Hơn 60 năm trước, tại xã Đồng Thịnh (nằm ở trung tâm của ATK Định Hóa) đã diễn ra cuộc diễn tập thực binh đánh “tập đoàn cứ điểm”, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” của quân và dân ta. Phát huy truyền thống Anh hùng của vùng quê cách mạng, trong công cuộc đổi mới hôm nay, Đồng Thịnh không chỉ là niềm tự hào của lịch sử mà sẽ xứng đáng là điểm sáng của hiện tại và tương lai…
Ngược dòng lịch sử. Ngày 6/12/1953, tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi mở màn chiến dịch, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng mô hình tập đoàn cứ điểm để diễn tập thực binh tại xã Đồng Thịnh. Các địa danh cứ điểm như đồi A1, sông Nậm Rốm, cầu Mường Thanh, hầm Đờ-Cát và các cứ điểm khác của quân Pháp tại Điện Biên Phủ đều được mô phỏng lại để phục vụ bộ đội ta diễn tập đánh địch. Một đơn vị bộ đội đặc biệt thuộc Đại đoàn Quân tiên phong (Đại đoàn 308) được chọn thực hiện cuộc diễn tập này.
Trước khi diễn tập, các cán bộ, chiến sĩ ta đã được học tập, quán triệt rất kỹ, cuộc diễn tập được tiến hành như thật. Trên các cứ điểm mô phỏng cũng có “quân địch” kháng cự lại sự tấn công của quân ta. Trong quá trình diễn tập, bộ đội ta được trang bị nhiều loại vũ khí, thực hiện bắn pháo, nổ bộc phá, khói bụi mù mịt. Diễn biến xảy ra tại cuộc diễn tập ấy trở thành những bài học quý giá cho bộ đội ta trong trận đánh Điện Biên Phủ sau đó, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Thật may mắn khi lên Đồng Thịnh lần này, chúng tôi gặp được ông Nông Văn Vinh, một nhân chứng của cuộc tập trận năm ấy, hiện đang sống tại xóm Đèo Tọt. Năm nay đã 84 tuổi, chân đã chậm, song khi kể lại cuộc diễn tập đánh Điện Biên Phủ tại quê nhà năm xưa, ông Vinh còn nhớ như in. Giọng nói hào sảng của ông đã tái hiện lại những ký ức gắn với từng trận đánh trên thao trường nhưng không khác chiến trường.
Ông kể: Trong thời gian gần 1 tuần, bộ đội ta đã từng bước đào các giao thông hào, dần siết chặt vòng vây hầm mô phỏng của tướng địch Đờ-cát. Công tác hậu cần cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Đặc biệt, trong thời điểm ấy, người dân địa phương được huy động tối đa về sức người, vật dụng phục vụ cho cuộc diễn tập. Đây cũng chính là niềm vinh dự lớn lao của nhân dân trong xã vì đã được đóng góp công sức vào Chiến thắng lịch sử của dân tộc…
Và, đến hôm nay, niềm vinh dự, tự hào ấy là một động lực quan trọng để người dân Đồng Thịnh hăng hái chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đi trên con đường trải nhựa phẳng lì dẫn vào trung tâm xã, chúng tôi hít căng lồng ngực hương lúa xuân đang thì con gái. Con suối Đồng Thịnh uốn lượn giữa cánh đồng Sin bằng phẳng - mô phỏng dòng sông Nậm Rốm và cánh đồng Mường Thanh trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa - nay đang căng tràn nhựa sống.
Được biết, cùng với gieo cấy hơn 370ha lúa 2 vụ/năm và trồng màu thì chè và cây lâm nghiệp cũng tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Đồng chí Dương Đức Hạnh, Bí thư Đảng uỷ xã vui mừng cho biết: 5 năm trở lại đây, nhân dân địa phương đã trồng được 110ha rừng, nâng tổng diện tích rừng hiện có của xã lên trên 400 ha. Hơn 100ha chè đang từng bước được cải tạo và trồng thay thế bằng những loại giống mới có giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã đã đạt hơn 11 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,34% xuống còn xấp xỉ 20%...
Kinh tế phát triển cũng giúp cho đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được các tổ chức đoàn thể, từng thôn, xóm tích cực triển khai thực hiện, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. Năm 2011, có hơn 65% số hộ trong xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 50% số xóm, bản đạt khu dân cư văn hóa.
Về công tác giáo dục luôn nhận được quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành và người dân địa phương, cơ sở vật chất trường lớp học không ngừng được củng cố, 100% số trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Đặc biệt, Đồng Thịnh đã huyện được lựa chọn thực hiện điểm Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đang trong quá trình xây dựng quy hoạch, qua rà soát đã có 5/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Việc thực hiện Chương trình này sẽ giúp cho bộ mặt nông thôn miền núi nơi đây ngày càng khởi sắc nhanh hơn, toàn diện hơn…
Tin rằng, phát huy truyền thống của vùng đất ATK Anh hùng, Đồng Thịnh không chỉ là niềm tự hào trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, mà sẽ xứng đáng là điểm sáng của hiện tại và tương lai.