Tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, mặc dù trải qua hơn 7 thập kỷ, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông những năm 1938-1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến to lớn cho Đảng và dân tộc trên cả hai phương diện: Lý luận và thực tiễn.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là người thuờng xuyên chăm lo công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự đoàn kết, thống nhất. Tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng của Tổng Bí thư, mặc dù trải qua hơn 7 thập kỷ, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là người kiên quyết đấu tranh với các trào lưu tư tưởng cải lương, cơ hội. Với tác phẩm “Tự chỉ trích” và hàng chục bài viết khác dưới bút danh “Dân chúng”, “Trí Cường”, “Trí Thành”… Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã làm sống lại tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng và trong hàng ngũ những người cách mạng, góp phần để Đảng ta kịp thời đấu tranh, uốn nắn với những sai lệch về tư tưởng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, theo quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ lợi ích của Đảng, của cách mạng để hướng tới sự thống nhất đội ngũ của Đảng.
Quan điểm chủ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ về tự phê bình và phê bình trong Đảng phải với một thái độ thẳng thắn, trung thực, khách quan, hướng tới mục tiêu đoàn kết, thống nhất trong Đảng vì lợi ích chung của Đảng và sự nghiệp cách mạng, chứ không phải vì động cơ cá nhân, không phải để dẫn tới sự chia rẽ, phân liệt trong Đảng. Và đồng chí cho rằng: Mỗi một đồng chí, đảng viên phải tự thấy những sai lầm, khuyết điểm của mình và tự mình phải sửa chữa trước tiên.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đặc biệt khi đảm đương cương vị cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ luôn nêu cao tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; kiên quyết đấu tranh với những trào lưu, tư tưởng sai trái, lệch lạc, chia rẽ, bè phái, cục bộ, hẹp hòi, nhằm giữ vững mục tiêu, đường lối của Đảng.
Mang đậm tính đấu tranh, song theo PGS.TS Đức Vượng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư ký khoa học - Hội đồng Lý luận Trung ương, tinh thần phê bình và phương pháp phê bình của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cũng thấm đẫm tính văn hóa và nhân văn.
PGS.TS Đức Vượng nói: “Đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng, với những phần tử cải lương thì Đảng phải biết phân biệt từng hạng người trong các phần tử đó, để lọc ra ai có thể tranh thủ được thì tranh trủ, ai có thể lôi kéo được thì lôi kéo, không nên bỏ tất cả vào một rọ. Theo Tổng Bí thư, phê bình chỉ có thể được tiếp thu khi nó mang tính chất chiện chí, cải tạo. Thái độ đối với tự phê bình và phê bình là sự thành thật và sự tiếp thu một cách đúng đắn và đáp lại một cách thiết thực”.
Mục đích của phê bình là làm cho Đảng mạnh hơn, và quan điểm này hoàn toàn có giá trị thực tiễn đối với Đảng trong các giai đoạn cách mạng. Thực tế hơn 80 năm qua cho thấy trong quá trình xây dựng, Đảng ta đã nhiều lần tiến hành tự phê bình, phê bình như tự chỉ trích của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; hay trong cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng ra nhận khuyết điểm trước Đảng, trước nhân dân…
Hiện nay, tự phê bình và phê bình tiếp tục được Đảng ta vận dụng trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa 6, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 nhấn mạnh vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cấp trong “phê và tự phê”, và phải làm thường xuyên, thực chất, tránh hình thức như bấy lâu nay.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói: “Phê bình và tự phê bình phải vượt lên được quan hệ tình cảm, bao che, để nắm vững vị trí chiến đấu thì mới có hiệu quả, chứ cứ làm nhẹ nhàng, hình thức, không đến nơi đến chốn như lâu nay thì rất khó. Lân này, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra nhiều giải pháp mà trước hết là nêu cao sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp, và phải làm từ trên xuống thì tin chắc rằng sức mạnh của tổ chức sẽ kiểm tra, giám sát và đấu tranh vạch rõ sai trái của cán bộ, đảng viên; còn ai đó vẫn cố ý làm trái thì phải xử lý theo pháp luật và kỷ luật Đảng thật nghiêm minh”.
Là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã quyết tâm đẩy mạnh thực hiện đấu tranh tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), coi đây là khâu mấu chốt nhất và có thể làm ngay mà không cần chờ cơ chế, chính sách.
Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Bắc Ninh, ông Nguyễn Sỹ cho biết, hiệu quả bước đầu của việc tự phê bình và phê bình đó là nâng cao nâng nhận thức của mỗi cấp ủy, đơn vị địa phương đều nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, chăm lo cho nhân dân và phát huy dân chủ trong Đảng, trong nhân dân. Mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu đã tự soi mình theo tinh thần “Tự chỉ trích” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Nghị quyết Trung ương 4 để tự kiểm điểm mình có những hạn chế, thiếu sót gì để tự sửa chữa”.
Tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Triển khai thực hiện Nghị quyết này, chúng ta càng thấm thía những ý kiến mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ từng nhấn mạnh: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra những lầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng thỏa hiệp, làm như thế không phải là làm yếu Đảng mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ”./.