Cách mạng tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, "không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống giặc xâm lược. Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống hoặc đổ máu trên các chiến trường.
Theo lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống "nhân ái, thủy chung" của dân tộc, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh. Đầu năm 1946, "Hội giúp binh sĩ bị nạn" ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác…
Sau đó ít lâu được đổi thành "Hội giúp binh sĩ bị thương". Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19- 12- 1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu ngày càng nhiều. Việc chăm sóc, phục dưỡng Thương binh liệt sĩ lúc này trở thành vấn đề quan trọng của kháng chiến. Trước yêu cầu cấp bách đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình tử sĩ, ngày 16- 2- 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.
Để chỉ đạo công tác thương binh liệt sĩ trong cả nước, ngày 26-2-1947, Phòng thương binh (thuộc Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam) được thành lập và đầu tháng 7-1947 Bác Hồ đã đồng ý cho thành lập Ban Vận động tổ chức "Ngày Thương binh toàn quốc”.
Cũng trong thời gian này, tại địa điểm xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp. Tại cuộc họp này, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ . Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7-1947 là ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc, là dịp để đồng bào "Tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh".
Vào đúng ngày 27- 7 -1947 đã diễn ra cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại cuộc mít tinh này, các đại biểu đã được nghe: ông Lê Tất Đắc, đại diện Chính trị Cục Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức "Ngày Thương binh toàn quốc Người viết: "... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu…”. “…Và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ nhưng người con anh dũng ấy”.
Trong lời kêu gọi nhân "Ngày Thương binh toàn quốc", ngày 27- 7- 1948, Hồ Chủ tịch viết: "... Thương binh và tủ sĩ đã hy smh cho Tổ quốc đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần ...".
Từ đấy, hàng năm đến ngày 27-7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lông giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Phát huy truyền thống yêu nước, nhớ nguồn, 65 năm qua, công tác thương binh, liệt sĩ luôn được quan tâm thực hiện trong cả nước với các tên gọi "Ngay Thương binh toàn quốc", "Ngày Thương binh, Liệt sĩ" và được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau (chiến tranh, hòa bình ở nửa đất nước, đất nước thống nhất cả nước tiến hành công cuộc đổi mới). Đặc biệt , mỗi năm đến "Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27- 7, trên đất nước ta lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống "hiếu nghĩa bác ái", lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.
Tỉnh Thái Nguyên có trên 1,2 triệu dân, trong đó đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng chiếm trên 10,3% dân số, trong đó gần 23.500 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng; trên 93.000 đối tượng người có công đã hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi một lần, hiện đang hưởng Chế độ ưu đãi về BHYT và chế độ mai táng phí khi qua đời. 5.173 người là con của người có công đang theo học ở các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước thuộc diện cần được quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng. 5 năm qua đã có 791 ngôi nhà tình nghĩa được xây mới; 240 ngôi nhà được tu sửa; 24.538 lượt thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ được điều dưỡng phục hồi chức năng;…
Trong những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở tỉnh ta đã phát triển sâu rộng, được toàn xã hội quan tâm, huy động được sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Phong trào đã và đang phát triển với các chương trình lớn như: Xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng và tu sửa Nghĩa trang, Đền, Đài, Bia ghi tên liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ, xây dựng "nhà tình nghĩa"; "phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; thăm, tặng quà và động viên kịp thời đối với đối tượng chính sách, người có công; chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, cùng nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực khác, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong toàn tỉnh.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác Thương binh, liệt và người có công với cách mạng, tôi đề nghị Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác đền ơn đáp nghĩa và truyền thống uống nước nhớ nguồn.
2. Quán triệt thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, quy định của Nhà nước. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi xã hội, giải quyết các tồn đọng và bất hợp lý, sửa chữa sai lệch trong việc thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng. Nhất là các nạn nhân chất độc da cam còn chưa được công nhận.
3 . Tiếp tục phát động sâu rộng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Xây dựng và nhân diện điển hình tiên tiến trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Phát hiện kịp thời, khen thưởng và nêu gương các tập thể, cá nhân làm tốt phong trào, nhất là những tấm gương thương binh, thân nhân liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng vượt khó vươn lên tạo dựng cuộc sống mới và đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.
4. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá việc chăm sóc thương binh liệt sĩ, người có công nhất, là về lao động, việc làm, nhà ở, chăm sóc y tế, giúp đỡ phương tiện đi lại, chăm lo đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần. Tập trung xây dựng và phát triển quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" trên cơ sở phát huy tinh thần "hiếu nghĩa bác ái", đề cao tình thương và trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực xã hội, coi trọng việc sử dụng Quỹ đúng đối tượng, dân chủ, công bằng, minh bạch. Trong quá trình vận động trân trọng sự đóng góp của mọi tổ chức, cá nhân, nhất là các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn...
(*) Đầu đề do Toà soạn đặt.