“Lương tâm rồi sẽ trong như ngọc”

16:32, 31/05/2012

Hiện nay, trong đời sống hàng ngày ở mỗi địa phương, không ít điều người dân phải phàn nàn khi có việc tiếp xúc với một số cán bộ, quan chức: Đó là sự quan liêu, hách dịch, hay sự vô cảm với những bức xúc của người dân, hoặc có thái độ quan cách, hành vi sách nhiễu… Bên cạnh đó, cộng đồng cũng dễ dàng nhận thấy cảnh “đổi đời” của không ít cán bộ, quan chức: Mới hôm nào họ còn sống bình dân, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn được cơ cấu vào một chức vụ nào đó thì họ đã giàu lên nhanh chóng, xây nhà cao cửa rộng, mua sắm ôtô đắt tiền, nói năng kẻ cả, học đòi cách ăn chơi “thời thượng”… Đáng lo ngại là những điều bất thường đó lại đang được coi là “bình thường” trong cuộc sống. Mọi người bảo nhau: Biết nói thế nào và nói với ai(!?), và mọi bức xúc đành… “nén” vào trong. Nay có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 - NQTW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thì niềm hy vọng của người dân lại được “hâm nóng”.

 

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy có ba cái khó trong quá trình đưa NQTW4 vào cuộc sống: Một là, làm sao để chỉ được đúng người, gọi cho đúng tên những sự việc xảy ra? Hai là, xử lý thế nào với “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất”? Ba là làm thế nào để đưa người dân vào cuộc? Khỏi phải nêu ra đây những gì mà người dân đang nôn nóng trông chờ được giải quyết. Chúng tôi muốn nêu những vấn đề được suy nghĩ nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm, để có thể góp phần giải quyết những cái khó nói trên.

 

Trước hết, chúng tôi rất thấu đáo với phương châm nêu ra trong NQTW4: “ Phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, tránh né… Phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan, đồng thời không rơi vào trì trệ, hình thức… Không để các phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích, gây rối nội bộ”. Có thể nói, mỗi câu, mỗi ý trong phương châm này đều hàm chứa những nội dung tư tưởng và chỉ đạo hành động rất sâu sắc. Vận dụng tinh thần của phương châm đó, chúng tôi thấy để giải quyết ba cái khó đã nêu, chúng ta cần dựa vào hai “bảo bối”:

 

Một là: Truyền thống con Lạc cháu Hồng, tinh thần nhân đạo, lòng vị tha của dân tộc. Có thể thấy những phẩm chất này trong kho tàng ca dao, những lời răn dạy của cha ông ta từ thời mở nước, đại thể như: “nhân vô thập toàn”, “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Bởi chẳng hay ho gì một cuộc “đấu tố”, để rồi “tay nọ chém tay kia”, sau đó phải ngậm ngùi, luyến tiếc bởi sự thiếu tỉnh táo của mình. Hoặc như “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, rồi “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” - tức là đặt mỗi sự việc trong bối cảnh lịch sử cụ thể của nó… Ngày nay, vận dụng truyền thống của dân tộc, ngay cả với kẻ thù từng gây ra những tội ác tầy trời với chúng ta, mà Đảng vẫn chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lại”. Truyền thống đó là tài sản vô giá cho mọi thời đại Việt Nam, trở thành “bảo bối” cho sức mạnh của dân tộc ta...

 

Hai là: Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Thật ra đây cũng là những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, được Bác kế thừa, phát triển và kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại, trở thành những lời răn dạy gần gũi với nhiệm vụ cách mạng đương đại. Trong đó tư tưởng đoàn kết trở thành chủ đạo. Có thể thấy, dù ở đâu, với bất kể công việc gì, khi nói chuyện với lứa tuổi nào, đối tượng nào, dù là nông dân, công nhân, trí thức hay đồng bào dân tộc, tôn giáo nào, Người cũng nêu vấn đề đoàn kết: “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Người đặc biệt chú ý khâu tự phê bình và phê bình, việc nhắc nhở ai đó luôn phải có tình, có lý, có sự thương yêu nhau trong phê bình và tự phê bình. Bác nói: “Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng đều dòng dõi dân tộc ta, vậy nên phải khoan hồng, đại độ” (Thư gửi đồng bào Nam bộ ngày 31-5-1946). Người còn nói “Mỗi người đều có thiện, có ác ở trong lòng. Ta phải biết làm sao cho phần tốt ở mỗi người nẩy nở, phần xấu bị mất dần đi” (Ý kiến về xuất bản sách Người tốt, việc tốt, tháng 6-1968). Trong Đảng, Người căn dăn phải thật sự dân chủ. Bác luôn nêu tấm gương dân chủ trong phong cách làm việc của mình. Người cũng yêu cầu các cán bộ phải tôn trọng nhân dân, tự nguyện làm công bộc cho dân, biết dựa vào dân vì “khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Trong xử thế, Người nhắc nhở: “Với từng cá nhân thì khoan thứ, với đoàn thể phải nghiêm” (Đường cách mệnh). Những lời dậy đó của Bác mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị…

 

Riêng với cái khó thứ ba (làm sao để đưa dân vào cuộc trong quá trình triển khai thực hiện NQTW4) thì trong “nhóm giải pháp về tổ chức cán bộ và sinh hoạt Đảng” của NQ đã nêu những giải pháp hay. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc “đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia”. Nếu việc này được tổ chức minh bạch, công khai thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình cao của nhân dân và người dân sẽ hăng hái vào cuộc tham gia công tác xây dựng Đảng.

 

Bên cạnh đó, trong quá trình đưa NQTW4 vào cuộc sống, thiết nghĩ cần quán triệt kỹ nội dung phương châm nêu trong NQ; khai thác được lợi thế vũ khí tự phê bình và phê bình như là một phương tiện để mọi người yêu thương nhau (hiện đang có nguy cơ mai một, trở thành phương tiện phục vụ cho thói ích kỷ, cá nhân); có sự tham khảo những “bảo bối” nói trên, cùng với yếu tố thời gian, làm thức dậy lòng tự trọng, danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên, động viên tinh thần dũng cảm của mọi người trong tự phê bình và phê bình… Làm được như thế thì chắc chắn việc khó cũng trở nên dễ, việc nóng sẽ nguội dần đi, lòng tức giận sẽ được thay bằng sự sáng suốt, mọi đố kỵ sẽ được hóa giải, niềm tin của nhân dân với Đảng sẽ được nâng lên; để cho “Lỗi lầm âu cũng áng mây qua/ Lương tâm rồi sẽ trong như ngọc…” (thơ Tố Hữu); làm cho quá trình thực hiện NQTW4 trở thành quá trình hội tụ những tấm lòng Việt Nam, hội tụ tinh hoa văn hóa Việt, để cho Đảng ta mãi mãi “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân…