Trao đổi xung quanh “Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng”

16:37, 28/06/2012

Qua hơn 80 năm lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, ở giai đoạn cách mạng nào Đảng ta cũng đặc biệt chú ý công tác giáo dục chính trị, tư tưởng (GDCTTT) nhằm giác ngộ cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc của quần chúng nhân dân.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng nhờ làm tốt công tác GDCTTT mà Đảng ta đã huy động tối đa sức người, của cải vật chất của cả dân tộc cho tiền tuyến; cũng vì thế mà có thời gian, công tác tư tưởng được coi là “thống soái”. Để tìm hiểu cặn kẽ vấn đề này, với tư cách là một giải pháp, lẽ ra cần hiểu đôi nét về các khái niệm “chính trị” và “tư tưởng”,  nhưng sẽ là khó trong một bài viết ngắn. Tuy nhiên, vẫn phải nêu ra một thực tế là hiện nay, nhận thức về công tác GDCTTT của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng đang còn ít nhiều mơ hồ, thậm chí sai lệch. Mỗi khi có yêu cầu kiểm điểm về chính trị, tư tưởng, không biết từ bao giờ người ta cứ theo nhau viết: “Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm mọi đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kiên định con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn…”. Viết thế là không sai, nhưng không trúng. Tư tưởng không phải là cái được “dán” vào từ bên ngoài, chỉ cần thông thạo “vài đường cơ bản” là khắc có tư tưởng. Mà tư tưởng vốn là sản phẩm của hoạt động tư duy nghiêm túc, trên cơ sở hiểu vấn đề đặt ra một cách thấu đáo. Tư tưởng là vận động tự thân của mỗi người, gắn với định hướng của tổ chức…

 

“Nhóm giải pháp về công tác GDCTTT” có ý nghĩa quan trọng rất đặc thù, bởi nó là “phần hồn” chỉ đạo, chi phối hành vi của con người. Để nhóm giải pháp này trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay” (NQTW4) phát huy hết tác dụng, tôi xin có đôi điều trao đổi.

 

Thứ nhất, trong quá trình tổ chức quán triệt NQTW4 lần này nên coi trọng việc tự tìm hiểu, tự nghiên cứu của mỗi cán bộ, đảng viên (trên cơ sở một đề cương gợi ý đối với mỗi cấp, mỗi đối tượng); có hình thức trao đổi, mạn đàm, nêu tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc, khó khăn, liên hệ với đơn vị, địa phương;  sau đó tổ chức giải đáp với quy mô thích hợp tùy theo mỗi địa phương, đơn vị. Qua đó làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu thật sâu mục đích, yêu cầu, nội dung của NQTW4,  tự xây dựng chương trình hành động, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị để góp phần thực hiện thắng lợi NQ bằng những việc làm, hành động cụ thể…

 

Hai là, cùng với việc triển khai NQTW4, cần tổ chức thông tin cho cán bộ, đảng viên về một số kiến thức bổ trợ có liên quan. Sự hiểu biết này chẳng những giúp tăng sức đề kháng trong tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn giúp họ có thêm “vốn liếng” khi tuyên truyền, vận động quần chúng, hay lúc phải đối mặt với những luận điệu của các phần tử xấu. Mục tiêu của nhóm giải pháp này phải chăng là quy tụ những luồng tư tưởng khác nhau (sau khi đã loại bỏ yếu tố độc hại) về một hướng tích cực, phục vụ tiến trình thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đề ra…

 

Ba là, công tác GDCTTT phải đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với công tác tổ chức, quản lý, với hệ thống cơ chế, chính sách thích hợp. Bởi, cơ chế, chính sách thích hợp thì tư tưởng được phát huy; cơ chế, chính sách lạc hậu thì tư tưởng trì trệ. Đặt tư tưởng trong những mối liên hệ hữu cơ với các mặt công tác khác sẽ giúp chúng ta “tránh nhận thức sai lệch, hiểu lầm, ngộ nhận, không để các thế lực thù địch chống đối, lợi dụng kích động, làm mất ổn định chính trị” (NQTW4); đồng thời tránh được ảo tưởng, nôn nóng về một sự thay đổi mau lẹ duy ý chí, xây dựng niềm tin có cơ sở vào một tương lại tốt đẹp hơn…

 

Bốn là, các nhà tư tưởng lão thành thường hay nói tới hai trạng thái mà công tác GDCTTT phải đặc biệt quan tâm, đó là trạng thái dồn nén cảm xúc và sự bùng nổ của số đông im lặng - đây là “con dao hai lưỡi”, muốn giành thắng lợi thì phải nắm được chuôi. Công tác GDCTTT hiện nay khó hơn trong thời kỳ kháng chiến. Trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, công tác này đạt hiệu quả cao hay thấp phụ thuộc một phần rất quan trọng vào vai trò của người đứng đầu. Quần chúng không chỉ muốn nghe, họ còn muốn nhìn qua thực tế việc làm của những người xung quanh và muốn nhận được sự quan tâm. Người đứng đầu gương mẫu, nói đi đôi với làm, có lối sống trong sáng, dám “đồng cam cộng khổ”, chia sẻ vui - buồn với quần chúng…thì sẽ tạo nên sức mạnh để “biến cái không thể thành có thể” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

 

Hiệu quả của công tác GDCTTT còn phụ thuộc vào chất lượng của công tác tuyên giáo. Ngày nay, trình độ dân trí đã có những thay đổi lớn so với những năm trước đây, nếu công tác tuyên giáo không được đổi mới, cán bộ tuyên giáo không có sự hiểu biết sâu sắc vấn đề đặt ra, không gương mẫu trong lối sống, lại thiếu cẩn trọng khi đăng đàn thì sẽ “lợi bất cập hại”…

 

Rõ ràng, một khi công tác GDCTTT được hiểu và thực hành một cách sắc sảo và nhạy bén theo một chuẩn mực thì tin chắc nó sẽ góp phần to lớn để sớm đưa NQ của Đảng vào cuộc sống.