt quệ. Nhiều chiến sĩ đã về với cát bụi, vùi ba tấc đất bên bờ vịnh Cam Ranh. Trong tình cảnh đó, ông Đàn và một số chiến sĩ kiên trung khác đã bí mật gặp nhau vào ban đêm để lập kế hoạch và thực hiện vận động, tuyên truyền anh em không phản bội Tổ quốc… Đến cuối năm 1953, cai ngục đánh hơi thấy việc làm đó, chúng đánh đập ông dã man, rồi cho ông đeo biển số tù chuyển sang căng A là căng biệt lập giam cộng sản. Tại căng A, qua nhiều lần đánh đập tra tấn, ông Đàn vẫn giữ câu trả lời đanh thép: “Tôi đã thấm nhuần đầu óc Việt Minh cộng sản, tôi không bao giờ phản bội lại Tổ quốc, cho dù các ông có giết chết tôi”, bọn chúng đành chuyển ông và 101 người tù mà chúng cho là bất trị trong căng A Cam Ranh lên tàu đi đày tại Côn Đảo.

 

Không thể kể xiết những gian khổ mà tù nhân phải gánh chịu trong nhà tù Côn Đảo. Nhưng nơi đây ông Đàn đã tìm lại ánh sáng của đời mình. Ông kể: Điều đặc biệt nhất ở Côn Đảo là việc tổ chức chính trị hoạt động đấu tranh của nhà tù Côn Đảo rất chặt chẽ. Về Đảng có Đảo ủy chỉ đạo, dưới các nhà lao có tổ chức Đảng đến từ chi ủy chi bộ. Tôi đã vững vàng trong mọi thử thách, nên tiếp tục được hoạt động trong đội quân ngầm, được truy nhận sinh hoạt Đảng, được kết nạp vào khối liên đoàn tù nhân kháng chiến Côn Đảo và được phong tặng là chiến sĩ điển hình của phòng 3, Lao 3.

 

Ông nhắc lại một kỷ niệm đáng nhớ nhất ở Côn Đảo đó là vụ đưa dao găm về Lao 3 cho chúng tôi nghe. Khoảng giữa tháng 7-1954, theo chủ trương của Đảo ủy, đội quân ngầm Côn Đảo có nhiệm vụ chuẩn bị vũ khí thô sơ để chủ động đối phó với địch khi xảy ra bất trắc. Lợi dụng địch tổ chức 1 lò rèn phục vụ thi công xây lại nhà lao 4, các chiến sĩ ở lò rèn lấy đinh 10 rèn thành dao găm nhọn cung cấp cho đội quân ngầm ở các Lao. 7 chiến sĩ ở nhà Lao 3 trong đó có ông Đàn nhân lúc đi chở nước về cho nhà bếp đã bỏ 37 con dao găm vào thùng nước. Xe chạy trên đường goòng như thường, nhưng khi vào đến cổng thì bị hai tên lính canh phát hiện, chúng xô đổ thùng nước, bắt ngay 7 người chở nước và 2 thợ rèn giam vào xà lim Côn Đảo để chờ ngày hành quyết. Trong xà lim, ông và các bạn tù tự động viên, đoàn kết bên nhau tin tưởng vào thắng lợi ở ngày mai, vẫn lạc quan, nuôi ý chí cách mạng, đợi ngày chiến thắng trở về phục vụ nhân dân.

 

Sau vài tuần ngồi trong xà lim, thì nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, đội của ông Đàn may mắn được trả về lao 3 để chờ ngày trao trả tù binh. Ngày 20-8-1954, chiếc tàu há mồm đưa anh em tù binh rời bến cầu tàu trao trả tù binh tại Cửa Hội, Nghệ An. Ông tâm sự: “Lúc đó, mỗi chúng tôi biết bao cảm động, đôi mắt lệ nhòa trước tình cảm của hàng vạn người dân đến đón”. Thế là sau gần 700 ngày bị đày ải trong tù, tôi đã được trở về trong vòng tay yêu thương của nhân dân, của Đảng và Chính phủ”.

 

Tham gia hoạt động cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ, người thanh niên Bùi Đình Đàn đã phục vụ hết mình cho Tổ quốc, khi trở lại đời thường, ông tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, tiếp tục cống hiến xây dựng đất nước. Đến nay tuy tuổi đã cao, ông Bùi Đình Đàn vẫn tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động xã hội, thể hiện tấm gương: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” tại địa phương. Với những cống hiến trong hoạt động cách mạng, ông đã vinh dự được các cấp tặng thưởng nhiều huân, huy chương, trong đó có Huân chương Chiến thắng Hạng nhất, Huy chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày...

 

Giờ đây ở tuổi 81, con cái cũng đã trưởng thành và có gia đình riêng, cuộc sống đã tạm ổn định nhưng ông Bùi Đình Đàn vẫn còn nỗi niềm trăn trở. Ông tâm sự: “Tôi rất muốn được một lần ra thăm lại Côn Đảo nơi mình đã bị giam giữ trước đây và tìm gặp lại những đồng đội xem ai còn, ai mất để ôn lại những tháng năm gian nan vất vả nhưng rất đáng tự hào”.