Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Đồng Hỷ đã quan tâm tới vấn đề phát triển đảng viên trong độ tuổi đoàn viên thanh niên, đặc biệt là người dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Đồng Hỷ đã quan tâm tới vấn đề phát triển đảng viên trong độ tuổi đoàn viên thanh niên, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, xóa các xóm bản "trắng" đảng viên, tạo nguồn cán bộ tại chỗ để phát huy vai trò gương mẫu, "đầu tầu" trong các khu dân cư. Hiện, Đảng bộ huyện có 51 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc với 1.198/5.195 đảng viên là người dân tộc thiểu số (Nùng, Sán Dìu, Dao, Mông...).
Tân Long, Tân Lợi, Văn Lăng, Khe Mo, Văn Hán, Nam Hòa… là những xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế còn chưa phát triển. Vì vậy, nhận thức của người dân chưa đồng đều, nhất là nhận thức về Đảng chưa sâu sắc. Điều này đã dẫn tới chất lượng kết nạp đảng viên mới hằng năm ở các địa phương trên gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thu, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Xác định được tầm quan trọng của các đảng viên với vai trò đầu tầu gương mẫu trong các hoạt động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, công tác phát triển đảng viên mới, chú trọng đến đội ngũ đoàn viên, nữ, người dân tộc thiểu số trong những năm qua luôn được Đảng bộ huyện quan tâm, chú trọng.
Hằng năm, Đảng bộ huyện đều đặt chỉ tiêu kết nạp từ trên 170-200 đảng viên và đều hoàn thành kế hoạch đề ra. Để thực hiện tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy cơ sở chú trọng đến các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và những xóm, bản còn ít đảng viên. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, thông qua các phong trào thi đua để lựa chọn những đoàn viên, hội viên, người dân tộc thiểu số để giới thiệu cho Đảng. Thường trực Huyện ủy cũng đề nghị Đảng ủy cơ sở phân công cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể theo dõi, giúp đỡ và cử cán bộ để làm tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên. Đây là một trong những tiêu chí được lấy làm căn cứ tính điểm thi đua và phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên… Nhờ vậy, trong 2 năm (2010 và 2011), toàn huyện đã kết nạp được 372 đảng viên mới, trong đó có 117 đồng chí là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2010, Đồng Hỷ đã hoàn thành xóa 4 xóm “trắng” đảng viên. Tuy nhiên, hiện Đồng Hỷ vẫn còn 61 thôn, bản sinh hoạt ghép ở 26 chi bộ.
Tìm hiểu thực tiễn mỗi địa phương, chúng tôi thấy công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới tại các xã miền núi, vùng cao còn rất nhiều khó khăn. Đặt mục tiêu kế hoạch kết nạp mới 8-10 đảng viên/năm, năm nào Đảng bộ xã Nam Hòa cũng hoàn thành và vượt 2 chỉ tiêu. Trong quý I vừa qua, có 4 đảng viên được kết nạp, trong đó có 3 người dân tộc thiểu số. Nhưng trò chuyện với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Trần Thị Bích vẫn không khỏi trăn trở: Hiện nay, Đảng bộ có 215 đảng viên (trong đó có 81 người dân tộc thiểu số), sinh hoạt tại 22 chi bộ (16 chi bộ nông thôn). Đến nay, vẫn còn 5 chi bộ sinh hoạt ghép. Số đảng viên mới được kết nạp đa phần trong độ tuổi Đoàn nhưng hầu hết đều là giáo viên sinh hoạt tại chi bộ trường học. Phát triển đảng viên mới trong các chi bộ nông thôn hiện rất khó vì thiếu nguồn. Đối tượng kết nạp đảng sau khi học xong văn hóa hoặc học nghề đều có xu hướng đi lao động ở địa phương. Có trường hợp đoàn viên ưu tú được cử đi học bồi dưỡng kết nạp Đảng nhưng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thì xây dựng gia đình, rồi bận bịu làm vợ, làm mẹ nên sao nhãng phấn đấu".
Ở xóm Trại Gião, nơi có gần 100% đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống, vừa mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng tháng 3 vừa qua, phấn chấn, vui mừng nhưng anh Lăng Văn Thìn, sinh năm 1988 cũng không khỏi băn khoăn, suy nghĩ trước trách nhiệm mới. Nói chuyện với chúng tôi, Thìn sôi nổi: Về lâu dài, tôi sẽ phải tính toán làm sao để vừa làm việc mưu sinh, vừa thực hiện thật tốt nhiệm vụ của người đảng viên. Tôi sẽ tuyên truyền để bà con luôn thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là vận động bà con trong xóm chuyển đổi diện tích đang trồng chè hạt cho năng suất thấp sang trồng chè cành. Còn chị Lê Thị Lan, cũng là đảng viên người Sán Dìu mới được kết nạp thuộc xóm Trại Gião hiện là Chi hội trưởng Chi hội nông dân chia sẻ: Là đảng viên rồi, tôi càng phải gương mẫu hơn nữa để bà con tin tưởng và làm theo. Nhà tôi đang trồng 3 sào chè và nuôi 4 con lợn thịt, thời gian tới, tôi sẽ trồng thêm 1 sào chè cành.
Phát triển đảng viên trong đoàn viên nông thôn, người dân tộc thiểu số đặc biệt là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tạo nguồn cán bộ tại chỗ đóng vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, đây là công việc không đơn giản, nhất là trong thời điểm hiện nay, số lượng lớn thanh niên đều có xu hướng đi làm ăn xa. Vì vậy, để phát triển được nhiều đảng viên mới ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số rất cần những giải pháp, phương thức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện từng vùng, từng thời điểm mang lại hiệu quả cao. Có như vậy, những đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số mới như những hạt giống, sẽ nảy mầm thành những cây cao, là điểm tựa vững chắc sự phát triển của xóm, bản.