Từ ngày 20 đến 22 tháng 11 năm 1950, Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệu tập Hội nghị đại biểu Mặt trận dân tộc thống nhất ba nước Đông Dương ở căn cứ địa Việt Bắc (Việt Nam). Đoàn đại biểu Mặt trận Liên Việt gồm các đồng chí Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Lê Đình Thám, Lê Thị Xuyến. Đoàn đại biểu Mặt trận Lào Ítxalạ gồm Hoàng thân Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít, Nủhắc Phumxavẳn, Xỉxanạ Xi xản, Khăm Tày Xiphănđon. Đoàn đại biểu Mặt trận Ítxarắc do đồng chí Siêu Riêng dẫn đầu
THÁNG 8 - 1950
Phân khu B chấn chỉnh lại tổ chức biên chế và phân công lại địa bàn hoạt động
Để đáp ứng với tình hình mới, tháng 8 năm 1950, Phân khu B giải thể Tiểu đoàn 204 (gồm các đại đội 72, 78 và cơ quan tiểu đoàn bộ). Tiểu đoàn bộ được tách ra thành bộ phận phụ trách khoa huấn luyện quân chính. Đại đội 72 sáp nhập với đội vũ trang tuyên truyền Nặm Típ thành đơn vị mới mang tên Đại đội 214, hoạt động trên địa bàn biên giới Nặm Típ - Na Ngoi. Đại đội 78 sáp nhập với đội vũ trang tuyên truyền Sằm Tớ thành đơn vị mới, mang tên Đại đội 216 hoạt động trên địa bàn cũ gồm Mương Dương, Mương Bò, Mương Nhia. Tiếp đó, Phân khu thành lập thêm ba đại đội 217, 215, 232 và Khoa Quân chính. Đại đội 217 là đơn vị chủ lực của Phân khu, hoạt động bảo vệ vùng biên giới Nặm Cắn, trên trục đường 7 đi Noỏng Hét. Đại đội 215 chuyển vào hoạt động ở vùng Thà Viêng, phía đông nam Xiêng Khoảng. Đại đội 232 hoạt động ở vùng Mương Khun, phía bắc Xiêng Khoảng. Khoa Quân chính gồm hai lớp chính trị và quân sự, do đồng chí Vũ Quang Định, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 204, phụ trách. Lớp chính trị, do đồng chí Lương Đức Hoè làm lớp trưởng; lớp quân sự, do đồng chí Vũ Duy Lân làm lớp trưởng. Đối tượng được tuyển chọn đào tạo là tiểu đội trưởng và cán bộ trung đội, học trong ba tháng. Kết thúc khóa học, những học viên là đảng viên được chuyển làm cán bộ chính trị trung đội, số còn lại được đề bạt làm cán bộ chỉ huy trung đội.
Đại hội đại biểu các lực lượng giúp Lào ở Trung Lào
Thực hiện chủ trương mở rộng Mặt trận Trung Lào của Liên khu 4, tháng 8 năm 1950, tại chùa Đá, Linh Cảm, xã Châu Phong, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), Ban Cán sự Trung Lào và Đoàn 280 quân tình nguyện Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu các lực lượng giúp Lào ở Trung Lào. Đại hội đánh giá tình hình địch, ta trên chiến trường Trung Lào, đề ra nhiệm vụ, phương châm giúp Lào tiến sâu, tiến mạnh về vùng đồng bằng, đẩy mạnh các hoạt động trong lòng địch, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, tạo điều kiện đưa phong trào kháng chiến ở khu Trung Lào tiến lên một bước mới, phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Bình - Trị - Thiên (Việt Nam).
Từ ngày 13 đến 15 tháng 8- 1950
Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào
Nhằm đẩy mạnh phong trào kháng chiến phát triển, từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1950, Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào (có tài liệu ghi là Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến, hay Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất, Đại hội Quốc dân Lào) đã được tiến hành. Tham dự Đại hội có khoảng 150 đại biểu, đại diện cho nhân dân các dân tộc, các địa phương từ Bắc xuống Nam, từ các khu căn cứ kháng chiến đến vùng tạm kiểm soát của địch.
Đại hội thảo luận và thông qua Cương lĩnh chính trị 12 điểm của cách mạng Lào nhằm tăng cường đoàn kết toàn dân, phát triển chiến tranh nhân dân, đoàn kết với nhân dân Việt Nam anh em để cùng nhau đánh đuổi thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Đại hội xác định mục tiêu phấn đấu của nhân dân Lào là: đánh đuổi thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bọn tay sai bán nước, tiến tới xây dựng một nước Lào độc lập, thống nhất và thịnh vượng; thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tự do, tín ngưỡng, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, xóa nạn mù chữ, phát triển văn hóa dân tộc; tăng cường đoàn kết quốc tế. Đây là cương lĩnh chính trị, quân sự, văn hóa và xây dựng đất nước.
Để bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ cuộc kháng chiến, Đại hội đã chia toàn Lào thành ba khu kháng chiến gồm: Thượng Lào, do Trung ương Chính phủ và Mặt trận trực tiếp lãnh đạo; Trung Lào và Hạ Lào có đại diện Chính phủ và Trung ương Mặt trận trực tiếp phụ trách.
Đại hội thông qua tên nước, quốc kỳ, quốc huy; thông qua bản tuyên ngôn của Quốc dân đại hội, kêu gọi toàn thể nhân dân các dân tộc đoàn kết thành một khối đánh đuổi thực dân Pháp, can thiệp Mỹ, giành độc lập cho đất nước.
Đại hội quyết định thống nhất các tổ chức Lào Ítxalạ, thành lập Mặt trận Neo Lào Ítxalạ gồm 15 người, do Hoàng thân Xuphanuvông làm chủ tịch và thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào gồm tám người do Hoàng thân Xuphanuvông làm chủ tịch, kiêm thủ tướng Chính phủ.
Đại hội cũng nhất trí cử Hoàng thân Phếtxarạt làm cố vấn của Mặt trận và Chính phủ Kháng chiến Lào.
Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của cuộc kháng chiến ở Lào, làm cho thế và lực cách mạng Lào được tăng cường, liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam củng cố vững chắc hơn.
THÁNG 11- 1950
Đoàn 280 quân tình nguyện Việt Nam đẩy mạnh xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang bí mật ở vùng Trung Lào
Sau một thời gian hoạt động, được quân và dân Lào giúp đỡ, các đơn vị thuộc Đoàn 280 đã củng cố, xây dựng được vùng căn cứ rộng lớn, gồm 600 bản với 3 vạn dân ở vùng Trung Lào, sát dọc biên giới Việt - Lào. Tại các khu căn cứ đó, chính quyền cách mạng, tổ chức quần chúng và lực lượng vũ trang của Lào được xây dựng khá mạnh. Việt Nam và Lào đã phối hợp chiến đấu, đánh bại nhiều cuộc tiến công lấn chiếm của địch, buộc chúng phải rút bỏ gần chục vị trí về trấn giữ các thị trấn, thị xã và một số vị trí quan trọng khác. Từ các căn cứ được xây dựng dọc phía đông Trung Lào, liên quân Lào - Việt đã đưa các đội vũ trang công tác tuyên truyền tiến xuống các vùng sau lưng địch nhằm tuyên truyền, tổ chức nhân dân xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang bí mật ở các vùng Huội Mừn, Lahảnặm, Kẹng Koọc, Nặm Cha Lộ, Na Nhôm, Nhômmalạt, Hỉn Bun, bắt liên lạc với cơ sở vùng Bolịkhăn (phía đông Viêng Chăn), tạo bàn đạp phát triển xuống vùng đồng bằng Trung Lào.
Ngày 12 tháng 11-1950
Liên khu 5 (Việt Nam) mở Hội nghị tổng kết công tác gây dựng cơ sở ở vùng địch hậu Hạ Lào
Nhằm đẩy mạnh công tác gây dựng cơ sở ở vùng địch hậu Hạ Lào, ngày 12 tháng 11 năm 1950, Liên khu 5 (Việt Nam) mở Hội nghị tổng kết nêu rõ: về đoàn kết Lào - Việt, phương pháp tích cực nhất là tôn trọng đơn vị, ý kiến của Lào, thống nhất và hết sức giúp đỡ Lào, thẳng thắn phê bình khuyết điểm của Lào. Mọi việc đều đem bàn hết với phía Lào và phân công cùng làm, những việc phía Lào đủ sức, hay có thể nhờ giúp đỡ ít nhiều thì để Lào làm lấy. Không nên đòi hỏi ở trình độ hiểu biết và làm quá sức của Lào và cũng không nên thấy phía Lào làm mà giao nhiều công tác nữa. Phải thường xuyên đề cao Lào trước bộ đội và nhân dân, khéo léo đưa ý kiến và giúp Lào làm việc.
Về đoàn kết cán bộ: tốt nhất là dìu dắt theo công tác để huấn luyện, thỉnh thoảng dùng hình thức hội nghị để thảo luận kế hoạch công tác và một, hai vấn đề có tính chất lý luận dùng trong công tác để chứng minh. Chú ý đào tạo cán bộ trung kiên, cán bộ thanh niên đều có thể phát huy, giúp công việc các cấp, giúp chuyên môn. Cán bộ phải có uy tín trong nhân dân...
Từ ngày 20 đến 22 tháng 11-1950
Hội nghị đại biểu Mặt trận dân tộc thống nhất ba nước Đông Dương
Từ ngày 20 đến 22 tháng 11 năm 1950, Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệu tập Hội nghị đại biểu Mặt trận dân tộc thống nhất ba nước Đông Dương ở căn cứ địa Việt Bắc (Việt Nam). Đoàn đại biểu Mặt trận Liên Việt gồm các đồng chí Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Lê Đình Thám, Lê Thị Xuyến. Đoàn đại biểu Mặt trận Lào Ítxalạ gồm Hoàng thân Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít, Nủhắc Phumxavẳn, Xỉxanạ Xi xản, Khăm Tày Xiphănđon. Đoàn đại biểu Mặt trận Ítxarắc do đồng chí Siêu Riêng dẫn đầu.
Đại biểu mỗi nước đã phân tích tình hình thế giới, Đông Dương, trong nước, cuộc đấu tranh của dân tộc mình và xác định nhiệm vụ cơ bản trước mắt của cách mạng mỗi nước.
Ngày 23 tháng 11 -1950
Hội nghị Ban Cán sự Tây Lào và Trung Lào bàn về chuẩn bị tổng phản công
Trước tình hình mới, ngày 23 tháng 11 năm 1950, Ban Cán sự Tây Lào và Trung Lào họp hội nghị bàn về việc chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng phản công trong thời gian tới, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Phối hợp hoạt động ở Xiêng Vảng: Tiểu đoàn 2 của Trung Lào hoạt động ở gần Mahả Xây sẽ phái một đội quân đến Xiêng Vảng để cùng bàn việc liên lạc và phối hợp công tác. Đầu tháng 1 năm 1951 đến nơi, ăn ở, cải trang, có mìn, lựu đạn. Yêu cầu Xiêng Vảng bố trí đường sá, chuẩn bị lương thực và nơi tạm trú.
2. Phối hợp cùng Khăm Cợt và Bolịkhăn: Về giao thông Việt - Thái, Trung Lào và Tây Lào từ nay tổ chức trực tiếp với nhau ở Sopving, không đi thủy như trước. Trạm ở đây do Tây Lào phụ trách. Hai ban phụ trách hai vùng Bolịkhăn và Khăm Cợt sẽ gặp nhau để bàn kế hoạch giúp đỡ nhau.
3. Cán bộ: Tây Lào sẽ giúp cho Trung Lào 20 cán bộ trong số 27 người của Tây Lào đang huấn luyện tại Trung Lào. Tây Lào chuẩn bị cho Trung Lào 30 đội viên Việt kiều cứu quốc biết tiếng Lào, có tinh thần hăng hái và khỏe mạnh ở vùng Xiêng Vảng.
4. Vũ khí: Liên khu ủy Khu 4 (Việt Nam) đã đồng ý coi Tây Lào là một bộ phận được nhận phần vũ khí của Liên khu 4, Tây Lào sẽ có người qua lấy, Trung Lào sẽ giúp vận chuyển. Trung Lào cấp mìn, lựu đạn cho bộ phận ở Xiêng Vảng.
(còn tiếp)
(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011).