Những sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam năm 1930

10:32, 21/05/2012

Phục vụ Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, Báo Thái Nguyên điện tử cung cấp cho bạn đọc biên niên sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam năm 1930.

 

Năm 1930

Ngày 20 tháng 9

 

Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu "Phong trào cách mạng ở Đông Dương"

 

Ngày 20 tháng 9 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu “Phong trào cách mạng ở Đông Dương”. Người kêu gọi công nhân, nông dân trên toàn thế giới giúp đỡ công nhân, nông dân Đông Dương.

 

Tháng 10

 

Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương

 

Theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Trần Phú đã xúc tiến việc họp Hội nghị Trung ương Đảng. Tháng 10 năm 1930, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị đã thảo luận và thông qua bản "Luận cương chính trị" của Đảng, do đồng chí Trần Phú khởi thảo; thông qua Nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng. Nghị quyết ghi rõ những quyết định quan trọng của Hội nghị.

 

Hội nghị phân tích tình hình trước mắt ở Đông Dương, do khủng hoảng kinh tế và đế quốc Pháp tăng cường bóc lột nên đời sống của nhân dân lao động ngày càng cực khổ hơn, và cũng vì bị bóc lột nên công nông vùng dậy đấu tranh, phong trào công nông rầm rộ từ đầu năm 1930. Trước phong trào của quần chúng công nông, đế quốc Pháp ra sức khủng bố trắng. Đảng Cộng sản đi sâu vào quần chúng và lãnh đạo họ đấu tranh. Hội nghị nhận định: hiện nay Đông Dương đã đem lực lượng cách mạng tham gia vào phong trào đấu tranh rầm rộ trong thế giới, mở rộng mặt trận công nông chống đế quốc chủ nghĩa. Vả lại phong trào cách mạng bồng bột trong thế giới (nhất là ở Tàu và Ấn Độ) lại ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh ở Đông Dương, làm cho cách mạng Đông Dương càng mau bành trướng. Vậy nên cách mạng thế giới và cách mạng Đông Dương rất có quan hệ với nhau.

 

Trước tình hình khủng bố của Pháp, Hội nghị xác định nhiệm vụ trước mắt của Đảng là phải mở rộng phong trào đấu tranh rộng khắp Đông Dương nhằm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân. Trong đấu tranh phải chống khuynh hướng bạo động, khởi nghĩa non. Phải gây thanh thế cho Đảng, tuyên truyền đường lối của Đảng thông qua việc treo cờ đỏ búa liềm, diễn thuyết, rải truyền đơn, ra sách báo,... Bằng các biện pháp đó để cho quần chúng tin theo Đảng và đấu tranh theo đường lối của Đảng; khi đấu tranh phải chú ý giữ gìn lực lượng, tránh những tổn thất không cần thiết.

 

Về công tác xây dựng đảng, Hội nghị nhấn mạnh việc thảo luận những nghị quyết Đảng và của Quốc tế Cộng sản trong các chi bộ, để nâng cao trình độ chính trị cho đảng viên; phái đảng viên vào các xí nghiệp quan trọng; tăng thêm thành phần công nhân và phụ nữ trong Đảng; chọn đảng viên mới phải lấy sự hăng hái đấu tranh và giác ngộ giai cấp làm cốt yếu. Hệ thống tổ chức của Đảng phải tổ chức ra các xứ uỷ, tổ chức giao thông liên lạc.

 

Về công tác quần chúng, Hội nghị cho rằng phải tăng cường công tác vận động công nhân, mở rộng công hội, chuẩn bị lập Tổng Công hội Đông Dương; phân công các đồng chí phụ trách Hội Phản đế, Hội Cứu tế và Thanh niên cộng sản Đoàn; lập Bộ Quân sự của Đảng.

 

Thực hiện chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và cũng xuất phát từ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia là thuộc địa của Pháp, đều chịu sự thống trị của Pháp, Hội nghị quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

 

Hội nghị đã cử ra Trung ương Đảng Cộng sản chính thức và cử đồng chí Trần Phú làm Tổng bí thư của Đảng.

 

Đảng Cộng sản Đông Dương ra Án nghị quyết về tình hình Đông Dương

 

Cùng với việc thông qua Luận cương chính trị, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10 năm 1930 còn ra Án nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng. Án nghị quyết ghi rõ những quyết định quan trọng của Hội nghị.

 

Trước hết, Án nghị quyết phân tích tình hình trước mắt ở Đông Dương, do khủng hoảng kinh tế và đế quốc Pháp tăng cường bóc lột nên đời sống nhân dân lao động ngày một sa sút, phong trào cách mạng nổi lên rầm rộ đầu năm 1930, nổi bật là phong trào công nông. Đảng Cộng sản đã đi sâu vào quần chúng và lãnh đạo quần chúng. Đế quốc Pháp vừa ra sức khủng bố trắng vừa rêu rao những cải cách lừa bịp.

 

Đồng thời, Án nghị quyết cũng kiểm điểm những thiếu sót của Đảng trong thời gian qua, trong đó phần sai lầm về Điều lệ và tên Đảng, Án nghị quyết cho rằng việc hệ thống tổ chức đảng bỏ mất xứ bộ là sai, vì Trung ương chỉ có bảy người nên không chỉ đạo chu đáo cho mỗi tỉnh được. Trong Điều lệ công, nông hội thì tôn chỉ không rõ ràng. Gọi là Đảng “Việt Nam Cộng sản Đảng” thì không bao gồm được Lào và Cao Miên.

 

Sau khi phân tích tình hình, Án nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ chính trị của Đảng là: “Chiếu theo tình hình chính trị hiện tại ở Đ. D thì nhiệm vụ của Đảng là phải khoách trương phong trào đấu tranh cho đều khắp xứ Đ. D, phải làm cho phong trào tranh đấu ở những chỗ đã có được thêm sâu thêm mạnh và phải hết sức làm cho phong trào c. m lan rộng ra những chỗ chưa có”. Phải đẩy mạnh việc tuyên truyền cương lĩnh, chính sách và gây thanh thế cho Đảng bằng những biện pháp thích hợp như treo cờ đỏ búa liềm, diễn thuyết, rải truyền đơn, ra sách báo... làm sao cho quần chúng hiểu rõ và đi theo Đảng nhưng phải giữ kín lực lượng, tránh những hy sinh, tổn thất không cần thiết.

 

Nghị quyết nhấn mạnh: ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đều là thuộc địa của Pháp. Ba dân tộc khác nhau nhưng cùng chung một ách thống trị của thực dân Pháp, có quan hệ mật thiết với nhau về chính trị, kinh tế, địa lý, do đó cần phải liên lạc chặt chẽ với nhau, đoàn kết và thống nhất hành động để chống Pháp. ..

 

Án nghị quyết của Trung ương Đảng đã đề ra những nhiệm vụ căn bản cho toàn Đảng và nhân dân phát huy được sức mạnh đoàn kết của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.


(còn tiếp)



Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011.