Công tác dân vận hướng về cơ sở

09:50, 24/07/2012

Cán bộ dân vận sâu sát với cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, huy động sức dân để xây dựng dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới là những biện pháp huyện Phú Bình đã và đang áp dụng để thực hiện có hiệu quả về công tác dân vận trong thời gian qua.

Tháng 3 vừa qua, xóm Trạng Đài, xã Tân Kim đã huy động sức dân để tự đổ bê tông toàn bộ các tuyến đường trong xóm với tổng chiều dài trên 2,5km. Tổng số tiền nhân dân đóng góp là hơn 800 triệu đồng (trong đó tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm là gần 400 triệu đồng). Ngoài ra, 83 hộ dân trong xóm còn đóng góp hơn 1 nghìn ngày công lao động và chủ động một phần cát sỏi để thi công công trình. Bà Ngô Thị Minh, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Cách làm của Trạng Đài là bắt đầu từ Nghị quyết Chi bộ, xóm tổ chức họp công khai toàn bộ các hộ dân để cùng bàn bạc và lấy ý kiến. Ban đầu, xóm huy động đóng góp mỗi nhân khẩu 200 nghìn đồng để làm 2 tuyến đường trục chính. Đối với những tuyến nhánh, các gia đình có đường đi qua tự đóng góp và chủ động vật liệu, xóm huy động toàn bộ nhân dân cùng đến thi công rồi tiếp tục thực hiện các nhánh khác.

 

Theo Bà Minh: “Kinh nghiệm huy động sức dân hiệu quả chính sự sâu sát của đội ngũ cán bộ để vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Khi triển khai thực hiện phải công khai minh bạch, với mục đích cuối cùng là phục vụ lợi ích của nhân dân. Với các nguồn ủng hộ, xóm đều ghi chép cụ thể, thông báo trên loa truyền thanh để cảm ơn và niêm yết công khai ở nhà văn hóa”.

 

Theo ông Phạm Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy xã Tân Kim: Ngoài làm đường bê tông ở xóm Trạng Đài, trong năm 2012, xã Tân Kim còn thi công 2 tuyến đường sau khi đã hoàn thành việc vận động nhân dân hiến đất và tài sản để có mặt bằng sạch. Tuyến đường từ Trường Tiểu học xã đi Đèo Khê, hơn 100 hộ dân đã hiến 12,7 nghìn m2 đất nông nghiệp, phá bỏ 180 m tường rào. Tuyến đường cấp phối Ba Mỏ đi Kim Đĩnh dài 2,5km, 46 hộ dân đã hiến hơn 6 nghìn m2 đất. Tất cả các công trình đều hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) trong thời gian ngắn. Làm được điều này là do xã chú trọng công tác tuyên truyền và vận động để người dân hiểu ý nghĩa của phát triển giao thông. Đối với các ban vận động GPMB ở các xóm, xã chủ trương mời những hộ tự nguyện hiến nhiều đất tham gia, vừa làm gương vừa giúp cho việc vận động thuận lợi hơn.

 

Đối với xã Tân Khánh, một trong bốn xã điểm xây dựng nông thôn mới của Phú Bình, công tác dân vận cũng được tập trung vào huy động sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong năm 2012, xã sẽ làm hơn 2 km đường bê tông ở 4 xóm là: xóm Cà, xóm Tre, Cầu Ngầm và Na Ri. Ngoài hỗ trợ xi măng và 50 triệu đồng cho mỗi xóm, người dân phải chủ động mặt bằng, cát sỏi và đối ứng tiền. Đến nay, toàn bộ các xóm đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và làm nền, bắt đầu thu tiền đối ứng. Theo ông Vũ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã: Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các biện pháp chỉ đạo và tuyên truyền, mỗi xóm đều có cách làm riêng để huy động sức dân như: Thu tiền đối ứng theo từng đợt, miễn giảm cho các hộ nghèo và người già, hỗ trợ các gia đình mất đất và tài sản nhiều để dựng lại các công trình…

 

Ông Nguyễn Văn Dong, Trưởng ban Dân vận huyện Phú Bình cho biết: Điển nhấn trong công tác dân vận của huyện thời gian qua là hướng mạnh với cơ sở để tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, huy động sức dân thực hiện hiện các công trình tập thể. Ban Dân vận Huyện uỷ đã tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn thực hiện có hiệu quả phong trào gắn với các mô hình dân vận khéo tại cơ sở. Nhờ vậy mà nhiều công trình, dự án xây dựng trên địa bàn đều được nhân dân hướng ứng, đồng thuật cao. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng năm nay, huyện đã hoàn thiện hồ sơ thu hồi, giao đất cho Công ty CP Thương mại TNG với diện tích trên 41 nghìn m2; kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu dân cư số 2 thị trấn Hương Sơn với diện tích gần 70 nghìn m2; bàn giao đất cho các công trình Trạm Y tế Thượng Đình, Trường Mầm non Điềm Thụy…

 

Một giải pháp nữa với công tác dân vận là quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và nâng cao hiểu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể với công tác dân vận. Nhờ vậy những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống, trong nội bộ nhân dân luôn được các địa phương giải quyết kịp thời, các vấn đề xã hội tồn tại lâu năm được giải quyết dứt điểm. Đơn cử, việc tổ chức đám tang, đám giỗ ở nhiều xã như: Nga My, Tân Đức.. trước đây thường rất rườm rà, tốn kém về kinh tế. Được sự chỉ đạo của cấp trên, Ban Dân vận, Ủy ban MTTQ cấp xã đã chủ động xây dựng kế hoạch cùng với đại diện các đoàn thể thường xuyên bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo nếp sống văn minh. Đảng ủy các xã cũng chỉ đạo các thôn xóm đưa xây dựng quy định về thời gian tổ chức, không mời khách ăn uống trong lễ tang vào hương ước, quy ước chung. Trong phong trào này, cán bộ, đảng viên và những người có uy tín trong cộng đồng tiên phong gương mẫu thực hiện trước đề người dân noi theo. Sau một thời gian ngắn, tập tục này đã cơ bản được xóa bỏ.

 

Theo ông Nguyễn Văn Dong: Tiếp tục hướng mạnh công tác dân vận về cơ sở, năm 2012 này, Phú Bình là địa phương duy nhất của tỉnh thực hiện chế độ giao ban ngay tại các xã, thị trấn gắn với việc thăm quan, học tập các mô hình dân vận khéo. Đến nay, huyện đã thực hiện giao ban được tại 2 xã là Đồng Liên và Điềm Thụy, 2 điển hình về giải phóng mặt bằng và xây dựng điểm về nông thôn mới. Phát huy hiểu quả của công tác dân vận để củng cố xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể, lấy ý kiến của quần chúng nhân dân để tham gia đóng góp cho cán bộ lãnh đạo theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”.