Một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào năm 1959

14:54, 18/07/2012

Nhiệm vụ chính của Ban Công tác giúp Lào là chủ động theo dõi nghiên cứu mọi diễn biến về Lào, qua đó đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương thực hiện kế hoạch viện trợ cho Lào.

Tháng 7 năm 1959

 

Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Lào quyết định phối hợp mở đợt hoạt động quân sự trong mùa mưa năm 1959

 

Tháng 7 năm 1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Lào quyết định phối hợp mở đợt hoạt động quân sự trong mùa mưa năm 1959, lấy Tiểu đoàn 2 Pathết Lào làm nòng cốt chiến đấu, chuyển từ đấu tranh công khai hợp pháp sang đấu tranh vũ trang trên toàn quốc, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giành lại chính quyền ở thôn, xã, vận động thanh niên tòng quân, xây dựng bộ đội chủ lực và phát triển lực lượng vũ trang địa phương, chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Đồng thời liên hệ đón số binh sĩ cũ của Tiểu đoàn 1 phân tán ở khu vực Xiêng Ngân ra vùng căn cứ, bổ sung quân số, khôi phục lại tiểu đoàn.

 

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đề xuất phương án hoạt động quân sự ở Lào

 

Tháng 7 năm 1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đề xuất phương án hoạt động quân sự ở Lào. Hướng chiến lược chủ yếu là Thượng Lào, lấy hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ làm căn cứ. Trung Lào là hướng hoạt động phối hợp, Hạ Lào thì xây dựng lực lượng chính trị, quân sự bí mật rồi tiến tới đấu tranh vũ trang. Phương châm hoạt động là kết hợp quân sự với chính trị, tác chiến tuyên truyền với xây dựng.

 

Ngày 2 tháng 7 năm 1959

 

Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhận định về tình hình Lào và đề ra chủ trương giúp cách mạng Lào xây dựng, phát triển lực lượng trong tình hình mới

 

Ngày 2 tháng 7 năm 1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhận định về tình hình Lào và đề ra chủ trương giúp Lào xây dựng, phát triển lực lượng trong tình hình mới. Về tình hình chính trị hiện nay ở Lào, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam nhận định: sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, âm mưu nhất quán của đế quốc Mỹ là tích cực can thiệp mọi mặt vào nội bộ của Lào để đi đến thay thế hẳn cho đế quốc Pháp, biến nước Lào thành một thành viên của khối xâm lược Đông Nam Á, một căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ, nhằm xúc tiến việc chuẩn bị chiến tranh chống miền Bắc Việt Nam...

 

Từ khi việc hợp tác giữa nhà vua với các lực lượng Pathết Lào được thực hiện thì phong trào yêu nước chống Mỹ của nhân dân Lào đã phát triển mạnh khắp cả nước, nhưng “có bề rộng mà chưa có bề sâu, ảnh hưởng cách mạng thì rộng nhưng tổ chức quần chúng thì yếu. Đảng Nhân dân mới thành lập cũng chưa kịp phát triển và củng cố hàng ngũ thành một lực lượng lãnh đạo vững chắc”.

 

Đặc điểm của tình hình chính trị hiện nay ở Lào là: “đế quốc Mỹ đã can thiệp sâu vào mọi mặt... của nước Lào. Từ ngày 11 tháng 5, Chính phủ Phủi Xánánicon, tay sai của đế quốc Mỹ bắt tay vào việc tiêu diệt hai tiểu đoàn Pathết Lào, giam lỏng các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt thì cục diện đã trở nên rất nghiêm trọng... Chúng đã gây ra nội chiến, làm cho sinh hoạt chính trị trong nội bộ nước Lào mất hết khả năng phát triển hòa bình”.

 

Về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào, Bộ Chính trị dự định: “nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào thì không thay đổi, nhưng trước tình hình mới, về sách lược đấu tranh thì cần chuyển từ hình thức đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu sang hình thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu, đồng thời kết hợp các hình thức đấu tranh khác”.

 

Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ của Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào là: tích cực ủng hộ cách mạng Lào phải được coi là một nhiệm vụ quốc tế hết sức quan trọng của Đảng và nhân dân Việt Nam..., là một công tác có ý nghĩa trọng đại đối với sự nghiệp củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước Việt Nam. Chúng ta cần phải thống nhất tư tưởng trong Đảng và trong cán bộ về tình hình và nhiệm vụ của cách mạng Lào, về nhiệm vụ quốc tế của Đảng Lao động Việt Nam đối với cách mạng Lào. Đối với miền Bắc Việt Nam, cần kiểm tra và tăng cường kế hoạch phòng thủ miền Bắc, đề phòng khả năng cách mạng Lào gặp khó khăn hơn, quân địch công khai lôi kéo nước Lào vào khối quân sự xâm lược Đông Nam Á, chúng có thể có những hành động khiêu khích đối với nền an ninh của Việt Nam; cần tăng cường ráo riết công tác củng cố và mở mang miền núi, nhất là Tây Bắc và Tây Khu 4, đặc biệt chú trọng vấn đề củng cố biên giới và xúc tiến việc mở mang hệ thống đường sá giao thông.

 

Từ nhận định trên, để giúp Lào xây dựng, phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Bộ Chính trị Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Đoàn cán bộ Việt Nam (Đoàn 959) giúp Lào xây dựng, phát triển Tiểu đoàn 2 thành ba tiểu đoàn (1, 2, 3). Quân số mỗi tiểu đoàn khoảng 200 người. Theo yêu cầu của Lào, Đoàn cán bộ Việt Nam cử ba tổ cán bộ đến giúp xây dựng ba tiểu đoàn, mỗi tổ có một đồng chí phụ trách và bộ phận cơ yếu, điện đài. Ngoài ra, Việt Nam còn giúp Lào bổ sung vũ khí, trang bị, quân trang, quân dụng và tổ chức huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật cho các đơn vị Pathết Lào.

 

Ngày 6 tháng 7 năm 1959

 

Thành lập Ban Công tác Lào

 

Ngày 6 tháng 7 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thành lập Ban Công tác Lào do các đồng chí Võ Nguyên Giáp làm trưởng ban, Nguyễn Khang làm phó ban, Nguyễn Chính Giao là ủy viên thường trực và một số ủy viên khác của ban như: Nguyễn Vịnh, Nguyễn Đức Dương, Lê Chưởng. Nhiệm vụ chính của Ban là chủ động theo dõi nghiên cứu mọi diễn biến về Lào, qua đó đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương thực hiện kế hoạch viện trợ cho Lào.

 

Ngày 11 tháng 7 năm 1959

 

Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo công tác củng cố miền Tây các tỉnh Liên khu 4 cũ

 

Ngày 11 tháng 7 năm 1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Chỉ thị số 147-CT/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác củng cố và mở mang miền Tây các tỉnh Liên khu 4 cũ. Về vị trí quan trọng của miền Tây, chỉ thị nhấn mạnh: miền Tây các tỉnh Liên khu 4 cũ gồm những địa bàn khá rộng, nói chung dân cư thưa thớt và thuộc nhiều dân tộc. Miền Tây có những tài nguyên phong phú hiện chưa phát hiện đầy đủ, lại có biên giới dài giáp với nước Lào.

 

Về nhiệm vụ củng cố miền Bắc, thực hiện chính sách dân tộc, phát triển kinh tế cũng như tăng cường quốc phòng, miền Tây có một vị trí rất quan trọng.

 

Trong thời gian qua, công tác miền Tây đã có những tiến bộ nhất định. Nhưng những tiến bộ ấy còn rất kém so với yêu cầu của nhiệm vụ củng cố và mở mang miền Tây. Các mặt kinh tế, văn hóa phát triển chậm; trình độ giác ngộ của nhân dân còn thấp; cơ sở đảng và chính quyền nhiều nơi còn yếu, nhất là ở một số vùng cao.

 

Hiện nay, tình hình chính trị ở Lào đang có những biến chuyển; cuộc vận động cách mạng của nhân dân Lào đang có những tiến triển mới. Bọn đế quốc Mỹ và tay sai ở Lào đang trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, gây ra nội chiến ở Lào, hòng biến nước Lào thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta càng phải tăng cường lãnh đạo đối với công tác miền Tây.

 

Các cấp ủy, các ngành cần có nhận thức đầy đủ đối với nhiệm vụ củng cố và mở mang miền Tây, tích cực tăng cường lãnh đạo, xúc tiến công tác ở miền Tây một cách toàn diện, có kế hoạch trước mắt và lâu dài; và ra sức thực hiện kế hoạch đó một cách khẩn trương hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

 

Ngày 15 tháng 7 năm 1959

 

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị phương hướng hoạt động quân sự và chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang giúp cách mạng Lào

 

Đầu tháng 7, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xác định giúp nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào: cần chuyển hình thức đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu sang hình thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu. Quán triệt tinh thần đó, ngày 15 tháng 7 năm 1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam dự kiến một số vấn đề về phương hướng hoạt động quân sự và xây dựng lực lượng vũ trang giúp cách mạng Lào.

 

Về phương hướng hoạt động quân sự: phương hướng chiến lược chủ yếu là ở Thượng Lào. Lấy lại hai tỉnh Phôngxalỳ và Sầm Nưa làm căn cứ, Trung Lào là hướng hoạt động phối hợp; ở Hạ Lào thì xây dựng lực lượng chính trị quân sự bí mật rồi tiến tới đấu tranh vũ trang.

 

Chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang đến cuối năm 1959 là: mỗi tỉnh có hai trung đội đến một đại đội; mỗi huyện có từ một tiểu đội đến một trung đội bộ đội địa phương; bộ đội chủ lực có từ ba đến năm tiểu đoàn ở cơ sở, tổ chức lực lượng du kích để hoạt động vũ trang tuyên truyền.

 

Chủ trương hoạt động trong mùa mưa là dùng lực lượng quân sự mở các đợt hoạt động vũ trang tuyên truyền, đánh nhỏ ở vùng sâu, vùng biên giới và vùng trọng điểm. Phương châm hoạt động là kết hợp quân sự với chính trị; tác chiến tuyên truyền với xây dựng.

 

Để giúp Lào hoạt động và xây dựng theo phương châm trên, cần trang bị súng cho lực lượng bộ đội chủ lực, cấp dưỡng hoàn toàn cho cơ quan lãnh đạo, cho bộ đội chủ lực, một phần cho bộ đội địa phương và giúp đỡ nhân dân Lào phát triển sản xuất để tự túc.

 

Ngày 18 tháng 7 năm 1959

 

Các đơn vị Pathết Lào trở về hoạt động chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng

 

Thực hiện chủ trương giúp Lào mở đợt hoạt động trong mùa mưa năm 1959, Tổng Quân ủy Việt Nam chỉ thị cho Quân khu Tây Bắc (nay là Quân khu 2) và Quân khu 4 cử một số đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn, phối hợp với các đơn vị Pathết Lào tiến công một số cứ điểm của địch ở sát biên giới Việt - Lào, sau đó chia thành ba bộ phận theo ba hướng trở về nước chiến đấu. Bộ phận thứ nhất gồm Tiểu đoàn 2, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào trực tiếp chỉ đạo; đồng chí Lê Chưởng, phụ trách Đoàn trưởng Đoàn cán bộ Việt Nam giúp Lào cùng đi với tiểu đoàn tiến từ Đông Nam Sầm Nưa lên vùng Đông Nam Xiêng Khoảng (hướng chủ yếu). Bộ phận thứ hai, gồm Tiểu đoàn 4, do đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Uỷ viên Trung ương Đảng Nhân dân Lào trực tiếp chỉ đạo, tiến từ Mương Xon - Bắc Sầm Nưa, Phôngxalỳ - Luổng Phạbang đến Xiêng Ngân (hướng thứ yếu). Bộ phận thứ ba do một đại đội của Tiểu đoàn 1 phụ trách từ Bắc đường 8 đến đường 12 - Khăm Muộn (hướng phối hợp). Các Tiểu đoàn 1, 2, 4 đều có một tổ chuyên gia và bộ phận điện đài đi cùng theo từng hướng.

 

Được sự hỗ trợ của các đơn vị Pathết Lào, nhân dân các địa phương đã nổi dậy đập tan ách kìm kẹp của địch, giải phóng các huyện Mương Xăm, Sằm Tớ, Mương Xon (tỉnh Sầm Nưa), Xốp Nao, Xốp Hùn (tỉnh Phôngxalỳ); Pạc Khao, Xốp Văn (tỉnh Luổng Phạbang), khu vực Xảm Chè (Xiêng Khoảng), vùng Khăm Cợt, Bolịkhăn (tỉnh Bolikhămxay), Na Pê, Na Hương, Lắc Xao (tỉnh Khăm Muộn).

 

Tháng 8 năm 1959

 

Ngày 5 và 8 tháng 8 năm 1959

 

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố về tình hình Lào

 

Ngày 5 tháng 8 năm 1959, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố khẳng định: chính đế quốc Mỹ là kẻ gây ra tình hình căng thẳng ở Lào và kêu gọi hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ, các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ 1954 có biện pháp khẩn cấp để Ủy ban quốc tế ở Lào hoạt động trở lại. Tiếp đó, ngày 8 tháng 8 năm 1959, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi công hàm cho hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ 1954 thông báo tình hình về Đông Dương, về bản thông cáo Lào - Pháp, trong đó đã thỏa thuận để cố vấn Mỹ huấn luyện quân đội Vương quốc Lào.

 

Từ ngày 18-8 đến 15- 9 năm 1959

 

Một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các đơn vị Pathết Lào mở đợt hoạt động thứ hai trong mùa mưa

 

Trong đợt hoạt động này, Tiểu đoàn 2 Pathết Lào cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đánh 40 trận, giải phóng thêm 13 điểm. Các tiểu đoàn 1, 2, 4 Pathết Lào và các đơn vị Việt Nam được lệnh chuyển sang vùng biên giới Việt - Lào, sau đó tập trung ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ để chấn chỉnh lực lượng. Lào đề nghị đoàn Việt Nam giúp xây dựng hai Tiểu đoàn 1 và 2 thành hai tiểu đoàn chủ lực mạnh, quân số mỗi tiểu đoàn từ 650 đến 700 người; đồng thời đề nghị Việt Nam viện trợ bổ sung vũ khí trang bị và cử các tổ chuyên gia giúp hai tiểu đoàn cả về quân sự, chính trị và chuyên môn kỹ thuật.

 

Tháng 9 năm 1959

 

Ngày 3 tháng 9 năm 1959

 

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam điện gửi Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc; Tiểu đoàn 800, Sư đoàn 330 và 316

 

1. Địch đang thu lượm tin, tài liệu để tố cáo Việt Nam xâm nhập Lào làm cớ cho Mỹ tăng cường can thiệp vào nội bộ Lào. Bộ yêu cầu: ngoài một số đồng chí Bộ đã chỉ định giúp các tổ công tác của Lào thì tại các hướng, tuyệt đối không được đưa thêm cán bộ, bộ đội, điện đài, vũ khí vượt biên sang Lào. Với số đã được chỉ định giúp Lào cũng phải bảo đảm thật an toàn, được bảo vệ chu đáo, tránh tiếp xúc với dân Lào, hạn chế tiếp xúc với bộ đội không trực tiếp chiến đấu, không được đem theo giấy tờ có liên quan tới Việt Nam. Số cán bộ không được chỉ định ở lại đều phải rút về Việt Nam, kể cả hỏa lực trợ chiến, tổ đặc công.

 

2. Phương thức hoạt động: phát động rộng rãi du kích chiến tranh, xây dựng cơ sở quần chúng, tổ chức quân du kích, bộ đội địa phương, không ham đánh đồn lớn ngay bây giờ; nếu thật cần thiết phải chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, do bộ đội Pathết Lào đánh.

 

Các khu giải phóng phía bắc và Tây Bắc Sầm Nưa phải nhanh chóng củng cố cơ sở quần chúng, củng cố dân quân du kích, bộ đội địa phương, chuẩn bị chống càn, đồng thời đưa các tổ vũ trang đi sâu vào lòng địch. Phía Mương Khỏa cũng phải phát triển hoạt động của các phân đội, tổ chức quần chúng.

 

Ngày 5 tháng 9 năm 1959

 

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam điện gửi đồng chí Nguyễn Đôn, Quân khu 4

 

Ngày 5 tháng 9 năm 1959, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam điện gửi đồng chí Nguyễn Đôn, Quân khu 4. Bức điện nêu rõ:

 

1. Sau khi Pathết Lào tấn công Sầm Nưa, địch điều quân đến Trung - Hạ Lào tăng cường cho Sầm Nưa. Hiện giờ địch rất hoang mang nhưng Mỹ vào, phản động Lào cũng đang muốn lợi dụng đưa quân miền Nam vào Thà Khẹc và Xavẳnnakhệt, mong muốn mở rộng chiến tranh. Tuy nhiên, ngay nội bộ đế quốc cũng không đồng ý.

 

2. Bàn với Lào quán triệt và chấp hành: rút hết đặc công và hỏa lực về nước, nơi nào đã phái đi cũng cần rút về ngay. Nhân lúc địch hoang mang, cần đẩy mạnh tinh thần chống Mỹ của nhân dân, tuyên truyền rộng rãi, triển khai đánh du kích, không nên đánh lớn. Tuyên tuyền nhân dân, bộ đội tích cực tăng gia sản xuất, tự túc lương thực. Chú trọng giúp Lào huấn luyện cán bộ.

 

Ngày 6 tháng 9 năm 1959

 

Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi điện về tình hình Lào

 

Ngày 6 tháng 9 năm 1959, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi điện cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Pháp về việc:

 

- Mỹ quyết định viện trợ quân sự khẩn cấp cho Vương quốc Lào.

 

- Vu cáo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Liên hợp quốc.

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu các nước trên có biện pháp để Ủy ban quốc tế ở Lào hoạt động trở lại.

 

Ngày 12 tháng 9 năm 1959

 

Bộ Quốc phòng Việt Nam ra quyết định thành lập Đoàn 959

 

Ngày 12 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra Quyết định số 446-QĐ/QP thành lập Đoàn 959 (còn gọi là Đoàn công tác miền Tây). Nhiệm vụ: làm chuyên gia về quân sự cho Quân uỷ Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào, tổ chức chi viện vật chất của Việt Nam cho cách mạng Lào và trực tiếp chỉ huy các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam hoạt động ở khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn. Thiếu tướng Lê Chưởng - Uỷ viên Ban công tác Lào phụ trách Đoàn cán bộ Việt Nam được cử làm đoàn trưởng kiêm bí thư Đoàn uỷ Đoàn 959. Đồng chí Đinh Văn Khanh là phó ban. Các đồng chí Lê Tiến Phục, Mai Văn Quang làm uỷ viên Đoàn uỷ.

 

Ngày 15 tháng 9 năm 1959

 

Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

 

Ngày 15 tháng 9 năm 1959, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Chính phủ Liên Xô về việc triệu tập các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ 1954 để giải quyết vấn đề Lào.

 

Tháng 11 năm 1959

 

Ngày 6 tháng 11 năm 1959

 

Liên hợp quốc xác nhận không có quân đội nhân dân Việt Nam xâm lược Lào

 

Ngày 6 tháng 11 năm 1959, Tiểu ban điều tra tình hình Lào của Liên hợp quốc báo cáo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xác nhận không có quân đội nhân dân Việt Nam xâm lược Lào.

 

Cuối năm 1959

 

Việt Nam giúp Lào xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng



Theo đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào, cuối năm 1959, Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp Quân uỷ Trung ương và Quân giải phóng nhân dân Lào xây dựng Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 thành hai tiểu đoàn chủ lực mạnh. Quân số mỗi tiểu đoàn từ 650 đến 700 người. Lực lượng này sau khi được bổ sung vũ khí trang bị, quân số đầy đủ sẽ tổ chức huấn luyện tại tỉnh Phú Thọ (Việt Nam).



Cũng trong thời gian này, Đoàn 959 giúp các tỉnh của Lào xây dựng, huấn luyện hơn 100 trung đội bộ đội địa phương và tổ chức thêm nhiều trung đội, tiểu đội du kích làm nhiệm vụ chiến đấu tại các địa phương


(còn tiếp)

 


 

(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011).