Về thôn Cổ Pháp Anh hùng

08:34, 14/05/2012

Thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong (Phổ Yên) nằm sát sông Cầu, giáp ranh với các huyện: Phú Bình và Hiệp Hòa (Bắc Giang), rất thuận lợi cho hoạt động cách mạng.

Thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong (Phổ Yên) nằm sát sông Cầu, giáp ranh với các huyện: Phú Bình và Hiệp Hòa (Bắc Giang), rất thuận lợi cho hoạt động cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, đây là nơi nuôi dưỡng phong trào cách mạng và là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng, trong đó có Hội nghị phổ biến Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Thời kỳ đổi mới, bà con nhân dân thôn Cổ Pháp tiếp tục đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

 

Đến thôn Cổ Pháp thăm nhà các cụ cao tuổi chúng tôi thấy nhà nào cũng có vài ba tấm Huân, Huy chương và khung ảnh Bác được treo ngay ngắn tại 1 vị trí trang trọng. Theo lời kể của các cụ lão thành cách mạng, vào những năm từ 1939 đến 1945, phong trào cách mạng phát triển mạnh ở Cổ Pháp. Lúc đó, thôn mới có khoảng 50 hộ dân, đời sống còn khó khăn nhưng hầu như nhà nào cũng có người tham gia cách mạng và nuôi giấu, che chở cán bộ. Đây cũng là trạm giao liên của Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi đưa đón nhiều đoàn cán bộ vượt ngục trở về từ nhà tù Chợ Chu (Định Hóa), Căng Bá Vân (Sông Công)… và là nơi cất giấu tài liệu cho các hội nghị quan trọng của Xứ ủy Bắc Kỳ.

 

Chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Hân bí danh thời kỳ hoạt động cách mạng là Nguyễn Khắc Hài, năm nay đã 95 tuổi, là con của cụ Lưu Thị Phận, một cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ông Hài nay tuy tuổi đã cao nhưng vẫn say mê đọc và nghiên cứu tài liệu. Ông nhớ lại: Tháng 5-1941, đồng chí Trường Chinh lúc đó làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng đã chủ trì Hội nghị phổ biến nghị quyết Trung ương 8 tại nhà mẹ tôi là bà Lưu Thị Phận. Lúc đó, tôi cùng một số anh em được phân công nhiệm vụ như người đi đón cán bộ ban đêm ở tỉnh Bắc Giang, người phụ trách hậu cần cơm nước, người canh gác, bảo vệ…

 

Bà con nhân dân trong làng đoàn kết một lòng, đảm bảo cho các hội nghị diễn ra bí mật, an toàn, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Thôn hiện có 25 gia đình và cá nhân được Chính phủ tặng Bằng Có công với nước. Năm 1981, nhân dân thôn Cổ Pháp được Chính phủ tặng Bằng Có công với nước. Địa điểm nhà cụ Lưu Thị Phận cũng đã được Bộ Văn Hóa - Thông tin - Thể thao - Du lịch công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1991.

 

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, người dân  Cổ Pháp hôm nay đang nỗ lực áp dụng tiến bộ khoa hoc kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, cải thiện cuộc sống. Ông Tạ Duy Luân, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Cổ Pháp hiện có trên 450 hộ với hơn 2.100 nhân khẩu. Cuộc sống của bà con chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Để nâng cao đời sống nhân dân, chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua phát triển kinh tế như: Vận động nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau về cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm...

 

Nhờ vậy, bà con đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng mới cho năng suất cao vào gieo trồng như: Lúa lai, khoai tây Hà Lan, ngô lai, ớt xuất khẩu… Ngoài ra, hệ thống kênh mương nội đồng đã được cứng hóa được hơn 6km, phục vụ thuận lợi cho việc tưới tiêu. Nhờ đó, năng suất lúa của thôn đã tăng từ 49 tạ/ha năm 2003 lên 57tạ/ha hiện nay. Chị Nguyễn Thị Ly, người dân trong thôn nói: Trước đây, chúng tôi chỉ biết cấy 1 năm 2 vụ lúa, ngoài ra không có nguồn thu gì khác nên cuộc sống rất khó khăn.

 

Từ năm 2008 trở lại đây, được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ngoài cấy lúa bà con chúng tôi còn đưa vào gieo trồng các loại cây như: Ngô lai, đậu tương, khoai tây… trong vụ đông để góp phần tăng thu nhập. Giờ thì đời sống của bà con đã khá lên nhiều, không còn hộ đói, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Trong thôn cũng đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng kết hợp chăn nuôi, dịch vụ… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Ưng, Lưu Văn Thủy, Hà Văn Hùng…

 

Có thể nhận thấy, cuộc sống mới no đủ đã đến với người dân nơi đây. Năm 2008, thôn có 100 hộ nghèo, đến nay giảm chỉ còn 40 hộ. 100% số hộ đã được sử dụng điện lưới Quốc gia. Hơn 10km đường giao thông liên thôn đã bê tông hóa. Nhà văn hóa đã được xây dựng khang trang. Bà con luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chi bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh…