Về nơi mở lớp bình dân học vụ đầu tiên

15:03, 09/05/2012

Cuối năm 1946, nước ta bước vào cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp. Khoảng tháng 4/1947, nhiều cơ quan của Trung ương từ Hà Nội lên sơ tán tại huyện Đại Từ, trong đó Nha Bình dân học vụ đã đến ở và làm việc ở xã Phú Thịnh tại nhà của ông Lưu Tiến Kim, xóm Phú Thịnh.

Tại những xã phía Bắc của huyện Đại Từ, mù chữ là tình trạng phổ biến, với trên 90% số dân không biết chữ. Thực hiện nhiệm vụ chống “giặc dốt”, Nha Bình dân học vụ đã mở lớp học bình dân buổi tối cho cán bộ và nhân dân tại địa phương, mỗi buổi học 2 tiếng. Và đây là lớp bình dân học vụ đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc nhằm xóa mù chữ, bước đầu đặt nền tảng cho cơ sở giáo dục tại miền núi của Nhà nước do Nha Bình dân học vụ tiến hành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

 

Dẫn chúng tôi lên địa điểm nơi lớp bình dân học vụ đầu tiên được mở, đồng chí Lâm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết: Theo lời một số cụ cao niên của địa phương thì vào khoảng tháng 7/1947, lớp Bình dân học vụ này được tổ chức tại nhà bà Cải (đã mất). Lớp học đầu tiên trong kháng chiến, giữa núi rừng Việt Bắc được dựng lên bằng tranh, tre, gỗ, nứa, lá do cán bộ và nhân dân đóng góp. Lớp học có khoảng 20 người tham gia, được chính giáo viên của Nha Bình dân học vụ giảng dạy.

 

Ông Nguyễn Đức Việt, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phú Thịnh bồi hồi nhớ lại: Lúc đo, tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ mẹ tôi khi đó có tham gia học Bình dân học vụ. Mẹ tôi làm công tác phụ nữ tại xã nên ngày đi làm, tối lại thắp đèn, đốt đuốc rủ nhau đi học. Tuổi cũng không còn trẻ nên mẹ tôi khá chật vật với cái chữ. Sau này, mẹ tôi đã đọc thông viết thạo, phục vụ công tác và còn dạy cho con cái…

 

Sau khi lớp học đầu tiên được tổ chức, thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ… những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo”, Ban bình dân học vụ huyện Đại Từ và các xã được thành lập, phân công cán bộ xuống cơ sở để vận động quần chúng và tổ chức phong trào xóa mù chữ. Ở khắp các xã đều mở các lớp bình dân học vụ. Nhiều nơi tổ chức được lớp học cho các lứa tuổi, mọi người dân, từ nam nữ thanh niên đến các cụ già, chị em phụ nữ có con nhỏ… đều phấn khởi đến lớp học. Hầu hết các xã đều có các hình thức kiểm tra, đố chữ, tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản theo định kỳ hoặc đột xuất tại các cổng chợ, đầu làng, dọc đường đi… để khuyến khích, động viên mọi người tham gia. Chỉ sau 1 năm thực hiện cuộc vận động xóa nạn mù chữ, tỷ lệ dân số mù chữ giảm xuống nhanh chóng, phần lớn những người trong độ tuổi từ 8 đến 45 đã biết đọc, biết viết. Các trường, lớp bổ túc văn hóa và phổ thông ở bậc tiểu học được mở rộng, thu hút con em đồng bào các dân tộc ngày một nhiều.

 

Trải qua dấu vết của thời gian, Di tích hiện nay chỉ còn lại địa điểm trên khu đất vườn rộng khoảng 700m2 của gia đình ông Phạm Văn Huy và gia đình bà Trần Thị Hiền thuộc xóm Phú Thịnh. Toàn bộ ngôi nhà bà Cải nơi mở lớp học đầu tiên Bình dân học vụ tại khu Việt Bắc đã bị phá hủy. Tuy nhiên, từ lớp học này, 65 năm qua, phát huy truyền thống cách mạng, huyện Đại Từ đã quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục của địa phương phát triển. Từ năm 2005 đến nay, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn huyện được duy trì với 33 trường mầm non, 35 trường tiểu học, 30 trường THCS, 4 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên và 31 trung tâm học tập cộng đồng.

 

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì, đặc biệt trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia luôn được các cấp, ngành quan tâm. Năm 2005, toàn huyện mới có 17 trường đạt chuẩn thì đến nay đã tăng lên 66/98 trường. Cùng với đó, cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở giáo dục được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2008 đến nay, toàn huyện huy động được trên 60 tỷ đồng từ các nguồn để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học. Nhờ đó, chất lượng giáo dục hàng năm được nâng lên, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau luôn cao hơn năm trước.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đại Từ cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, phát động mạnh mẽ phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh; đổi mới quản lý Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học; củng cố, duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS, tiếp tục triển khai phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông... Toàn huyện phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 80% số trường đạt chuẩn Quốc gia; 100% trường có đủ phòng học 1 ca...