Gặp người trong bài báo Bác viết

09:47, 16/06/2012

Căn hộ 300B, nhà C3, khu tập thể 34A Trần Phú (Hà Nội) luôn ấm áp tiếng cười nói của những người từng một thời trong quân ngũ. Chủ nhân của ngôi nhà là Đại tá Nguyễn Huy Văn, bí danh Kim Sơn. Ông sinh năm 1931, là 1 trong 6 người con của cụ Nguyễn Thị Vĩnh - bà mẹ được Bác Hồ viết báo khen. Bài báo có tựa đề: “Cả nhà kháng chiến”, đăng trên Báo Nhân dân, số 34, ra ngày 29-11-1951, Bác lấy bút danh là C.B.

Ông Văn lấy trong “kho tư liệu cá nhân”, rồi đưa cho tôi xem bài báo. Hết sức cô đọng bài báo gồm 210 chữ, 17 dòng, dễ đọc, dễ nhớ nhưng đã khái quát được đầy đủ về nơi ở, tư tưởng dạy con của một người mẹ và tinh thần hăng say chiến đấu của nhân dân lúc bấy giờ. Nội dung bài báo có đoạn:

 

“… Bà cụ Nguyễn Thị Vĩnh quê ở Nam Định. Ngày trước, lên làm ăn ở Tam Đảo. Nay tản cư đến Thái Nguyên…Bà cụ có 6 người con: 5 trai và 1 gái. Cả 6 người đều ở bộ đội. Tuy nhà nghèo, bà cụ Vĩnh vẫn hăng hái giúp đỡ cán bộ và bộ đội như con cháu ruột thịt... Vì cả nhà kháng chiến, bà cụ Vĩnh và các con cụ thật xứng đáng với Tổ quốc. Và bà cụ thì xứng đáng là gương mẫu cho các bà mẹ Việt Nam”.

 

Chồng mất sớm, bà cụ Vĩnh một mình tần tảo nuôi các con khôn lớn. Đất nước kháng chiến, bà khuyến khích các con vào phục vụ trong quân đội, còn bản thân bà ở nhà đã tích cực ủng hộ kháng chiến bằng cách chăm lo, giúp đỡ thương binh. Hằng ngày, bà đến An dưỡng đường Tam Đảo giúp bộ đội cấp dưỡng việc nấu cháo, thổi cơm và chăm sóc thương binh. Bà coi bộ đội, các thương binh như con đẻ của mình.

Người con trai cả của bà cụ Vĩnh là Thạch Sơn. Khi đó, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn bảo vệ cơ quan Bộ Tổng Chỉ huy trên An toàn khu Việt Bắc. Ông là một trong những quân nhân tiêu biểu, có tinh thần chiến đấu quả cảm, được nhiều lần biểu dương trên báo Quân đội Nhân dân. Ông tham gia nhiều trận đánh và đã hy sinh ở trận Chân Mộng - Trạm Thản (Phú Thọ) năm 1952. Các em của ông cũng đều tham gia chiến đấu ở ngoài mặt trận, cùng theo hết chiến dịch Điện Biên Phủ và tham gia phục vụ cách mạng cho tới ngày nghỉ hưu.

 

Ông Văn, người con út của bà cụ Vĩnh kể: Từ Phú Thọ, tôi vượt núi Tam Đảo sang vùng đất Quân Chu (Đại Từ, Thái Nguyên) làm đội viên Cứu Quốc quân. Nhiệm vụ của chúng tôi là vận động nhân dân ủng hộ Việt Minh, xây dựng phong trào Việt Minh. Không sợ khó, không ngại khổ, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Đến năm 18 tuổi tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi sống, chiến đấu ở vùng Việt Bắc, chủ yếu là ở ATK, Định Hóa, Thái Nguyên. Do trực tiếp công tác ở Bộ Tham mưu, tôi có điều kiện gần gũi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được gia đình Đại tướng mến như người thân trong nhà. Song tôi không phải là thư ký riêng cho Đại tướng như báo chí vẫn nói.

 

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Văn lại cùng đoàn quân Nam tiến, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh… Đời binh nghiệp hào hùng trong ánh lửa, trước mỗi trận đánh hay trong những giây phút thanh bình, ông luôn dặn mình là phải sống đàng hoàng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của một quân nhân.

 

Năm 1998, ông nghỉ hưu với cấp bậc Đại tá, trong hành trang ông mang về nhà cho vợ con là 12 tấm huân, huy chương, cao nhất là Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì…

 

Trong khu tập thể, ông sống khiêm tốn, giản dị và luôn có tinh thần giúp đỡ mọi người. Ông nói với chúng tôi bằng cả niềm tự hào: Với gia đình, dòng họ chúng tôi, bài báo do chính Bác Hồ viết luôn được coi trọng như một vật báu. Trong suốt cuộc đời của mẹ tôi, của các anh, chị, em chúng tôi, những lúc khó khăn, gian khổ nhất, mọi người đều nhớ đến bài báo - phần thưởng lớn Bác Hồ tặng cho gia đình để phấn đấu, vượt qua.