Ngày 16/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá chương trình bình ổn giá của Chính phủ với một số bộ, ngành và 36 tỉnh, thành trên cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, đến nay cả nước có 36 tỉnh, thành thực hiện chương trình bình ổn giá với số vốn vay khoảng 1.650 tỷ đồng, các điểm bán hàng bình ổn cũng không ngừng tăng lên theo hướng chuyển các địa điểm bán hàng lẻ về khu vực nông thôn, hiện cả nước có khoảng 6.400 điểm bán hàng. Hai địa phương triển khai hiệu quả nhất của chương trình này là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự đánh giá tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt trong Chương trình bình ổn giá các địa phương đã kết hợp tốt với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tập trung xúc tiến thương mại nội địa, các mặt hàng trong nước… từ đó góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Số lượng mặt hàng và thời gian thực hiện chương trình cũng không ngừng được mở rộng, từ chỗ chỉ tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm dịp Tết, đến nay chương trình đã bình ổn đối với các mặt hàng thiết yếu khác như giấy vở, dược phẩm, sữa,... và thời gian thực hiện chương trình kéo dài gần hết năm.
Giá bán các mặt hàng bình ổn tại hệ thống phân phối của các DN tham gia chương trình bình ổn tại các địa phương được giữ tương đối ổn định và bảo đảm thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5-10%, hai năm liên tiếp, CPI hai TP lớn đều thấp hơn CPI cả nước, điều này đã tạo định hướng rất tốt cho thị trường toàn quốc và các tỉnh lân cận góp phần hạn chế tăng mức giá chung, nhất là trong dịp lễ, tết…
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện về mặt chủ trương, cơ chế để các địa phương mở rộng hơn nữa chương trình bình ổn, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng cơ chế bảo đảm chất lượng hàng hóa, quản lý phân phối hàng hóa, thường xuyên cập nhật, thể chế hóa các chương trình thành các quy định chặt chẽ. Trên tinh thần đó, các địa phương hết sức ưu tiên hỗ trợ phát triển hệ thống bán lẻ, các điểm bán hàng bình ổn, kiên định, bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô trong điều hành quản lý thị trường, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và có chính sách đi kèm nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia chương trình bình ổn.
Đối với một số đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương tiếp thu, có hướng giải quyết như vấn đề lập quỹ bình ổn giá ở địa phương, biện pháp kiểm soát các mặt hàng "nhạy cảm" như gạo, muối, đường, VLXD.