Giải pháp bền vững nhất cho vấn đề này sẽ phải đạt được thông qua đối thoại và thỏa thuận giữa các bên.
Những căng thẳng xung quanh các tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn nhau tại Biển Đông là vấn đề nóng tại các cuộc gặp ở Phnompenh, đặc biệt là tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra vào cuối tuần này, với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Ngay trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 45 (ngày 9/7), Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thúc giục các đại biểu “tập trung” thảo luận để tiến tới một bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), mà trong đó sẽ đề ra những chỉ dẫn để giải quyết các tranh chấp xung quanh một loạt các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mâu thuẫn lẫn nhau giữa một số quốc gia thành viên.
Gần đây Biển Đông lại dậy sóng với việc cả Việt Nam lẫn Philippines đều tố cáo Bắc Kinh có những hành vi “quá khích”. Cụ thể, Trung Quốc không ít lần đẩy căng thẳng với Philippines ở vùng biển quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham lên mức đỉnh điểm, đồng thời liên tiếp có các hành động phô trương sức mạnh hù dọa các nước mà Bắc Kinh đang cố tình tranh chấp chủ quyền trên biển.
Manila đang đi đầu nỗ lực thúc giục ASEAN đoàn kết lại để thuyết phục Trung Quốc chấp thuận một bộ quy tắc ứng xử, song Bắc Kinh lại thiên theo hướng tiếp cận đàm phán riêng lẻ với từng nước tuyên bố chủ quyền.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình diễn biến phức tạp xảy ra gần đây trên Biển Đông; nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật biển của LHQ (UNCLOS) 1982.
Các vụ việc này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982 và trái với tinh thần DOC, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực.
Phát biểu trước các Ngoại trưởng ASEAN, Thủ tướng Hun Sen nói rằng, việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông là mục tiêu chính của Hiệp hội ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên.
Các quan chức ngoại giao ASEAN vẫn đang tranh cãi về cách thức xử lý vấn đề Biển Đông mà không “chọc giận” Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng thời là đối tác thương mại chủ chốt của nhiều nước Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Mỹ Clinton trước đó (ngày 8/7) đã hối thúc các bên đạt tiến triển trong việc soạn Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh dự kiến sẽ phủ bóng đen lên ARF, tiếp theo việc Mỹ gần đây mở rộng quan hệ quân sự với một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
Mạng Tin tức châu Á (Asia News Network) dẫn lời Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan ngày 9/7 cho biết, cả ASEAN và Trung Quốc đều cam kết xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông.
Trong cuộc họp báo cuối ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã khẳng định với các phóng viên rằng Hiệp hội có thể tạo ra tiến bộ trong xử lý tranh chấp.
“Tôi nghĩ rằng rốt cuộc thì giải pháp bền vững nhất cho vấn đề này sẽ phải đạt được thông qua đối thoại và thỏa thuận giữa các bên. Hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN đều liên quan tới tuyên bố/ phản đối chủ quyền tranh chấp lãnh thổ. Những gì mà ASEAN đang cố gắng làm là kiềm chế, kiểm soát xung đột tiềm tàng có thể tác động tới ổn định và an ninh trong khu vực”, ông Surin Pitsuwan nói./.