Một trong những nội dung suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà NQTW 4 (Khoá XI) có nhắc đến là suy thoái về lối sống. Sự suy thoái này có liên quan mật thiết với suy thoái về chính trị, tư tưởng. Vậy nên, nếu cán bộ, đảng viên có lối sống tốt chắc chắn sẽ có tác dụng thiết thực việc thực hiện thắng lợi NQ lịch sử này…
Mới đây, nhân đọc bàì của một người có tên tuổi đăng trên một tờ báo An ninh giữa tháng, kể về lối sống của một vị nguyên là Phó chủ tịch huyện nọ, những năm đầu 60 của thế kỷ trước; sau khi dành nhiều tình cảm tốt đẹp của mình với người cán bộ cần - kiệm – liêm - chính, suốt đời chỉ biết đến công việc, biết đến trách nhiệm của một công bộc; nay dù đã về hưu ở vào tuổi “bát tuần”, ông vẫn giữ nguyên nếp sống, sinh hoạt của cái thời “”Một yêu anh có may ô”. Cuối bài tác giả có chốt một câu nói vui “Quả là lập trường kiên định… Mẫu người hiếm có ở giữa thời đầy hoang phí. Ông là mẫu người của NQTW4 đấy”.
Hãy bỏ qua việc có thể có một thông điệp nào đó trong câu nói vui này; chỉ theo nghĩa đen của nó mà suy ngẫm thì, đã đến lúc cần quan tâm nhiều hơn về lối sống nói chung và lối sống của cán bộ đảng viên nói riêng. Chỉ cần chút kiến thức phổ thông cũng dễ thể thấy, lối sống có thể được xem xét trên ba nội dung chủ yếu: đó là tư duy (gồm suy nghĩ, nhận thức, quan điểm sống…); là hành vi (đi lại, nói năng, thái độ, việc làm) và là cách ứng xử của con người với các mối quan hệ xung quanh… Ngày nay theo quan niệm hiện đại, lối sống đang được xem là một dạng “kiến thức mềm”, nó có thể giúp người ta có thêm uy tín, thêm bạn trong cuộc sống, có thêm đối tác trong làm ăn và cơ hội thăng tiến và ngược lại. Lối sống là sự thể hiện bên ngoài của đạo đức.
Lối sống là một phạm trù lịch sử. Ở mỗi thời kỳ khác nhau, trong những hoàn cảnh nhất định nào đó, lối sống có những chuẩn mực để thích ứng. Trong công cuộc đổi mới đất nước, các hoạt động kinh tế - xã hội được triển khai trong một không gian rộng lớn; với việc chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; bộ mặt kinh tế, xã hội của đất nước thay đổi từng ngày, cùng với bao nhiêu biến cố, tác động tích cực, tiêu cực, của thời hội nhập quốc tế, có tác động mạnh mẽ đến lối sống của mỗi cá thể. Hệ giá trị văn hóa truyền thống cũng bị xô đẩy ngả nghiêng, trước yêu cầu phát triển của đất nước. Một số chuẩn mực lối sống của mấy chục năm trước, đang đứng trước yêu cầu khách quan phải được nhận thức lại. Ngay trong lớp người thuộc lứa tuổi 70-80, vốn được lớp trẻ coi là đối tượng “kỳ cựu bảo thủ”, nhiều người cũng cho rằng, đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển, nếu cứ khư khư với những giá trị truyền thống một cách nguyên bản, chẳng khác nào tự trói mình. Cách tốt nhất để các giá trị đó “đi cùng năm tháng” là để nó cùng vận động, phát triển, trong tiến trình phát triển đất nước.
Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào thì lối sống của cán bộ, đảng viên vẫn phải giữ cho được “cái lõi” của một “công dân ưu tú”. Cái lõi đó trong mối quan hệ gia đình là sự thủy chung vợ - chồng, tinh thần trách nhiệm với con cái, sự hiếu thảo với mẹ cha. Trong quan hệ xã hội là sống hòa nhập với xóm làng, thân thiện, hợp tác, quan tâm tới mỗi vui buồn của những người xung quanh. Với công việc thì phải liêm - chính, có sự tôn trọng cần thiết với cấp trên và cấp dưới. Với bản thân thì tự mình phải nghiêm khắc. Nghiêm khắc để có điểm dừng thích hợp.
Thật ra, khi mắc vào những sai phạm như tham nhũng, chạy chức, chạy quyền… cán bộ đảng viên ta đều biết nhưng tự họ không vượt qua được sự cám dỗ của cuộc sống xa hoa, nên cứ nhắm mắt đưa chân, để rồi lâm vào vòng lao lý; bởi họ không biết điểm dừng. Điểm dừng cũng là cái khó nhất trong lối sống. Chẳng thế mà có nhà hiền triết nào đó đã nói: “biết hành động mới chỉ là người có tài, biết điểm dừng mới là một vĩ nhân”. Biết điểm dừng là giúp cho cán bộ, đảng viên giữ được sự “thăng bằng” trong mối quan hệ giữa cái “tôi” với cái “ta” và cái “chúng ta”, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, giữa cái chung và cái riêng. Đó là cái “bất biến” để cán bộ đảng viên giữ được tín nhiệm cá nhân với quần chúng và hơn nữa là giữ tín nhiệm cho đảng.
Thực tế cuộc sống hiện nay đang cho thấy những điều tưởng như là tối thiểu ấy của mỗi cán bộ, đảng viên lại đang bị thả nối, xem thường. Quần chúng ở nhiều nơi thường hay phàn nàn về một số cán bộ, đảng viên khi có chức có quyền thì sống xa hoa, lãng phí bên cạnh cái khó khăn, eo hẹp của cộng đồng. Với trên thì xu nịnh, với dưới thì hách dịch, quan liêu. Chuyện ông này, bà kia “cặp bồ” với nhau, đang được xem là sinh hoạt cá nhân, là điểm nhạy cảm chỉ được bàn luận “sau lưng” (nhất là đối với sếp)! đó là xu thế dẫn tới sự “hòa tan” với lối sống cá nhân cực đoan của xã hội tư bản.
Mặc dù lối sống của cán bộ, đảng viên đã có một số nội dung được “thể chế hóa” trong Điều lệ đảng, trong Luật công chức, trong “Những điều đảng viên không được làm”, nhưng thiết nghĩ mới chỉ là chung chung, vì thế vẫn là chưa đủ. Nếu ở mỗi cơ quan, đơn vị việc xây dựng lối sống chưa được đặt lên bàn nghị sự của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và vai trò của người đứng đầu, không có những quy định cụ thể những vấn đề “bất biến” trong lối sống, kèm theo những chế tài mang tính “hương ước” cần thiết thì việc xây dựng lối sống của cán bộ, đảng viên cũng chỉ là “hô khẩu hiệu” mà không mang lại hiệu quả thiết thực.
Dẫu là việc không đơn giản nhưng thiết nghĩ nếu cứ khởi sự, chắc chắn thực tế sẽ cho ta thêm những “dữ liệu” cần thiết để xây dựng và quản lý lối sống của cán bộ, đảng viên, sao cho vẫn phù hợp với xu thế phát triển nhưng không đánh mất cái lõi văn hóa trong lối sồng của người Việt; chắc chắn sẽ góp phần tích cực thực hiện thành công NQTW4.