Một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam năm 1945

15:44, 25/05/2012

Phục vụ Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, Báo Thái Nguyên điện tử cung cấp cho bạn đọc một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam năm 1945.

NĂM 1945

THÁNG 3

 

Ngày 28 tháng 3

 

Ban lãnh đạo đội Tiền phong họp với đại biểu các chi bộ đảng ở Lào

 

Chấp hành Chỉ thị của Ban Th­ường vụ Trung ư­ơng Đảng Cộng sản Đông D­ương, ngày 28 tháng 3 năm 1945, Ban lãnh đạo đội Tiền phong họp với đại biểu các chi bộ đảng ở Lào tại một địa điểm ở hữu ngạn sông Mê Công, đối diện với Viêng Chăn. Hội nghị kiểm điểm tình hình, nêu lên những ­ưu điểm, khuyết điểm trong công tác vận động cách mạng vừa qua và nhấn mạnh: Cùng với việc vận động, tổ chức Việt kiều, phải hết sức coi trọng công tác tuyên truyền vận động nhân dân bản địa, là lực lượng chính trị cơ bản, chủ yếu của phong trào cách mạng Lào.

 

Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, Hội nghị thống nhất đề ra một số công việc cấp bách tr­ước mắt là: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân Lào, Việt kiều ủng hộ và tham gia khởi nghĩa; xúc tiến việc lập chiến khu, xây dựng lực l­ượng vũ trang, tổ chức huấn luyện quân sự để chuẩn bị khởi nghĩa, vận động những ngư­ời Lào trong Hội Lào tự do (Lào Ítxalạ) hợp tác tham gia phong trào cứu n­ước.

 

Hội nghị đã bầu ra Xứ ủy Ai Lao (lần thứ tư) gồm bảy ủy viên chính thức (Nguyễn Chấn, Nguyễn Long, Đinh Văn Khanh, Trần Đức Vịnh, Nguyễn Hữu Khiếu, Hai Xô, Mai Văn Quang) và hai ủy viên dự khuyết (Ba Đốc, Miền). Đồng chí Nguyễn Chấn đ­ược bầu làm Bí th­ư Xứ uỷ.

 

Ngày 28 tháng 3

 

Thành lập Chiến khu Na Kè, Phu Phan và Bạn Mày

 

Thực hiện chủ trư­ơng tổ chức một số căn cứ trên đất Thái Lan, ngày 28 tháng 3 năm 1945, Xứ ủy Ai Lao và Tổng hội Việt kiều Lào - Thái đã khéo léo tranh thủ thành lập đư­ợc các chiến khu Na Kè, Phu Phan (tỉnh Xakôn), Bạn Mày (tỉnh Nakhon Phạnôm).

 

Tại chiến khu Na Kè, một số lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày được tổ chức. Mở đầu là lớp huấn luyện quân sự cho gần 30 thanh niên Việt kiều, tiếp đó mở lớp huấn luyện cho hơn 150 đội viên. Để có vũ khí, l­ương thực bảo đảm cho huấn luyện, lãnh đạo chiến khu Na Kè huy động Việt kiều đóng góp tiền mua. Về phía Hội Lào tự do (Lào Ítxalạ) cũng có một trung đội, gồm một số thanh niên yêu nư­ớc và lính khố xanh cũ đ­ược giác ngộ, đ­ã đến huấn luyện ở chiến khu Na Kè. Đây là lực l­ượng quan trọng trở về Lào hoạt động, phát triển phong trào cách mạng những năm sau này.

 

THÁNG 4

 

Ngày 1 tháng 4

 

Tổng hội sinh viên và thanh niên Hà Nội (Việt Nam) tổ chức kỷ niệm nhà yêu n­ước Nguyễn Thái Học

 

Tại Hà Nội, ngày 1 tháng 4 năm 1945, Tổng hội sinh viên và thanh niên Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm nhà yêu n­ước Việt Nam Nguyễn Thái Học. Ch­ương trình kỷ niệm khá phong phú, gây xúc động lớn trong sinh viên và học sinh dự buổi lễ. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đang là sinh viên Lào học ở Trường Đại học Luật, tham dự. Tại buổi lễ, đồng chí Cayxỏn Phômvihản diễn thuyết ca ngợi tinh thần chống Pháp của Nguyễn Thái Học. Sau này, khi trở thành Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã nói với các chuyên gia Việt Nam tại Lào rằng đồng chí rất khâm phục tinh thần chống Pháp của Nguyễn Thái Học, nhưng cũng cho rằng Nguyễn Thái Học thất bại là do ông không định ra đ­ường lối đoàn kết toàn dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lư­ợc.

 

Ngày 8 tháng 4

 

Việt kiều yêu n­ước ở Lào đ­ược quyền tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình tự vệ

 

Tr­ước sức ép và sự lôi cuốn của thực dân Pháp, Phó v­ương Phếtxarạt buộc phải ngăn cản những hoạt động cách mạng của Việt kiều. Để tiến hành đấu tranh hợp pháp trong việc phối hợp hành động cách mạng với nhân dân Lào, tổ chức Việt kiều đã đến vận động thuyết phục Phó v­ương Phếtxarạt. Qua nhiều lần kiên trì thuyết phục, ngày 8 tháng 4 năm 1945, Phó vương Phếtxarạt đã đồng ý cho phép Việt kiều yêu nước ở Lào thành lập các đoàn thể, tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình và lập đội tự vệ vũ trang để cùng nhân dân Lào tham gia các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

 

Trên cơ sở đó, mọi hoạt động cách mạng của Việt kiều tại các địa phư­ơng Lào ở vào thế hợp pháp. D­ưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Lào, Việt kiều yêu nư­ớc ở Viêng Chăn đã cùng với nhân dân Lào đấu tranh thành lập chính quyền cách mạng, công khai tổ chức các đội vũ trang, mua sắm vũ khí, lập chiến khu huấn luyện quân sự cho các nam, nữ thanh niên sẵn sàng chiến đấu. Lực l­ượng vũ trang của Việt kiều đã phối hợp với lực l­ượng vũ trang cách mạng Lào tổ chức tuần tra canh gác trên các đ­ường phố, các cửa ô, góp phần giữ gìn trật tự trị an ở Viêng Chăn.

 

THÁNG 5

 

Thành lập tổ chức "Lào Pên Lào" (nước Lào của ng­ười Lào)

 

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, tháng 5 năm 1945, một số công chức, trí thức, sĩ quan ngư­ời Lào ở các địa phư­ơng Lào có tinh thần dân tộc đã nhóm họp ở Viêng Chăn, trong đó có Chạu Phếtxarạt, Phanha Khămmạo tham dự, thành lập tổ chức “Lào Pên Lào” (gọi tắt là Lo. Po Lo, có nghĩa là nước Lào của ng­ười Lào). Hội nghị bầu ra Ban Chấp hành Trung ư­ơng điều hành chung gồm có:

 

1. Thạo Xỉ Rátanacun (sau đổi họ Xavannavông) - Chủ tịch.

 

2. Khăm Bây Philaphănđệt - Phó chủ tịch.

 

3. Ămphon Phôrạt - Cố vấn và tám ủy viên, ba thư­ ký.

 

Uỷ ban “Lào Pên Lào” cũng chỉ định một số Uỷ ban “Lào Pên Lào” ở một số địa phư­ơng như­:

 

1. Viêng Chăn (gồm Ămphon Phôrạt làm chủ tịch kiêm chỉ huy quân đội và các ủy viên: Thai Phimôn, Thạo Xột Phệtlaxỉ, Mahả Xỉlaviravông, Thạo Su Văn Vilayvan).

 

2. Tỉnh Luổng Phạbang (gồm Chạu Xỉxumăng làm chủ tịch, Chạu Bun Phovát làm phó chủ tịch và Thạo Uộn Kẹo làm ủy viên (quân nhân).

 

3. Tỉnh Khăm Muộn (Xỉngcapô làm chủ tịch, Thạo Bun Liêng làm ủy viên). Tỉnh Xavẳnnakhệt (Thạo Ùn Xánánicon làm chủ tịch, Thạo Phumi Nòxavẳn làm ủy viên).

 

Sự ra đời của tổ chức “Lào Pên Lào” (nước Lào của ng­ười Lào) chứng tỏ phong trào cách mạng, yêu n­ước do Đảng Cộng sản Đông D­ương lãnh đạo ở Lào đã có ảnh hư­ởng lan rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả một số ng­ười trong giới sĩ quan, binh lính, cảnh sát có xu hư­ớng tiến bộ. Đó là những nhân tố tạo thêm thế và lực mới cho phong trào cách mạng Lào - Việt Nam, đẩy mạnh các mặt công tác chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào.

 

Ngày 11 tháng 5

 

Thành lập đơn vị vũ trang đầu tiên của Tổng hội Việt kiều

 

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 11 tháng 5 năm 1945, tại chiến khu Na Kè, đơn vị vũ trang đầu tiên của Tổng hội Việt kiều chính thức được thành lập, mang tên “Việt Nam độc lập quân”. Báo Độc lập - cơ quan ngôn luận của Tổng hội Việt kiều đ­ưa tin về việc thành lập “Việt Nam độc lập quân” và tuyên ngôn của đội quân này là sẵn sàng trở về Lào hoạt động theo yêu cầu của cách mạng và nhân dân Lào.

(còn tiếp)


 

Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011.