Đẹp nhất tên Người

08:54, 20/05/2012

Đẹp nhất tên Người - Hồ Chí Minh. Người dân Việt Nam, dù chưa một lần được gặp Người, nhưng từ thẳm sâu đáy lòng, nơi giọt hồng con tim luôn rung nhịp kính yêu, gọi người là “vị cha già dân tộc”.

Như mọi miền quê của Tổ quốc Việt Nam, những ngày tháng Năm lịch sử, vùng đất ATK Định Hoá - Thái Nguyên lại rộn ràng không khí mừng Ngày sinh của Bác. Cờ đỏ, sao vàng phấp phới bay, pa nô, biểu ngữ hồng tươi trong sắc nắng, ai nấy hân hoan chào đón ngày sinh vị cha già kính yêu. Bóng người như còn đây - bên dòng suối, trên lưng ngựa, từng bậc đá rêu phong ẩn dưới tán rừng vầu bên ngọn đồi Khau Tý (Điềm Mặc) còn in dấu chân người.

 

Các nhân chứng lịch sử kể chuyện về những ngày sống, làm việc tại ATK Định Hóa

 

Trên ngọn đồi Khau Tý, nơi 65 năm trước, Người về đây lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Trong khoảng lặng của gió rừng, bà Hạ Chí Nhân, con gái đồng chí Hoàng Quốc Việt, nguyên Tổng Bí thư Tổng Bộ Việt Minh lấy cho chúng tôi xem từng bức ảnh bà được chụp chung với Người. Bà kể: Tôi sinh ra ở bản Mua (Điềm Mặc), lớn lên dưới những cánh rừng già, tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện kháng chiến… 

 

Bà Hạ Chí Nhân, nhà nghiên cứu Văn hóa – Xã hội

Xấp ảnh đen trắng đã ngả màu thời gian, song nhờ được bà nâng niu, cất giữ cẩn thận  nên từng tấm ảnh còn sắc nét, rõ hình. Chỉ từng tấm hình, bà giảng giải: Cháu bé đầy tháng tuổi được Bác Hồ đang ẵm đây là tôi. 2 người đứng sau Bác là bố, mẹ tôi. Bà Nhân lật mở cho chúng tôi xem, như một cuốn nhật ký bằng ảnh về cuộc đời bà và những bé em con cán bộ, bộ đội ngày đất nước kháng chiến.  Bà Nhân tự hào: Gia đình tôi sinh sống ở Hà Nội, từ nhiều năm nay, năm nào tôi cũng cùng chồng - ông Nguyễn Xuân Thu ngược Quốc lộ 3 lên Thái Nguyên, về Định Hóa thăm lại chốn cũ, rừng xưa.

 

Ông Trần Trọng Trung (ở Liễu Giai, Hà Nội) kể: Thời kháng chiến 9 năm, tôi công tác ở Bộ Tổng Tham mưu, hầu hết các cánh rừng ở Định Hóa tôi đều qua. Với tôi đó là những năm, tháng đẹp nhất trong phần đời trẻ trung của mình. Vì thế sau này khi đã nhận sổ hưu, tôi vẫn thường xuyên trở lại đây, nhiều chuyến tôi rủ thêm các bạn hưu của mình trở lại ATK Thái Nguyên bằng xe đạp…

 

Ông Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn), được Bác Hồ viết báo về gia đình mình.

Đêm Khau Tý bình yên, chỉ có tiếng gió ngàn lặng lẽ như lược trời chải vào vô số lá, cành của rừng vầu, gợi cho tôi liên tưởng tới bóng Người năm xưa ngồi câu cá bên dòng nước Nạ Tra, để bật tứ cho bài thơ “Cảnh khuya”. Và những đêm không ngủ, chính ở ngọn đồi này, Người đã viết tác phẩm: “Sửa đổi lề lối làm việc” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Biết tôi công tác ở Báo Thái Nguyên, ông Nguyễn Huy Văn, bí danh Kim Sơn vui vẻ kể chuyện: Trước đây vợ tôi làm phóng viên của Báo Bắc Thái, sau mới chuyển công tác về Thủ đô Hà Nội. Tôi có mặt ở ATK Định Hóa từ tháng 5/1945, được dự lễ thống nhất giữa Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu Quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân tại Định Biên Thượng. Tuy không được trực tiếp gặp Bác Hồ, song tôi tự hào là được sinh ra trong một gia đình cách mạng, trong nhà có 6 anh chị em thì cả 6 người tham gia đánh giặc. Nay đã 81 tuổi, có nhà to ở Thủ đô Hà Nội, nhưng với ông, tài sản có giá trị lớn nhất của cuộc đời là bài báo do chính Bác Hồ viết về gia đình ông. Bài báo có tựa đề “Cả nhà kháng chiến”, Bác lấy bút danh C.B. (1),(2). Bài báo gồm 210 chữ, 17 dòng, ngắn gọn, dễ đọc. Bài báo được ông cất giữ như một vật báu của dòng họ.

 

84 tuổi, Đại tá Trần Ngọc Duyện, nguyên Phó Tư lệnh Thông tin liên lạc vẫn nhanh nhẹn. Chất lính năm xưa ăn sâu vào huyết quản, ông có cách nói chuyện dứt khoát, thoải mái, ông kể: Tôi là “dân” thông tin liên lạc, tuy chưa được trực tiếp gặp Người, nhưng cùng đồng chí mình góp phần bảo đảm nhiệm vụ thông tin, thông suốt cho Người và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cũng như các đơn vị ở ATK, và từ ATK đến Điện Biên Phủ. Nay, tôi sinh sống cùng con, cháu ở Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội), sau ngày kháng chiến thành công, thỉnh thoảng có dịp tôi lại về Định Hóa để được sống thời đôi mươi. Tôi đã công tác ở ATK Định Hóa từ năm 1947 đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

 

Trở lại câu chuyện với bà Hạ Chí Nhân. Bà Nhân bảo: Trong tấm ảnh tôi đầy tháng tuổi được Bác Hồ ẵm. Đứng cạnh Bác là cụ Nguyễn Thị Bích Thuận, Phu nhân đồng chí Lê Văn Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Cụ Thuận trước đây làm cảnh vệ. Rồi làm đến Phó cục Trưởng Cục Cảnh vệ thì nghỉ hưu. Khi chúng tôi hỏi chuyện, cụ Thuận ôn tồn: Mỗi người một nhiệm vụ, song làm gì cũng phải hết sức mình, không được phép sơ xuất. Chợt cụ… mắng yêu: Các cháu, cụ 91 tuổi rồi, chuyện gì cũng phải hỏi từ từ, để cụ còn nhớ. Đỡ lời mẹ, bà Nguyễn Minh Thu, 63 tuổi trò chuyện: Bà sinh ra ở quê hương Điềm Mặc, được sống trong sự đùm bọc của nhân dân huyện Định Hóa. Nay gia đình bà sinh sống ở Ba Đình (Hà Nội), nhưng lòng bà luôn hướng về Định Hóa (Thái Nguyên), vì chính nơi này bà đã cất tiếng khóc chào đời. Tuổi thơ của bà may mắn hơn so với nhiều bé em cùng thế hệ. Bà được Bác Hồ bế, bón cho ăn. Giây lát dừng lời, bà tiếp tục câu chuyện đầy tự hào: Anh có biết tấm ảnh một em bé được Bác Hồ bón xôi cho ăn không? Bà đấy, thế mà đã 61 năm rồi.

 

Vâng! Đã 65 năm Bác Hồ về Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp xâm lược. Ngày kháng chiến thành công, Bác Hồ, Trung ương Đảng, các cơ quan Nhà nước rời ATK trở về Thủ đô Hà Nội, nhưng còn đây bóng Người, gần gũi, thân thiết, thắm đỏ như dòng máu trong huyết quản mỗi người.

Đại tá Trần Ngọc Duyện, nguyên Phó Tư lệnh Thông tin Liên lạc.

 

 

 

 

Bà Nguyễn Minh Thu, người được Bác Hồ bế, cho ăn lúc 2 tuổi ở ATK Định Hoá