Đôi điều về nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình

16:30, 05/05/2012

Tự phê bình và phê bình (TP&PB) có thể xem là quy luật chung nhất cho mọi sự phát triển. Việc Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương IV khóa XI “Những việc cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay” (dưới đây viết tắt là NQ) lấy TP&PB làm một giải pháp và có mặt trong cả chuỗi giải pháp thực hiện NQ là điều rất có ý nghĩa.

Sau khi nêu thứ tự việc tự phê bình và phê bình từ Bộ Chính trị trở xuống đến cấp ủy các cấp, trong nội dung này, NQ có ghi một câu rất đáng được quan tâm: “Trước khi kiểm điểm cần có hình thức phù hợp, lấy ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm”. Câu chữ thì chỉ có vậy nhưng suy ra, nó có nội hàm rất rộng.

 

Trong tiến trình cách mạng ở nước ta, có một thời TP&PB được coi là việc làm chứa chan tình cảm đồng chí, đồng đội, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi cá nhân để thành nhiệm vụ. Nay, hoàn cảnh đã khác. TP&PB hoặc là rơi vào chủ nghĩa hình thức, hoặc trở nên nặng nề, thậm chí biến thành “phương tiện” sát phạt nhau, mưu cầu quyền lợi cá nhân. Để TP&PB giữ được tính nhân văn trong sáng của nó, đặc biệt với tư cách được coi là một giải pháp để thực hiện NQ, thiết nghĩ phải có bước chuẩn bị cả về  tư tưởng và tổ chức:

 

Một là, trước khi tiến hành TP&PB, bên cạnh sự nhấn mạnh đến nguyên nhân chủ quan, cần quan tâm đúng mức tới nguyên nhân khách quan, những yếu tố làm cho công tác xây dựng đảng “có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ”. Cho thấy, trong công cuộc đổi mới đất nước (vốn chưa có tiền lệ) Đảng ta phải “vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa lường hết được mặt trái của cơ chế thị trường” nên không tránh khỏi những lúng túng “đặc biệt còn thiếu những cơ chế, chính sách đồng bộ, khoa học để chủ động ngăn ngừa những vi phạm”. Trong khi đó “một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể và nhà nước, đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển”.

 

Thực tế cho thấy, trong một hệ thống chưa hoàn chỉnh sẽ không đủ điều kiện để cho mỗi cá nhân hoàn chỉnh; còn trong một hệ thống hoàn chỉnh thì người ta sẽ không cần vi phạm, không dám vi phạm và cũng không thể vi phạm. Trong hoàn cảnh khách quan như thế, nhắc chúng ta phải xem xét những sai phạm của tập thể và cá nhân, trong các mối quan hệ vốn bị chi phối bởi quan niệm “một trăm cái lý, không bằng một tý cái tình”. Cái sai phạm của cấp trên có một phần chịu chi phối từ cấp dưới. Cái sai phạm của những công bộc, có phần nguyên nhân từ cái sai phạm của người dân và ngược lại. Từ đó để có cách xử sự thấu lý, đạt tình.

 

Hai là, người xưa nói: “nhân vô thập toàn”, cái đích của TP&PB là để mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình, để mỗi tập thể đoàn kết và phát triển. Xưa nay, Đảng ta vẫn coi TP&PB là quy luật phát triển của Đảng. Đây là cái “bất biến” để chúng ta “ứng vạn biến”. Điều mà tổ chức cần là mỗi cá nhân phải tự mình nhận rõ sai phạm, tự mình sửa lỗi; điều mà mỗi sai phạm mong muốn là, nhận được xử lý trong tinh thần khoan thứ và dung nạp.

 

Để tiến trình TP&PB hài hòa được hai nguyện vọng này, thì cần lắm những bước đi phù hợp như: Xác định nội dung TP&PB cho mỗi tập thể, cá nhân để tự chuẩn bị; kết hợp việc tự kiểm điểm với góp ý và tự kiểm điểm, phối hợp giữa gợi ý của tổ chức với góp ý của nhân dân nơi cư trú; mỗi chức danh khác nhau cần có ý kiến tham góp của những đối tượng khác nhau. Cách lấy ý kiến đóng góp của quần chúng nên được tiến hành xen kẽ với mỗi lần kiểm điểm và cần được đổi mới; thay vì góp ý trực diện nên sử dụng hình thức tín nhiệm theo phiếu kín; phiếu góp ý nên cấu trúc nội dung để người góp ý không phải viết, tránh tình trạng nể nang như vốn có.

 

Ba là, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà suy thì: một cán bộ dám nhận sai lầm là một cán bộ dũng cảm. Tuy nhiên, điều cần được thông cảm ở đây là hầu hết những đối tượng có vấn đề, đều nằm trong các mối quan hệ không minh bạch. Động viên lòng dũng cảm của họ trong tình thế ấy là một khó khăn. Dũng cảm trước cái sống và cái chết dễ hơn dũng cảm giữa cái giàu và cái nghèo, giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Trong cái sai phạm “bất thành hình” người ta luôn có tâm lý muốn trốn chạy; nhưng chúng ta hoàn toàn có thể minh bạch, cái không được minh bạch bằng những kênh thông tin tinh nhuệ của mình. Đó là thế mạnh của tổ chức để nhắc nhở với những đối tượng cần nhắc nhở. Quá trình TP&PB cũng nên có thời gian cần thiết, tạo điều kiện để sự việc có cơ hội thẩm thấu, chín muồi.

 

Tin chắc, với cách làm được chuẩn bị chu đáo, với quan điểm xây dựng, lại có tình thương yêu lẫn nhau, với trách nhiệm và lòng tự trọng bản thân của mỗi cán bộ đảng viên, tất cả vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng, sự phồn vinh của đất nước, tin chắc việc TP&PB sẽ thực sự trở thành giải pháp quan trọng nhất trong thực hiện thắng lợi NQ lịch sử này.