Tìm hiểu về “nhóm giải pháp tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng”

16:37, 15/06/2012

Từ đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay (viết tắt là NQTW4): “Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân” đến nội dung của “nhóm giải pháp tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng”, tôi thấy có nhiều vấn đề cần được trao đổi và quán triệt:

Sinh hoạt đảng (SHĐ) vốn được xem là hoạt động lãnh đạo tập thể của các tổ chức Đảng. Có một thời sinh hoạt chi bộ được đảng viên và quần chúng trông đợi với tình cảm rất chân thành, vì ở nơi ấy có những tháo gỡ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, những giải tỏa vướng mắc trong sinh hoạt tập thể. Quần chúng coi chi bộ, đảng viên là chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những vui buồn của họ. Mỗi đảng viên tự biết mình phải làm gì, xử sự như thế nào trong cuộc sống chung và riêng, để xứng đáng với vinh dự mà quần chúng dành cho.

 

Hiện nay, công cuộc đổi mới đất nước trong thời kỳ hội nhập đặt chúng ta trước yêu cầu phải nhận thức lại quá trình phát triển đất nước trong giai đoạn quá độ lên CNXH; chấp nhận những xô đẩy các giá trị truyền thống, làm ảnh hưởng sâu sắc tới công tác xây dựng Đảng nói chung và SHĐ nói riêng.

 

Thực hiện yêu cầu “Chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình” mà NQ TW4 đã nêu, thực chất là quán triệt và phục hồi lại ba tính chất trong SHĐ đó là Tiền phong, Chiến đấu và Giáo dục. Do tác động của hoàn cảnh, lâu nay ba tính chất này đang bị mai một; SHĐ nói chung, sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng và chi bộ dưới cơ sở nói riêng đôi khi chỉ mang tính chất thủ tục. Họp cũng được, không họp cũng được. Chỉ thị, nghị quyết của trên nói sao thì dưới cứ “na ná” như thế mà sao chép; coi đó là phương án nhàn hạ mà an toàn, không cần sáng tạo. Hậu quả là tính tiền phong bị thủ tiêu, quan liêu xuất hiện! Sinh thời Hồ Chủ tịch thường dậy: Chủ trương một, biện pháp phải mười và quyết tâm thì cần nhiều hơn nữa.

 

Hiện nay SHĐ ở cơ sở, sau khi quán triệt chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, thay vì phải có biện pháp cụ thể để chỉ đạo chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và hội quần chúng thực hiện, thì người ta thế vào đó những biện pháp giống như khẩu hiệu, đại thể như: Cần có biện pháp mạnh mẽ; cần có quyết tâm cao… Thay vì phải xác định rõ vai trò của cá nhân trong mỗi cương vị khác nhau, thì trách nhiệm lại được “hòa chung” vào “bình nước” tập thể. Khi có thiếu sót, khuyết điểm thì không quy được vào ai. Từ đó tính chiến đấu cũng không còn.

 

Những khiếm khuyết này có liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ. Nói tổ chức cơ sở là nền tảng của Đảng, nhưng để đóng được vai trò “nền tảng” cần có những điều kiện cụ thể. Trong đó đội ngũ cán bộ chủ chốt có vai trò rất quan trọng. Ngày xưa trong kháng chiến, với mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, cán bộ chỉ cần có lòng yêu nước, căm thù giặc là có thể sáng tạo ra nhiều cách đánh giặc, bảo vệ dân. Ngày nay lịch sử đã sang trang, với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, đòi hỏi người ta phải có lượng kiến thức tối thiểu nào đó, của mỗi vế trong mục tiêu này, mới chủ trì được các hoạt động lãnh đạo.

 

Hơn nữa công tác xây dựng Đảng vốn được coi là một khoa học, người làm công tác Đảng cũng cần có những hiểu biết tối thiểu về môn khoa học đó. Chưa nói, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong bối cảnh hội nhập quốc tế mà chúng ta đang thực thi, có vô vàn cơ hội và cạm bẫy, yêu cầu đội ngũ cán bộ của Đảng phải được trí thức hóa. Để trí thức hóa đội ngũ cán bộ, không thể chỉ trông chờ vào trường lớp, và dẫu có qua trường lớp cũng chưa phải là đủ. Cần hướng quá trình đào tạo cán bộ thành quá trình tự đào tạo của mỗi người.Trong các loại hình đào tạo, không có loại hình nào sâu hơn, bền vững hơn, thiết thực hơn là hình thức tự đào tạo.

 

Hiện nay, nhiều cán bộ nói chung, cán bộ đảng nói riêng, không chú ý đến việc tự học; họ lười đọc sách đã đành, đến báo Đảng, tạp chí Xây dựng Đảng họ cũng không đọc (chưa nói đến phải nghiên cứu). Đấy thật sự là một nguy cơ. Vẫn biết, trí thức hóa đội ngũ cán bộ là việc cần có thời gian, không thể nóng vội, nhưng phải có việc làm cụ thể, bước đi cụ thể, không thể “bèo dạt, mây trôi”. Nên chăng, ở các cấp thay vì lựa chọn cán bộ theo kiểu “cảm tính, cảm tình”, cũng nên có bước đột phá, tôn vinh trí tuệ lên hàng đầu (tất nhiên phải có đức) trong việc lựa chọn, bố trí cán bộ làm công tác Đảng…

 

Với những nội dung kết hợp trong “nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách” như “ xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ…” và “Ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân với cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp…” (NQ TW4), thiết nghĩ nếu thêm vào đó là có sự tôn vinh tiếng nói của lực lượng nòng cốt trong dân, như các bậc lão thành cách mạng, lực lượng cán bộ trung, cao cấp nghỉ hưu, lực lượng cựu chiến binh và lực lượng người cao tuổi thì chắc chắn “nhóm giải pháp về tổ chức cán bộ và sinh hoạt Đảng” sẽ góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu mà NQ TW4 đề ra.