Quốc hội thảo luận giải pháp “cứu” doanh nghiệp

08:43, 12/06/2012

Quyết định được chờ đợi nhất sau buổi thảo luận sáng nay là khả năng giảm 30% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn. Ngoài ra, việc miễn giảm thuế khoán VAT, thu nhập cá nhân cũng sẽ được xem xét.  

Sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012. Nghị quyết này được xây dựng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo về gói giải pháp được thực hiện theo Nghị quyết 13 công công bố hồi đầu tháng 5. Thêm vào đó, Nghị quyết của Chính phủ cũng được coi là chưa đầy đủ, do cơ quan hành pháp chỉ có thẩm quyền giãn - hoãn các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (VAT), chứ chưa thể công bố việc miễn giảm, vốn được coi là thiết thực hơn đối với doanh nghiệp.

 

Những vấn đề Chính phủ xin ý kiến Quốc hội sẽ bao gồm giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm các đối tượng doanh nghiệp loại trừ nói trên). Cùng với đó là các quyết định miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh, chăm sóc trông giữ trẻ, hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân… Điều kiện đi kèm với các ưu đãi này là giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.

 

Trước đó, tại Nghị quyết 13, Chính phủ đã trình bày 5 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm việc hạ dần mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

 

Bên cạnh đó, cơ quan thực hiện trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước sẽ có các các biện pháp cơ cấu nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ...) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có biện pháp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, xử lý ngân hàng yếu kém.

 

Về các giải pháp tài chính, Chính phủ đã cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của quý II/2012 đối với 2 nhóm doanh nghiệp nhỏ - vừa (không hoạt động trong lĩnh vực xổ số, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

 

Cơ quan chức năng cũng cho phép gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách cho các đối tượng trên, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.

 

Chính phủ cũng quyết nghị giảm 50% tiền thuê đất của năm 2012 đối với tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. Nội dung này giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án.

 

Về đầu tư, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường thu hút, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...

 

Cơ quan chức năng dự kiến sẽ huy động 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn. Chính phủ cũng cho phép mua sắm theo quy định đối với khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết 11 và đã được chuyển sang năm 2012.

 

Gói giải pháp này được cơ quan quản lý đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn do chịu “hiệu ứng phụ” của các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát (kinh tế tăng trưởng thấp, chỉ 4% trong quý một, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, tồn kho lớn…). Các giải pháp này kể từ khi được công bố ngày 4/5 và chính thức hóa bằng văn bản ngày 11/5, đã phần nào phát huy được hiệu quả. Cụ thể là mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm dần (trần huy động từ 14% về 9%), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần qua các tháng.

 

Tại phiên thảo luận hôm nay, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trình bày tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trước khi thảo luận trong toàn bộ thời lượng buổi sáng. Nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua trong những phiên cuối kỳ họp lần này.