Đối với ông Ma Đình Khoa hiện đang sống tại phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên thì những ngày được gặp Bác Hồ khi Bác sống và làm việc tại Chùa Hang (thuộc thị trấn Chợ Chu, Định Hóa) là những ký ức không bao giờ phai mờ.
Ông Ma Đình Khoa sinh năm 1940, là con ruột của cụ Ma Đình Tương, nguyên là Ủy viên Ban ATK của Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Định Hóa, và cụ bà Lý Thị Mùi. Kể về Bác và những ngày Bác dừng chân tại Chùa Hang, giọng ông không giấu nổi sự xúc động.
Ông còn nhớ như in ngày Bác đến gia đình ông tại xóm Thâm Tý, xã Bảo Cường là vào một buổi tối cuối tháng 11-1950. Cùng đi với Bác có 3 đồng chí bảo vệ tên là Phú, Khiết và Cường. Hôm ấy, Bác và 3 đồng chí cùng đi mang theo 17 kiện hàng chiến lợi phẩm. Bác căn dặn với cả gia đình ông: “Đây là tài sản Quốc gia, gia đình cùng Bác phải bảo vệ tuyệt đối an toàn và phải giữ bí mật, chờ tin đồng chí Trần Đăng Ninh bố trí bộ đội ra lấy hàng là đi”.
Đầu tháng 12-1950, thực dân Pháp thả bom đánh phá tại tại xóm Nà Guồng (cách nhà cụ Tương khoảng 6 km). Để đảm bảo an toàn, cụ Lý Thị Mùi đã đề xuất chọn địa điểm ở Chùa Hang để Bác sang đó nghỉ và làm việc. Ông Ma Đình Khoa, được giao nhiệm vụ trực tiếp dẫn Bác đi khảo sát thực địa Chùa Hang. Sau một hồi xem xét, Bác cho rằng đây là một vị trí rất an toàn và thích hợp để trú chân. Ở đây có địa thế kín đáo, cây cối rậm rạp, có hang rất sâu nên dù “Pháp cho thả bom tấn xuống cũng không sợ”. Sau khi khảo sát kỹ địa thế của hang, Bác quyết định vận chuyển toàn bộ 17 kiện hàng và cùng 3 đồng chí bảo vệ sang ở tại đó.
Từ khi Bác chuyển sang Chùa Hang ở và làm việc, mỗi tối cụ Ma Đình Tương đến báo cáo công việc ở Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện và những việc Bác giao. Trong đó có những việc quan trọng như kế hoạch bảo vệ ATK Định Hóa nói chung (bao gồm Tuyên Quang, Thái Nguyên và Bắc Kạn) và đặc biệt là bảo vệ ATK Định Hóa, cùng nhiệm vụ bắt liên lạc với đồng chí Trần Đăng Ninh. Ngày ngày, sau khi đi học về, ông Ma Đình Khoa được mẹ dặn sang với Bác để giúp Bác một vài việc vặt và xem Bác có cần gì thêm. Những kỷ niệm Bác nhờ đi mua cân cá mắm hay lần duy nhất dẫn Bác đi vãn cảnh địa phương và được Bác mua cho gói kẹo như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông Khoa. Ông hồi tưởng: “Trong thời gian ở Chùa Hang, tôi thấy Bác ít nghỉ ngơi mà dành hầu hết thời gian để viết và nghiên cứu tài liệu. Bác thường làm việc ở trước cửa hang hoặc dưới nhà tam quan. Sau này, tôi mới biết Bác bận như vậy bởi chỉ ít ngày sau đó là diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang”.
Bởi lý do cần giữ bí mật nên suốt thời gian Bác sống và làm việc tại Chùa Hang rất ít người dân địa phương được biết. Thông qua cụ Ma Đình Tương, Bác thường xuyên quan tâm, thăm hỏi đời sống của nhân dân Định Hóa, đồng thời động viên đội ngũ cán bộ tiếp tục không ngừng nỗ lực, hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Bác ở Chùa Hang được khoảng 1 tuần, thì nhận được tin đồng chí Trần Đăng Ninh có kế hoạch đón Bác và chiến lợi phẩm. Bác rất vui mừng và thông báo với mọi người sẽ chuyển đi vào lúc sáng sớm hôm sau. Trước khi đi, Bác sang nhà vợ chồng cụ bà Lý Thị Mùi và cụ ông Ma Đình Tương để từ biệt gia đình và gửi lời chào tới bà con mà Bác không trực tiếp gặp được. Bác đã cảm ơn gia đình và qua cụ Ma Đình Tương ân cần dặn dò bà con cần phát huy truyền thống quê hương, tiếp tục phấn đấu hơn nữa cho công cuộc giải phóng nước nhà.
Riêng với ông Ma Đình Khoa, Bác đã tặng cho cuốn sổ trong có ghi dòng chữ “Tặng cháu Khoa làm kỷ niệm” và căn dặn thêm “cháu phải cố gắng học tập cho giỏi, để sau này trở thành người cán bộ tốt phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân”. Những lời căn dặn đó trở thành nguồn động viên to lớn để ông học tập và công tác sau này. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội, ông Ma Đình Khoa trở về công tác tại Ủy ban Xây dựng cơ bản của tỉnh. Trải qua nhiều cương vị công tác, trong đó cao nhất là chức vụ Bí thư Ban Cán sự, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Thái giai đoạn 1992-1996. Ở bất cứ cương vị nào ông cũng luôn gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nay đã ngoài 70 tuổi đời, với 46 năm tuổi Đảng, ông vẫn miệt mài nghiên cứu tài liệu, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Mỗi lần nhớ về những kỷ niệm được bên Bác, vị cha già của dân tộc ông lại xúc động bồi hồi “Bác sẽ còn mãi trong tâm trí và soi sáng con đường cho tôi đi”.