Sau nhiều ngày, đêm lênh đênh trên biển, cuối cùng chúng tôi đã đến được nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Lúc này, có thể nói trong lòng mỗi thành viên trong Đoàn đều có một cảm giác khác lạ. Khi con tàu còn cách xa đảo Đá Nam - điểm đầu tiên Đoàn đến thăm hơn chục hải lý, một thành viên trong Đoàn qua ống nhòm thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo đã sung sướng thốt lên: “Anh em ơi! Đảo kìa. Đảo đây rồi! Tổ quốc thân yêu!”.
Đá Nam là hòn đảo chìm, nằm hiên ngang giữa biển khơi xanh thẳm! Chúng tôi là những người đầu tiên được các chiến sĩ hải quân cẩn thận đưa từ tàu HQ 571 xuống xuồng máy để vào đảo. Khi còn cách xa đảo hơn 200 mét, chúng tôi thấy các chiến sĩ đã đứng sẵn giơ tay lên cao vẫy chào. Những vòng tay xiết chặt và những giọt nước mắt cứ thế lăn trên gò má mỗi người! Chúng tôi và những chiến sĩ ôm chầm lấy nhau như những người thân thiết. Trong thời khắc đó, trong hoàn cảnh đó mới thấy hai từ Tổ quốc, đồng bào thiêng liêng làm sao!
Cũng với những tình cảm ấy, khi đoàn chúng tôi đến thăm động viên quân và dân tại một số đảo như Song Tử Tây, Đá Nam, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn)… Ở đâu cũng vậy, dưới cái nắng, cái gió khô rát, thế nhưng quân, dân các đảo vẫn ra tận cầu tầu đón chúng tôi.
Những ngày ở đảo, chúng tôi thực sự được sống, được tìm hiểu thực tế cuộc sống của quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió - nơi tiền tiêu Tổ quốc. Và có đến tận nơi mới thấy hết những hy sinh, những vất vả mà quân, dân nơi này đã trải qua là vô cùng lớn lao. Thế nhưng, họ luôn thể hiện sự lạc quan, vững vàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Chiến sĩ Vũ Duy Quang, đảo Song Tử Tây, quê ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc - Hà Giang cho biết: “Em ra đảo được gần một năm. Được làm chiến sĩ canh giữ biển, đảo, bầu trời và thềm lục địa Tổ quốc em thấy rất vinh dự. Em sẽ làm tất cả để tiếp nối truyền thống ông cha, vững tay súng giữ gìn vững chắc biển, đảo, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đây, cho em gửi lời hỏi thăm tới bố mẹ, người thân và mọi người trong đất liền và mong mọi người hãy tin tưởng vào những gì mà quân, dân nơi đây đã, đang và sẽ làm.”
Đến với Trường Sa, đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn công tác đã giới thiệu sơ bộ về tình hình kinh tế - xã hội của Thái Nguyên với quân, dân Trường Sa. Đồng chí cũng ân cần động viên quân, dân nơi đây hãy vững vàng giữ vững biển, đảo chủ quyền Tổ quốc. Ở hậu phương, ở đất liền, cả nước luôn hướng về Trường Sa…!”. Nhân đây, đồng chí đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thái Nguyên tặng lực lượng Hải quân Việt Nam, nhân dân Trường Sa 2,5 tỷ đồng, nhiều quà tặng và hiện vật khác cùng với hàng ngàn bức thư do nhân dân, học sinh, sinh viên Thái Nguyên viết gửi tặng quân, dân Trường Sa.
Lần đầu tiên được đến Trường Sa, anh Trần Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Minh Trâm (T.P Thái Nguyên) xúc động cho biết: "Tôi rất vui sướng và cảm động lần đầu tiên được đến với Trường Sa, trước đây tôi chỉ được biết thông qua báo chí, truyền hình nay được chân đi, tai nghe, mắt thấy thực tế cuộc sống của quân, dân Trường Sa, tôi mong các chiến sĩ và mọi người trên đảo giữ gìn sức khỏe để giữ vững chủ quyền của đất nước”.
Đó không chỉ là mong muốn của anh Minh mà còn là mong muốn của tất cả các thành viên trong đoàn và là mong muốn của bao trái tim Việt đang hướng về Trường Sa thân yêu!
Với những chiến sĩ hải quân và nhân dân nơi đây cũng có tâm trạng rất đặc biệt "Khi người từ đất liền ra thăm, chúng tôi thấp thỏm không ngủ được, đảo báo thức từ 4 giờ sáng, mọi người dường như hướng về cầu cảng và các hướng để đón Đoàn" - Thượng úy Nguyễn Hữu Sang, đảo Song Tử Tây tâm sự. Chiến sĩ Nguyễn Văn Thắng ở đảo Sơn Ca thì nói: "Được nhìn thấy những người từ đất liền ra thăm, tôi cảm thấy nhớ quê hương da diết và thấy hơi ấm từ quê hương qua những lời nhắn gửi, qua những trang thư mà các cô, các chú, các anh chị mang đến".
Cùng đi với Đoàn chúng tôi còn có các anh em nghệ sĩ Đoàn ca múa nhạc dân tộc dân gian Việt Bắc. Mỗi nơi Đoàn đến thăm, các anh chị nghệ sĩ lại đem lời ca tiếng hát để thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa đất liền và hải đảo. Những điệu múa, bài hát mang âm hưởng hào hùng, sôi động, khỏe khắn cùng với tấm lòng và sự nhiệt thành của những người nghệ sĩ đến từ quê hương Thái Nguyên đã tiếp thêm động lực tinh thần cho những người chiến sĩ và nhân dân nơi hải đảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ấn tượng trong chuyến đi này là Đoàn chúng tôi được cùng với các đoàn: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định; khánh thành Tượng đài Trần Hưng Đạo tại xã đảo Song Tử Tây. Tượng đài Trần Hưng Đạo cao hơn 11 mét sừng sững hiên ngang hướng ra phía Đông. Công trình do tỉnh Nam Định xây tặng quân, dân xã đảo Song Tử Tây. Cùng với Tượng đài Trần Hưng Đạo thì chùa Việt Nam hiện hữu ở Song Tử Tây không chỉ có ý nghĩa về văn hóa tâm linh mà còn thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng Trường Sa của Đảng, Nhà nước ta.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời cha ông đã là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước cùng với đồng bào trong và ngoài nước vẫn luôn hướng về Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu và chúng ta sẽ làm tất cả để bảo vệ biển, đảo - mảnh đất đầu sóng ngọn gió - mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc!