Đưa đồng đội về với đất mẹ

13:53, 27/07/2012

“Mỗi lần tìm thấy hài cốt đồng đội, niềm vui, nỗi buồn cứ xen lẫn trong tâm trí chúng tôi. Vui vì giọt mồ hôi chúng tôi đổ ra không vô nghĩa. Buồn vì còn nhiều đồng đội vẫn nằm lại trên đất bạn, chưa được trở về lòng đất mẹ yêu thương...”. Đó là nỗi niềm của hai cựu chiến binh (CCB) Dương Mạnh Việt và Vũ Đình Minh - nguyên là chiến sĩ Bộ Tư lệnh 959 thuộc Đơn vị Quân tình nguyện và Chuyên gia Quân sự Việt Nam giúp Lào. Trong suốt thời gian gần 40 năm, họ đã cùng các đồng đội sang nước bạn Lào tìm hài cốt liệt sĩ.

Thắp ba nén hương lên mộ con, mẹ Nguyễn Thị Tý, xóm Cao Khánh, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) đã gần 90 tuổi đưa tay lau nước mắt xúc động: “Ai cũng một lần sinh ra rồi trở về với ông bà, tổ tiên, nhưng mẹ rất tự hào vì hai con trai của mẹ đã hy sinh vì hòa bình...”.

 

Sinh được 9 người con, 5 trai, 4 gái, trong đó có 3 con trai đi bộ đội. Năm 1971, mẹ Ty nhận được giấy bảo tử của đơn vị gửi về, con trai Nguyễn Văn Kỳ, hy sinh tại chiến trường Lào khi vừa tròn 20 tuổi. Đến năm 1975, mẹ lại gạt nước mắt lần thứ hai khi nhận được giấy bảo tử con trai Nguyễn Tiến Du, hy sinh tại mặt trận phía Nam Tổ quốc khi mới 21 tuổi. Hạnh phúc và đau khổ khi mẹ được “ôm” hài cốt của con trai Nguyễn Văn Kỳ do Đội quy tập mộ liệt sĩ Việt Nam tại Lào bàn giao cho gia đình vào năm 1974. Mẹ nói: “Nếu không có các anh trong Đội quy tập thì không biết bao giờ anh Kỳ mới được về với người thân, với quê hương. Gia đình mẹ biết ơn vô cùng. Nhưng, hiện nay anh Du vẫn chưa tìm thấy. Mẹ chỉ có một ước nguyện trước khi “hai tay buông xuôi” được nhìn thấy di cốt con, được tận tay cắm lên mộ con nén hương...”.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Kỳ là một trong gần 2 nghìn liệt sĩ được hai CCB Dương Mạnh Việt, xã Cát Nê, (Đại Từ) và Vũ Đình Minh, xóm Đồng Nghạnh, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cùng các thành viên trong Đội quy tập mộ liệt sĩ Việt Nam tại Lào đưa về quê hương năm 1974. CCB Dương Mạnh Việt cho biết: Năm 1969, nhập ngũ, sau thời gian huấn luyện, tôi được bổ sung vào mặt trận Sầm Nưa, Siêng Khoảng, Luông Pha Băng. Trong thời gian từ năm 1970 đến 1972, tôi tham gia 8 trận đánh tập kích vào đơn vị của địch. Tháng 6 năm 1972, tôi được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân. Năm 1974, đơn vị nhận lệnh đi quy tập liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở Lào để đưa về nước.

 

Là người giỏi quan sát, thông thạo địa hình nên ông Dương Mạnh Việt được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ thiết lập hồ sơ các nghĩa trang liệt sĩ, dẫn đường các đơn vị đi quy tập, đồng thời trực tiếp chỉ huy Đội 62 quy tập liệt sĩ ở các nghĩa trang nằm sâu trong nước bạn. Trong năm 1974, CCB Dương Mạnh Việt và đồng đội đã quy tập được gần 2 nghìn hài cốt liệt sĩ, trong đó có 46 liệt sĩ quê ở Bắc Thái (Thái Nguyên). Đơn cử như các liệt sĩ: Dương Đình Chiến, Nguyễn Ngọc Dinh, Nguyễn Xuân Bể (Thị xã Sông Công); Hoàng Văn Chẩn, Tăng Văn Sinh (huyện Đại Từ); Đỗ Minh Tâm (Định Hóa); Lương Văn Sâm (Phổ Yên)...

 

Năm 1981, đồng chí Dương Mạnh Việt chuyển ngành về công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên. Sau khi về hưu năm 1995, đồng chí Việt tham gia Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào huyện Đại Từ. Năm 2012, đồng chí được bầu làm Phó Trưởng Ban Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên.

 

Để tiếp tục công việc tìm mộ đồng đội, tháng 8 năm 2011, đồng chí Việt cùng các thành viên trong Đội quy tập mộ liệt sĩ Việt Nam tại Lào (Ban công tác đặc biệt của Chính phủ Việt Nam), Đội quy tập mộ liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa và chính quyền tỉnh Hủa Phăn (Lào) đi khảo sát tại cụm cứ điểm sân bay Na Khằng, huyện Viên Thoong và khu vực huyện Húa Mường. Đội đã tìm thấy 37 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có 21 bộ được chôn tập thể tại đồi Củ Khoai, sân bay Na Khằng. Sau đó, Đội đã tìm kiếm được thêm 9 bộ hài cốt liệt sĩ tại huyện Húa Mường. Ngoài ra, bằng trí nhớ của mình, trong các năm (2009, 2010 và 2011), đồng chí Việt còn cung cấp vị trí cho Đội quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa tìm được trên 400 bộ hài cốt liệt sĩ.

 

CCB Vũ Đình Minh nhớ lại: “Đường đi xa xôi, hiểm trở, nhiều rắn độc, thú dữ, bom mìn còn sót lại... nhưng những gian nan đó vẫn chưa là gì so với sự hi sinh xương máu của các đồng đội để sau đó bao thế hệ được sống trong hoà bình. Mừng đến rơi nước mắt mỗi khi chúng tôi tìm được một bộ hài cốt của đồng đội. Nhẹ nhàng dùng tay lần trong thớ đất tìm từng lóng xương, cho kẻo đau đồng đội. Biết bao giọt nước mắt của chúng tôi đã nhỏ xuống khi chứng kiến những di vật được chôn theo hài cốt liệt sĩ. Vừa làm chúng tôi vừa khóc, đồng đội có người vừa cưới vợ hôm trước, hôm sau đã lên đường ra trận rồi vĩnh viễn không về, chưa kịp có với nhau một mụn con. Có người còn chưa một lần biết yêu, được yêu. Bao năm vùi xác thân lạnh lẽo nơi đây, không một ai viếng thăm, không một nén hương tàn...”. 

 

Những câu chuyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khiến cho chúng tôi phần nào hình dung được những khó khăn, niềm vui và cả những chăn trở của hai CCB Dương Văn Mạnh và Vũ Đình Minh. Chia sẻ chút riêng tư của đời thường, đồng chí Minh tâm sự:  “Cũng như bao chàng trai khác, tôi lấy vợ nhưng niềm vui không trọn vẹn khi tôi không thể mang lại cho vợ cái gọi là thiên chức làm mẹ. Bởi, tôi đã bị nhiễm chất độc da cam khi chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Mang trong mình nhiều vết thương nhưng tôi luôn tâm niệm rằng, còn cống hiến được gì cho xã hội thì còn hoạt động. Do đó, khi nghỉ hưu ở Trạm Y tế xã năm 1980, năm 1999, tôi tham gia đại biểu HĐND xã và làm Phó Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Xuân kiêm Trưởng Ban Liên lạc Quân tình nguyện các xã phía Tây T.P Thái Nguyên cho đến nay”.

 

Lấy tiền của cá nhân mình cũng như chung sức cùng Đội quy tập để tìm hài cốt các liệt sỹ trên đất bạn Lào - đó là những việc mà hai CCB Dương Mạnh Việt và Vũ Đình Minh đã làm trong suốt thời gian qua. Hiện nay, các đồng chí vẫn tiếp tục công việc tham gia khâu nối, cung cấp thông tin vị trí mộ liệt sĩ cho đồng đội, cá nhân, tập thể, đơn vị. “...Các đồng đội của chúng tôi không ai còn phải nằm dưới đất bạn nữa, được người thân, tập thể cất bốc về quê hương, chăm nom, hương khói... Nhưng để làm được điều đó không đơn giản chỉ là nhiệt huyết tinh thần mà còn cần có kinh phí để chúng tôi trở lại chiến trường xưa tìm kiếm, cất bốc các liệt sĩ trở về quê hương”. Đó là mong ước và cũng là sự chăn trở lớn nhất của hai đồng chí Dương Mạnh Việt và Vũ Đình Minh.