Những sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam năm 1934

10:42, 21/05/2012

Phục vụ Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, Báo Thái Nguyên điện tử cung cấp cho bạn đọc một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam năm 1934.

 

NĂM 1934

 

ĐẦU NĂM

 

Thành lập Chi bộ Đảng Man Pết

 

Đầu năm 1934, Chi bộ Đảng Man Pết được thành lập, do đồng chí Lê Giờ làm bí thư. Đó là chi bộ của những đảng viên hoạt động trong đội ngũ công nhân thuộc hãng tàu sông Malpuech, chuyên chạy trên sông Mê Công từ Viêng Chăn đến Pạc Xê, từ Thà Khẹc đến Nakhon Phạnôm (Thái Lan). Việc thành lập chi bộ đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm thông tin liên lạc cho cách mạng Lào, là đường dây quan trọng giữa Lào và Thái Lan.

 

Học sinh trường Kỹ nghệ thực hành Viêng Chăn bãi khóa

 

Đầu năm 1934, Chi đoàn Thanh niên trường Kỹ nghệ thực hành Pạc Paxắc (Viêng Chăn, Lào) đã lãnh đạo học sinh bãi khóa đòi tăng học bổng từ 3,5 đồng lên 3,8 đồng/tháng. Cuộc đấu tranh không giành được thắng lợi. Lực lượng lãnh đạo bị lộ, một số thành viên của Chi đoàn bị địch bắt.

 

THÁNG 5

 

Ngày 1 tháng 5

 

Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động

 

Nhân ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 năm 1934, Chi bộ Viêng Chăn (Lào) đã tổ chức treo cờ đỏ và rải truyền đơn ở chợ và các bến tàu, bến xe, nơi tập trung đông người.

 

THÁNG 6

 

Xứ ủy lâm thời Ai Lao họp tại Viêng Chăn

 

Thực hiện chỉ thị của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 6 năm 1934, Xứ ủy lâm thời Ai Lao họp tại Bạn Cơn (tỉnh Viêng Chăn) để bàn về tình hình, phương hướng hành động và kế hoạch tổ chức kỷ niệm ngày Xôviết Nghệ - Tĩnh.

 

THÁNG 9

 

Từ ngày 6 đến 9 tháng 9

 

Thành lập Xứ Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Lào

 

Từ ngày 6 đến 9 tháng 9 năm 1934, 15 đại biểu các chi bộ đảng trên đất Lào đã họp tại cù lao Xiêng Xụ (Viêng Chăn) để thành lập Xứ Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Lào (Xứ ủy Ai Lao). Các đồng chí Lê Mạnh Trinh, Nguyễn Chính Cầu* tham dự với tư cách đại biểu của Đông Dương viện trợ bộ.

 

Từ những năm 1928-1929, những người cộng sản Việt Nam đã tích cực hoạt động trên đất Lào, khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, họ tiếp tục bám đất, bám dân, không quản ngại hy sinh gian khổ, xây dựng nhiều cơ sở cách mạng trên đất Lào. Họ đã tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, Điều lệ Đảng, đọc và phổ biến biến sách báo bí mật của Đảng, cuốn “Đường cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho cán bộ, đảng viên và quần chúng cảm tình Đảng.

 

Đến giữa năm 1934, Đảng bộ xứ Lào thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương đã có sáu chi bộ, gồm 32 đảng viên. Các đoàn thể quần chúng gồm có Đoàn Thanh niên cộng sản (25 người), Công đoàn (55 người), Liên minh chống đế quốc (69 người), Hội Phụ nữ (năm người), Đoàn Thanh niên, học sinh (20 người), Hội viên thể thao (18 người) ].

 

Để sự chỉ đạo được thuận lợi, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Đảng bộ Ai Lao. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Xứ uỷ lâm thời Đảng bộ Ai Lao gồm bảy đồng chí, do đồng chí Mản làm bí thư. Trong Ban Chấp hành có đồng chí Xurin (Xavát) là đảng viên đầu tiên của Lào. Đại hội quyết định thành lập Tỉnh uỷ Pạc Xê, Xavẳnnakhệt, củng cố Tỉnh uỷ Viêng Chăn, tổ chức Ban Chấp hành lâm thời của Thanh niên cộng sản Đoàn, củng cố Công hội và Hội Phản đế, Xứ uỷ lâm thời Ai Lao; xuất bản tờ báo Gương chung, mỗi kỳ 100 số làm cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ. Việc ra báo do các đảng viên Việt Nam phụ trách.

 

Đại hội đã thảo luận và đề ra chương trình hành động:

 

- Củng cố và phát triển tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng;

 

- Thúc đẩy việc tuyên truyền vận động quần chúng ở nông thôn và khu vực các bộ tộc;

 

- Đẩy mạnh các hình thức đấu tranh có tính chất nhân dân rộng rãi.

 

Đại hội quyết định tổ chức Ban Chấp hành Thanh niên lâm thời, để tăng cường công tác vận động thanh niên, phát huy vai trò tiên phong của thanh niên.

 

Sau Đại hội, Ban Chấp hành hải ngoại đã có chỉ thị hướng dẫn sửa chữa một số sai lầm trong chỉ đạo ở Lào. Chỉ thị hướng dẫn nêu rõ: “Giai cấp nông dân ở Lào chiếm đa số dân là lực lượng cách mạng to lớn. Đảng Cộng sản không nên coi nhẹ việc tổ chức hội nông dân để tuyên truyền vận động nông dân”.

 

Chỉ thị nhấn mạnh nhiệm vụ của các đồng chí ở Lào phải phát triển đội ngũ đảng viên, mở rộng tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản và các tổ chức quần chúng. Phải giao nhiệm vụ tuyên truyền cho các đồng chí Lào. Báo chí phải phục vụ đối tượng quần chúng lao động, phải chú ý về nguyên tắc công việc, hạn chế xoá bỏ tư tưởng cục bộ địa phương và tư tưởng dân tộc hẹp hòi.

(còn tiếp)

 


 

Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011.

 


 

* Nguyễn Chính Cầu tức Nguyễn Chính Giao. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí là Bí thư Ban Cán sự Đảng của Việt Nam ở Hạ Lào, Trưởng phái đoàn Ủy ban Kháng chiến - Hành chính miền Nam Trung Bộ và Chính ủy quân tình nguyện Việt Nam, Nam Trung Bộ tại Hạ Lào (BT).

[1]. Nguyễn Hùng Phi - TS. Bua Xỉ Chalơnxúc: Lịch sử Lào hiện đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.80.