Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

10:10, 21/07/2012

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19/12/1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ, ngày 16/2/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

Cũng trong thời gian này, tại một cuộc họp ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn huyện Đại Từ  (Thái Nguyên), các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương hội Phụ nữ cứu Quốc, Trung ương Đoàn thanh niên cứu Quốc, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã nhất trí theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục - Quân đội Quốc gia Việt Nam chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là ngày thương binh toàn quốc.

 

Chiều 27/7/1947, “Ngày thương binh toàn quốc” đầu tiên được mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn tổ chức tại xã Hùng Sơn  huyện Đại Từ, nghe đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi Ban Tổ chức Ngày thương binh toàn quốc. Trong thư Người viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu… vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

 

Ngày thương binh đầu tiên cũng được tổ chức ở một số tỉnh phía Nam, đặc biệt là thành phố Sài gòn. Tuy đang bị địch tạm chiếm và đàn áp, khủng bố gắt gao nhưng đồng bào đã tổ chức theo cách riêng của mình. Đến ngày đó các cửa hàng đàng mình đều đóng cửa nửa ngày và cũng trong thời gian đó không ai ra đường để biểu thị thái độ bất hợp tác với địch.

 

Từ tháng 7/1955, Ngày Thương binh được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8.7.1975 của Ban Bí thư TW Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” của cả nước.

 

Dù bận nhiều công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thương binh, liệt sỹ. Người khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.

 

Người luôn nhắc nhở toàn đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ, những người đã hy sinh tính mệnh hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

 

Bác Hồ luôn đánh giá rất cao công lao, thành tích của các thương binh liệt sĩ, gia đình quân nhân, những cá nhân và gia đình có công với cách mạng bởi họ đã “Làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”. Với tình cảm chân thành, lòng biết ơn đối với thương binh liệt sĩ, ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành “Thông cáo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” như một chính sách của Nhà nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm, lòng nhân ái của Người.

 

Hàng năm cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang, và Người trích một tháng lương Chủ tịch nước của mình tặng các đồng chí thương binh, ngay cả những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng Bác, Bác đều tặng lại các đồng chí thương binh. Người luôn khẳng định ý nghĩa cao cả của ngày 27/7, bởi vì đó là “một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”.

 

Không chỉ trực tiếp thăm hỏi, động viên, quan tâm đến thương binh liệt sỹ, Bác còn nhắc nhở các ban ngành, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương phải luôn quan tâm đến thương binh, gia đình liệt sĩ. Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đặc biệt là đối với các thương binh đã hết nghĩa vụ ở chiến trường, để đảm bảo cho họ có nơi ở mới, có cuộc sống ổn định, Người đã đề xuất phong trào “Đón thương binh về làng” và căn dặn chính quyền địa phương phải “Trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của những đồng bào có hằng tâm, hằng sản, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã chung sức phá vỡ một số đất mới để giúp thương binh”.

 

Người luôn quan tâm, theo dõi sát sao, đôn đốc phong trào. Người đề nghị chính quyền và nhân dân bảo nhau đến làm giúp những công việc như gánh nước, kiếm củi, lợp nhà, tát nước, cào cỏ, xới ngô, xới đỗ, đến mùa thì gặt hái... cho các thương binh và gia đình liệt sĩ. Bác còn khuyên các cháu thiếu nhi lập phong trào Trần Quốc Toản để giúp đỡ gia đình bộ đội và thương binh.

 

Bên cạnh đó, Người luôn động viên, khuyến khích thương binh sớm hòa mình vào cộng đồng, tham gia sản xuất với tinh thần “Đã là quân nhân cách mạng thì bao giờ cũng phải là chiến sĩ anh dũng. Khi ở trại thì anh em nên thi đua học tập và công tác. Lúc ra trại thì nên hăng hái tham gia công tác sản xuất ở địa phương, ở cơ quan”. Và người phấn khởi nhận thấy “Trong năm qua, các gia đình liệt sĩ và anh em thương binh, bệnh binh đã đóng góp khá nhiều vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người vui mừng khi thấy những thành quả phát triển kinh tế trong đó có nhiều tập đoàn sản xuất của thương, bệnh binh, các cá nhân thương, bệnh binh đã đem hết sức lực và khả năng của mình để tăng gia sản xuất góp phần xây dựng đất nước.

 

Trước lúc đi xa, người không quên căn dặn trong Di chúc: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình...Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ mỗi địa phương...cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương...phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

 

Ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thương binh liệt sĩ những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt nhất. Lúc nào và bao giờ cũng vậy, tình cảm bao dung, che chở của Người không chỉ thể hiện bằng những lời kêu gọi mộc mạc, chân thành, giản dị, xúc động lòng người mà còn thể hiện bằng những hành động cụ thể hằng ngày đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.