Những người con của vùng đất ATK2

10:09, 05/05/2012

Tự hào về truyền thống vẻ vang gia đình, dòng họ, hiện nay những người con, cháu của các bậc lão thành cách mạng và người có công trên ATK2 huyền thoại đang từng ngày tiếp bước cha ông…

Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội là con thứ hai trong 4 người con của cụ Nguyễn Thế Đạt, nguyên là Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Chúng tôi được kể lại, 13 tuổi, cha tôi đã hoạt động cách mạng và là một trong những đảng viên tham gia Chi bộ đầu tiên của xã Kha Sơn. Là con cháu các bậc lão thành cách mạng, tôi cảm thấy rất tự hào, lấy đó làm tấm gương để mình học tập, rèn luyện. Trước lúc lâm chung, cha tôi đã dạy: các con phải luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cống hiến hết mình cho sự nghiệp, thực hiện trung với nước, hiếu với dân. Đồng thời chăm lo, nuôi dạy các con cháu nên người.

 

Thực hiện lời dạy của cha, tất cả 4 chị em tôi đều cố gắng tu dưỡng, luyện rèn, hiện đều là đảng viên gương mẫu, công tác tại các cơ quan Nhà nước. 7 người cháu nội, ngoại của cụ đều tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và hiện cũng đang làm việc trong các công ty, xí nghiệp, cơ quan.

 

Chúng tôi tìm đến gia đình cụ Lương Văn Quyền, 92 tuổi, lão thành cách mạng ở xóm Tân Thành, xã Kha Sơn. Năm 1942, cụ làm nhiệm vụ cất giữ tài liệu bí mật của cách mạng, tham gia bảo vệ các đồng chí lãnh đạo trong các cuộc họp quan trọng. Sau Cách mạng tháng Tám, cụ Quyền công tác nhiều năm ở huyện, xã cho đến khi nghỉ hưu. Khi trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt cụ vẫn tinh anh và giọng nói thì sang sảng: Tôi thường răn dạy con cháu, đã tham gia công tác phải thật sự nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm với công việc được giao. Là cán bộ phải gương mẫu để dân làm theo, không được tư lợi, quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Đứa nào không thực hiện đúng, về nhà tôi đều nhắc nhở và có cách xử phạt riêng.

 

Ông Lương Văn Dung, hiện đang là Bí thư Đảng ủy xã Kha Sơn là con trai của cụ cho hay: Chính sự nghiêm khắc trong dạy dỗ của cụ mà anh chị em chúng tôi đều trưởng thành. Trong 5 anh chị em thì có 2 anh là Trung tá, Thượng tá Quân đội về hưu và tôi làm Bí thư Đảng ủy xã. 14 cháu nội, ngoại của cụ đều ngoan ngoãn, học hành thành đạt.

 

Trời rải mưa lâm thâm khi chúng tôi tới gia đình anh Nguyễn Thế Giang, con trai út lão thành cách mạng Nguyễn Đình Phúc, xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn. Trong cửa hàng bán vật liệu xây dựng rộng trên 300m2, anh trò chuyện niềm nở với chúng tôi: Không có điều kiện học hành ra ngoài và công tác tại cơ quan Nhà nước như anh trai (là Nguyễn Thế Quỳnh, cán bộ công an tỉnh nay đã nghỉ hưu) nên tôi chọn hướng phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương. Hiện tôi mở 2 cửa hàng kinh doanh cung ứng vật liệu xây dựng cho người dân địa phương và các địa bàn lân cận. Mỗi năm, gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng. Được biết, không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Giang còn là một trưởng xóm mẫu mực, được bà con tin yêu. 12 năm làm trưởng xóm, anh đã có nhiều đóng góp đưa xóm Trung Tâm ngày một phát triển về kinh tế, nhiều năm liên tục giữ vững danh hiệu Làng văn hóa.

 

Rời miền quê Kha Sơn, chúng tôi theo dòng Sông Cầu tìm đến xã ATK2 Tiên Phong để gặp gỡ những người con tiêu biểu của quê hương cách mạng. Anh Nguyễn Kim Cương, cháu nội của ông Nguyễn Văn Thẩm - người thứ hai sau cụ Ngô Hải Long tham gia phong trào cách mạng ở địa phương, hiện là Hiệu phó Trường Tiểu học Tiên Phong II cho biết: Ông nội tôi trước là giáo viên, dạy chữ quốc ngữ cho nhiều cán bộ, đảng viên trong xã. Học trò của ông nhiều người thành đạt và từng làm Bí thư huyện ủy Phổ Yên như ông Trần Đình San, Trần Mạnh Hùng, Trần Mạnh Hải… Phát huy truyền thống của gia đình, chúng tôi đều cố gắng học tập, tu dưỡng để làm rạng danh tổ tiên. Với cương vị công tác hiện nay, ngoài truyền thụ kiến thức, tôi còn thường xuyên tổ chức thăm quan các địa điểm đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn, qua đó giáo dục truyền thống lịch sử cho các em học sinh như: Nhà ông Ngô Hải Long là nơi đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng; Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương Đảng ở và làm việc trong thời kỳ hoạt động bí mật. Nhà bà Lưu Thị Phận là địa điểm bí mật đưa đón cán bộ, phát hành báo chí; nơi đồng chí Trường Chinh phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5-1941) cho một số cán bộ lúc đó đang hoạt động ở các vùng lân cận ATK2…

 

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Chinh, con trai cụ Nguyễn Văn Bưởi - gia đình có công nuôi giấu cán bộ liên lạc của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong nhà ông treo hàng loạt những tấm Giấy khen, Bằng khen ghi nhận 29 năm công tác của ông Chinh tại xã (trong đó có 14 năm làm Bí thư Đảng ủy). Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết: 31 người cháu nội, ngoại của cụ Bưởi đều học hành, thành đạt, trong đó có 13 người tốt nghiệp đại học, 2 người là thạc sĩ, 1 người hiện đang công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng.

 

Đi trên quê hương cách mạng ATK2, gặp những con người năng động trong cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn phát triển kinh tế; nhiệt tình, tâm huyết với nhiệm vụ công tác trong các cơ quan Nhà nước tôi thấy thật vui. Cảm nhận những nơi ghi dấu nhiều nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc đang từng ngày “hồng da, thắm thịt”, tôi thầm nghĩ một phần không nhỏ từ kết quả đó là do thế hệ sau của các bậc lão thành cách mạng và người có công góp sức xây dựng nên…