Bộ trưởng Công an trả lời về việc ông Dương Chí Dũng bỏ trốn

15:17, 14/06/2012

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn, có lộ, lọt thông tin hay không và nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật.


Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn, có lộ, lọt thông tin hay không và nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật.

 

Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): Trong khi người dân đánh giá cao tinh thân trách nhiệm, lòng dũng cảm và trình độ nghiệp vụ của cán bộ chiến sĩ công an trong điều tra phá án, đặc biệt là các vụ nghiêm trọng, phức tạp. Nhưng người dân cũng bức xúc trước việc bị can Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải bỏ trốn ngay trước thời điểm bắt tạm giam, trong khi trước đó bị triệu tập nhiều lần. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm cụ thể của Bộ Công an trong vụ việc này, lý do bị can Dũng trốn thoát được. Bộ trưởng cho biết Bộ có giải pháp gì để sớm bắt được đối tượng này và giải pháp để có thể ngăn chặn những trường hợp tương tự?

 

Bộ trưởng Trần Đại Quang : Chúng tôi chia sẻ sự quan tâm của đại biểu và cử tri cả nước có liên quan đến vụ việc ông Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi thi hành lệnh bắt tạm giam.

 

Thông qua công tác nghiệp vụ, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ đã phát hiện ông Dương Chí Dũng và một số cá nhân có dấu hiệu vi phạm tội cố ý làm trái gây thiệt hại nghiêm trọng.

 

Cơ quan cảnh sát điều tra đã làm việc với ông Dũng và một số cá nhân liên quan. Ông Dương Chí Dũng cũng đã thừa nhận có những hành vi cố ý làm trái gây hiệu quả nghiêm trọng. Căn cứ vào những tài liệu và chứng cứ thu được và căn cứ vào quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý cán bộ và những quy định của pháp luật, cơ quan cảnh sát điều tra đã báo cáo cấp có thẩm quyền khởi tố, bắt khám xét ông Dương Chí Dũng và những cá nhân có liên quan, thanh tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.

 

Sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, Viện KSNDTC phê chuẩn, cơ quản cảnh sát điều tra đã triển khai các tổ về công tác đến để thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Dương Chí Dũng, ông Mai Văn Phúc, nguyên là TGĐ Vinalines, ông Trần Đông Chiểu, nguyên Phó TGĐ Vinalines. Cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt được ông Phúc và ông Chiểu, còn bị can Dương Chí Dũng không có ở cơ quan cũng như ở nhà.

 

Cơ quan cảnh sát điều tra đã yêu cầu gia đình yêu cầu ông Dũng về làm việc. Nhưng sau khi xác minh thấy ông Dũng đã bỏ trốn, đã động viên gia đình vận động ông Dương Chí Dũng ra đầu thú nhưng không có kết quả.

 

Ngay sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra đã phát lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc, đồng thời phối hợp với các tổ chức cảnh sát quốc tế, cơ quan phòng chống tội phạm các nước có liên quan để truy bắt ông Dương Chí Dũng nếu như trốn ra nước ngoài.

 

Có thể nói công tác truy bắt, truy nã bị can khá khẩn trương. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra, làm rõ nguyên nhân ông Dũng bỏ trốn, có lộ, lọt thông tin hay không. Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật; đồng thời chúng tôi cũng đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc về các công tác nghiệm vụ, mặc dù theo quy định của pháp luật, trước khi có lệnh bắt đối với ông Dương Chí Dũng thì chưa được thực hiện biện pháp ngăn chặn.

 

Nhân vụ việc này, tôi xin kiến nghị với Quốc hội và cơ quan chức năng, khi nghiên cứu sửa đổi Luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng, cho phép cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết và được phép triển khai bí mật đối với những cá nhân có những chứng cứ, dấu hiệu tội tham nhũng, để tránh trường hợp có những đối tượng bỏ trốn. Quy định này thì với tội phạm ma túy và xâm phạm an ninh quốc gia đã cho phép.

 

** Mở đầu phiên làm việc, Bộ trưởng Trần Đại Quang báo cáo một số nét chính về tình hình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm thời gian qua. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình diễn biến khá phức tạp, nhưng lực lượng công an với vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận được giao đã có nhiều cố gắng; tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

 

"Chúng tôi ý thức rằng, trả lời chất vấn là dịp để chúng tôi báo cáo về hoạt động của lực lượng công an, chia sẻ về tình hình kết quả công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội thời gian qua, là lĩnh vực mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm", Bộ trưởng bày tỏ.

 

Các nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Trần Đại Quang là việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm trên tất cả các lĩnh vực; việc sử dụng lực lượng, phương tiện khi thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất trong giải phóng mặt bằng.

 

Nội dung thứ 2 là công tác phối hợp với các ngành hữu quan trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, thu mua, nuôi trồng hải sản, quản lý rừng, tài nguyên khoáng sản, trật tự an toàn giao thông.

 

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Đại Quang sẽ trả lời về những biện pháp triển khai thi hành pháp luật về hình sự (về tạm giam, tạm giữ, quản lý trại giam, thi hành án…) thuộc về nhóm vấn đề thứ ba.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng GTVT, Nội vụ, NN&PTNT là người hỗ trợ Bộ trưởng Công an trong lần đăng đàn này.

 

Tính đến thời điểm này, đã có 3 Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn tại Hội trường là Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

 

Tiếp sau Bộ trưởng Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là thành viên Chính phủ cuối cùng trả lời chất vấn của Quốc hội kỳ này./.