Giá điện vẫn chưa thể “thả” cho doanh nghiệp tự quyết

16:10, 28/05/2012

Với thực trạng về quản lý, kinh doanh như hiện nay, nếu để doanh nghiệp tự định giá bán điện sẽ rất thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Theo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật giá của Thường vụ Quốc hội, vấn đề giá điện dự kiến sẽ được quy định như Chính phủ đề nghị. Nhà nước sẽ chỉ định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu đang thuộc độc quyền nhà nước. Trước mắt, Nhà nước sẽ vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện nhưng về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình.

 

Tại phiên làm việc sáng 28/5, Quốc hội thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến dự thảo Luật giá, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề giá điện.

 

Về giá bán lẻ điện, theo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nhà nước cũng sẽ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường.

 

Tuy nhiên, về nội dung này nhiều đại biểu vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) cho rằng: “Khi EVN còn độc quyền thì Nhà nước cần định giá bán cụ thể đối với giá bán lẻ điện. Không nên để doanh nghiệp tự định giá”.

 

Làm rõ hơn tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong điều hành giá điện hiện nay, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) chỉ ra rằng: Hiện nay Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu đại diện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam, vừa là cơ quan có chức năng kiểm soát giá, lại vừa là cơ quan hoạch định các chính sách. Điều này rất dễ có khả năng dẫn tới các xung đột về lợi ích, thiếu khách quan, khó thực hiện chức năng kiểm soát với một thị trường điện chưa thực sự có tính cạnh tranh như hiện tại. Vì vậy, nếu giá bán lẻ điện không được Nhà nước định giá cụ thể sẽ có khả năng gây thiệt hại cho người sử dụng, nếu không có một cơ quan kiểm soát độc lập.

 

“Kể cả khi chức năng kiểm soát về giá giao cho Cục điều tiết điện lực như hiện nay thì cũng chưa đảm bảo tính công bằng vì đây vẫn là một cơ quan nằm trong Bộ Công thương. Vì thế, chức năng độc lập giám sát và bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan, đặc biệt là người tiêu dùng chưa được thể hiện rõ” – đại biểu Thanh Hải nói.

 

Mổ xẻ vấn đề trong mối tương quan với các Luật khác, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, cần xem xét kỹ thêm các quy định về các loại giá điện như giá truyền tải điện, giá dịch vụ, phụ trợ hệ thống điện. Sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, nên những nội dung quy định đối với các giá điện trong dự thảo Luật giá sẽ liên quan trực tiếp đến Luật điện lực nên cần phải cân nhắc kỹ. Vì nếu chúng ta thống nhất ở đây thì đương nhiên chúng ta chấp nhận rất nhiều giá đối với các khâu truyền tải, phân phối và phát điện và như vậy thì nguy cơ đẩy giá bán lẻ điện đối với người tiêu dùng sẽ nâng cao.

 

Theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nhà nước sẽ định giá ở một số khâu:

 

Nhà nước định mức giá cụ thể đối với: giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu hiện đang thuộc độc quyền nhà nước.

 

Đối với các khâu: phát điện, bán buôn điện về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện. Như vậy, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung đó; bảo đảm có lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho doanh nghiệp song Nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện.

 

Đại biểu Đồng Hữu Mạo, Thừa Thiên - Huế đồng ý với chuyện Nhà nước phải định giá bán lẻ điện, bởi vì chừng nào chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước không thể không có định giá.

 

Đại biểu Đồng Hữu Mạo dẫn chứng: Thời gian qua, ngành điện liên tục kiến nghị Chính phủ tăng giá điện và Chính phủ đã có lộ trình tăng giá. Giả sử quy định giá bán lẻ để cho ngành điện thì chắc chắn sẽ có một giá hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng, rất phức tạp.

 

Băn khoăn của đại biểu Đồng Hữu Mạo còn thể hiện ở chỗ: giá bán lẻ điện bình quân chúng ta hiểu như thế nào? Có thể hiểu là khi ngành điện bán thì bán với nhiều giá cho nhiều đối tượng và sau một thời kỳ thì tính bình quân giá bán bằng cách lấy doanh số bán ra của điện chia cho tổng sản lượng điện đã bán để tính giá bình quân. Nhà nước quản lý thế nào, để biết doanh nghiệp đó bán đúng giá quy định của Nhà nước.

 

“Quy định này mới nghe thì hợp lý là Nhà nước chỉ quản lý giá bán điện nguồn cung, nhưng mà nghiên cứu kỹ trong quá trình quản lý để thực hiện vấn đề này thì tôi thấy không khả thi. Nếu quy định như hiện hành thì người dân hoặc các doanh nghiệp biết ngay ông điện ông ấy bán cho tôi đúng như Nhà nước quy định hay không” – đại biểu Mạo khẳng định.

 

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu khác, trong điều kiện ngành điện còn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam độc quyền hoàn toàn, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) khẳng định: “Phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, khai thác điện, bán lẻ… Nhà nước phải định giá cụ thể, không để doanh nghiệp tự định giá”.

 

Trước đó, một số ý kiến cho rằng, để kiểm soát được giá điện, góp phần ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh thì Nhà nước nên định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện; giá bán buôn điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu độc quyền nhà nước./.