Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Báo chí đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước

09:44, 13/06/2012

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trong cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân cả nước được tổ chức chiều 12/6 tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.  

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng báo chí cách mạng đã khẳng định vai trò, hoàn thành tốt nhiệm vụ là phương tiện thông tin truyền thông thiết yếu, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những thành tựu chung của đất nước có đóng góp của báo chí.

 

Báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

 

Từ góc nhìn của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phân tích, trong những năm qua, báo chí luôn bám sát mục tiêu, tôn chỉ, đường lối chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các giải pháp định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ.

 

Những sự kiện quan trọng của đất nước được báo chí dành thời lượng, đăng tải nhanh chóng, kịp thời tới nhân dân, như Đại hội Đảng lần thứ XI, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, các kỳ họp Trung ương, Quốc hội.

 

Trong quá trình đó, báo chí đặc biệt đi sâu phản  ánh tình hình phát triển kinh tế xã hội, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, cùng cả nước vượt qua những khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

 

Có những lúc tình hình biên giới biển đảo diễn biến phức tạp, báo chí đã vào cuộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn môi trường hòa bình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền các nước và công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, báo chí cũng đã dành nhiều tin bài về gương người tốt, việc tốt, đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, báo chí đấu tranh với luận điệu của những thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng, chống những hiện tượng thoái hóa, biến chất, tự diễn biến trong cán bộ đảng viên và nhân dân, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.

 

Trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, báo chí đã đưa những thông tin mới về phát triển kinh tế -xã hội, văn hóa của các nước đến Việt Nam, đồng thời giúp cho kiều bào và bạn bè quốc tế hiểu hơn về quan điểm, thành tựu phát triển, nền văn hóa Việt Nam, vun đắp tình hữu nghị với các nước.

 

“Có thể nói, báo chí đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là phương tiện thông tin, tuyên truyền hữu  hiệu”, Bộ trưởng kết luận.  

 

Sớm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết

 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đã trả lời một cách thẳng thắn, không né tránh câu hỏi về những mặt còn hạn chế, khiếm khuyết của báo chí Việt Nam hiện nay.

 

Bộ trưởng dùng từ “trầm trọng” khi nói về tình trạng có một tờ báo, đặc biệt là phụ trang có tin bài không đúng tôn chỉ mục đích báo chí.

 

Bộ trưởng cho rằng đây là điểm trầm trọng nhất và kéo dài, chậm khắc phục thời gian qua, trách nhiệm thuộc về các nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và “chúng tôi cũng phải rút kinh nghiệm việc này”.

 

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tỏ ra bức xúc với tình trạng nhiều tờ báo của ngành này, địa phương này nhưng viết nhiều về địa phương khác, ngành khác.

 

Bộ trưởng nói: “Không phải không được viết, nhưng báo của ngành này, địa phương này phải chủ yếu viết về ngành mình, địa phương mình, phải đúng tôn chỉ được đưa ra trong giấy phép hoạt động của mình. Tránh tình trạng chủ yếu khai thác mặt yếu kém, khuyết điểm làm méo mó sự phát triển của doanh nghiệp, ngành hoặc địa phương khác. Nó là một hiện tượng không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích báo chí”.

 

Theo Bộ trưởng, thông tin ban đầu rất quan trọng, có hiệu ứng xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của địa phương, ngành, doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đó. Khi đã phát thông tin sai thì sửa rất khó, chúng ta đã và đang chấn chỉnh hiện tượng này.

 

Thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã áp dụng các chế tài với nhiều trường hợp vi phạm, thậm chí có nhà báo bị thu thẻ, có những nhà báo đã phải đứng trước vành móng ngựa, bị xử lý theo luật hình sự. Mặc dù đây là số ít trong 17.000 nhà báo được cấp thẻ, nhưng con số đó cũng là đáng buồn.

 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ ra một hạn chế ít được nhắc đến của báo chí Việt Nam, đó là tình trạng viết sai chính tả, ngữ pháp.  Theo ông, bản thân cơ quan báo chí cũng là cơ quan văn hóa, nên phải góp phần bảo vệ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

 

Tình trạng một số ít nhà báo lợi dụng danh nghĩa nhà báo, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp, gây bức xúc xã hội cũng được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phê phán.

 

Trước những mặt còn hạn chế, khiếm khuyết của báo chí  Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền Thông sẽ có những giải pháp phù hợp để kiên quyết và sớm khắc phục.

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng kêu gọi sự gương mẫu, nêu cao đạo đức báo chí cách mạng của mỗi người làm báo.