Một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào năm 1960

14:37, 23/07/2012

Đội công tác đặc biệt do đồng chí Phan Dĩnh làm đội trưởng đã tham gia bố trí lực lượng đón và đưa Hoàng thân Xuphanuvông cùng các đồng chí Nủhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Xỉthôn Cômmađăm, Khăm Phải Búpphả, Phun Xipaxợt, Mừn Xổmvichít, Xỉxanạ Xixản, Ma Khảy Khămphithun... vượt qua sự bao vây truy lùng ráo riết của địch trở về căn cứ địa cách mạng một cách an toàn.

 

NĂM 1960

 

Tháng 1 năm 1960

 

Các cơ quan Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Pathết Lào về n­ước trực tiếp lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ

 

Trước âm mưu mới của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, nô dịch nhân dân các bộ tộc Lào, biến Lào thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, để kịp thời lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào trong giai đoạn mới, tháng 1 năm 1960, các cơ quan Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy tối cao Pathết Lào đứng chân trên đất Việt Nam quyết định di chuyển vào Lam Sơn (Thanh Hoá), chuẩn bị về nước để trực tiếp lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ.

 

Tháng 4 năm 1960

 

Ngày 1 tháng 4 năm 1960

 

Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đề ra chương trình chính trị trong cuộc tổng tuyển cử

 

Để nhân dân trong cả nước thấy rõ đường lối chính trị của Neo Lào Hắc Xạt trong cuộc tổng tuyển cử và tập hợp lực lượng quần chúng, ngày 1 tháng 4 năm 1960, Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đã đề ra chương trình chính trị gồm 10 điểm, thể hiện các mặt đối nội, đối ngoại như sau:

 

1. Hai bên đình chỉ ngay tức khắc các cuộc xung đột vũ trang, các cuộc hành quân càn quét, khủng bố nhân dân. Đại diện hai bên gặp nhau để đàm phán nhằm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ 1954 và các Hiệp định Viêng Chăn.

 

2. Thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, trung lập thực sự, chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ, đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị, theo nguyên tắc chung sống hoà bình.

 

3. Tôn trọng hiến pháp hiện hành, nhà vua, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân.

 

4. Bảo đảm quyền tự do hoạt động của Neo Lào Hắc Xạt và các đảng phái chính trị khác. Trả lại quyền tự do ngay cho Hoàng thân Xuphanuvông và các cán bộ khác của Neo Lào Hắc Xạt bị bắt giam trái phép.

 

5. Thành lập Chính phủ liên hiệp có đại biểu của Neo Lào Hắc Xạt, các đảng phái chính trị tiến bộ và đại biểu các dân tộc tham gia.

 

6. Tất cả các dân tộc ở Lào đều có quyền bình đẳng, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.

 

7. Nam, nữ đều có quyền bình đẳng.

 

8. Nâng giá đồng Kíp lên ngang giá trước đây. Tranh thủ sự viện trợ không có điều kiện ràng buộc của tất cả các nước để xây dựng nền kinh tế quốc gia, không nhận viện trợ quân sự.

 

9. Cải thiện đời sống các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tiếp tế muối, vải, nông cụ cho nhân dân các bộ tộc. Xoá bỏ chế độ cuông, lam, các thứ thuế bất công, giảm nhẹ các loại thuế quá nặng nề. Chống bắt phu, bắt lính.

 

10. Phát triển nền văn hoá - giáo dục dân tộc. Phát triển y tế, phòng bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

 

Tháng 5 năm 1960

 

Ngày 24 tháng 5 năm 1960

 

Hoàng thân Xuphanuvông và các cán bộ lãnh đạo khác của Neo Lào Hắc Xạt vượt trại giam Phôn Khêng trở về căn cứ địa an toàn

 

Theo lệnh của đế quốc Mỹ, chính quyền phản động Phủi Xánánicon đã trắng trợn ra lệnh bắt giam Hoàng thân Xuphanuvông, các cán bộ trong Ban Chấp hành Trung ương Neo Lào Hắc Xạt.

 

Bất chấp dư luận phản đối mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân ở trong nước và trên thế giới, đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai phản động Phủi Xánánicon không những không trả lại tự do cho các cán bộ lãnh đạo của Neo Lao Hắc Xạt, mà còn mưu toan đưa ra xét xử và kết tội.

 

Sau gần 10 tháng bị giam giữ trái phép, 2 giờ sáng ngày 24 tháng 5 năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Thành uỷ Viêng Chăn, cơ sở ở nội thành phối hợp với binh lính, sĩ quan gác trại giam đã đưa Hoàng thân Xuphanuvông cùng toàn thể cán bộ lãnh đạo của Trung ương Neo Lào Hắc Xạt ra khỏi trại giam Phôn Khêng.

 

Được tin này, đế quốc Mỹ và bọn tay sai phản động Phủi Xánánicon vô cùng bối rối. Chúng vội ra lệnh báo động ở các quân khu phía bắc, đồng thời huy động một lực lượng lớn quân đội cảnh sát truy tìm. Mặt khác, chúng tiến hành một đợt khủng bố, bắt bớ hàng loạt những người bị nghi vấn.

 

Theo yêu cầu của Trung ương Neo Lào Hắc Xạt, đội công tác đặc biệt do đồng chí Phan Dĩnh làm đội trưởng đã tham gia bố trí lực lượng đón và đưa Hoàng thân Xuphanuvông cùng các đồng sự của ông (trong số đó có các ông Nủhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Xỉthôn Cômmađăm, Khăm Phải Búpphả, Phun Xipaxợt, Mừn Xổmvichít, Xỉxanạ Xixản, Ma Khảy Khămphithun...) vượt qua sự bao vây truy lùng ráo riết của địch trở về căn cứ địa cách mạng một cách an toàn.

 

Ngày 31 tháng 5 năm 1960

 

Đồng chí Lê Duẩn phát biểu về tính chất, ph­ương châm và phương pháp của cách mạng Lào

 

Trong cuộc hội đàm với các đồng chí trong Trung ương Đảng Nhân dân Lào ngày 31 tháng 1 năm 1960, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã phát biểu ý kiến về tính chất, phương châm và phương pháp vận động cách mạng Lào, nội dung gồm năm phần lớn là:

 

- Tính chất của cách mạng Lào;

 

- Phương châm chung của cách mạng Lào;

 

- Điều kiện thắng lợi của cách mạng;

 

- Về chiến lược, sách lược;

 

- Hình thức và phương pháp đấu tranh.

 

Trong đó nhấn mạnh: phương châm đấu tranh chung của cách mạng Lào hiện nay là tự lực cánh sinh, trường kỳ gian khổ. Sự giúp đỡ quốc tế của Việt Nam chỉ là phần phụ, trong phạm vi có thể mà thôi. Phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào thấm nhuần tư tưởng tự lực cánh sinh, phải xây dựng truyền thống khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, đấu tranh bền bỉ, kiên cường bất khuất và tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng...

 

Muốn tiến lên giành chính quyền nhà nước, thực hiện mục tiêu độc lập, tự do, dân chủ thì phải có lực lượng, có điều kiện, phải tranh thủ nhân dân và xây dựng lực lượng lớn mạnh về mọi mặt. Khi chưa giành được chính quyền nhà nước thì phải chú ý xây dựng bốn nhân tố:

 

- Đảng Mác - Lênin vững mạnh, có chủ trương, đường lối đúng đắn, có tổ chức trong sạch vững mạnh, có kỷ luật nghiêm minh.

 

- Mặt trận dân tộc thống nhất, rộng rãi, tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các dân tộc và những người yêu nước tiến bộ trên cơ sở công nông liên minh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

- Lực lượng vũ trang được xây dựng trên cơ sở các tổ chức chính trị và sự giác ngộ của quần chúng.

 

- Tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ và sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hoà bình dân chủ trên thế giới.

 

Về chiến lược và sách lược của cách mạng Lào: đánh đổ đế quốc và phong kiến để giành độc lập dân tộc và dân chủ tự do là hai nhiệm vụ của cách mạng Lào. Phải dựa trên cơ sở phân tích tình hình cụ thể để xác định kẻ thù trước mắt và việc sắp xếp lực lượng cách mạng cho đúng đắn là hai mặt của phương châm chiến lược.

 

Cần lựa chọn và kết hợp hình thức đấu tranh, các khẩu hiệu vận động tuyên truyền cho phù hợp với từng thời kỳ, sát với phong trào quần chúng.

 

Về hình thức và phương pháp đấu tranh trong phạm vi cả nước thì hình thức đấu tranh chính trị là chủ yếu, còn đấu tranh quân sự chỉ là cục bộ và bao gồm một số ít quần chúng. Tuy đấu tranh chính trị là chủ yếu song có lúc, có nơi (địch tấn công, càn quét) đấu tranh quân sự lại là chính. Hai hình thức đấu tranh đó tuỳ từng thời kỳ, từng nơi có sự chuyển hoá hoặc kết hợp cả hình thức đấu tranh quân sự lẫn chính trị.

 

Tháng 6 năm 1960

 

Trung ương Đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị Trung ương lần thứ tư ra nghị quyết về nhiệm vụ cơ bản và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào

 

Trước bước phát triển mới của tình hình trong nước và thế giới, tháng 6 năm 1960, Đảng Nhân dân Lào đã họp Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương ra nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ cơ bản và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào.

 

Về tình hình thế giới, nghị quyết nhận định: phe xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh, phong trào giải phóng dân tộc phát triển rộng khắp Á, Phi, Mỹ Latinh và phong trào đấu tranh đòi hoà bình, dân chủ của nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới phát triển mạnh mẽ là những diễn biến có lợi cho cách mạng Lào.

 

Về tình hình trong nước, nghị quyết vạch rõ:

 

- Đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào Lào, chính quyền tay sai phản động đang mở rộng chiến tranh, phá hoại Hiệp định Giơnevơ 1954 và các Hiệp định Viêng Chăn, biến Lào thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự. Thời gian qua, chúng đã ráo riết hoạt động nhưng vẫn thất bại như:

 

- Không thực hiện được âm mưu phá hoại và tiêu diệt lực lượng cách mạng Lào, mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương và Đông Nam Á.

 

- Không thể đưa ra xét xử và kết án Hoàng thân Xuphanuvông và các cán bộ lãnh đạo khác của Neo Lào Hắc Xạt.

 

- Không thể ngăn cản nổi việc Neo Lào Hắc Xạt tham gia cuộc tổng tuyển cử.

 

Về âm mưu và hoạt động của địch, nghị quyết nhận định:

 

- Đế quốc Mỹ có thể can thiệp sâu hơn nữa vào Lào, bọn tay sai phản động có thể đàn áp phong trào cách mạng Lào trắng trợn hơn nữa.

 

- Do nắm được lực lượng quân đội, chiếm được đa số trong Quốc hội, bọn phản động có thể sửa đổi Hiến pháp, đặt Neo Lào Hắc Xạt ra ngoài vòng pháp luật, xoá bỏ quyền tự do dân chủ, ráo riết thực hiện kế hoạch củng cố nông thôn, dồn dân vào các làng “chấn hưng”, mua chuộc, gây chia rẽ dân tộc.

 

Nghị quyết xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Lào là:

 

- Đánh đổ đế quốc và phong kiến để giành độc lập cho đất nước, tự do dân chủ cho nhân dân. Hai nhiệm vụ đó có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhưng nhiệm vụ trước mắt là chống đế quốc Mỹ xâm lược, kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân các bộ tộc Lào.

 

- Đối với phong kiến, để tập hợp một bộ phận không thể đề ra khẩu hiệu chống phong kiến nói chung, mà chỉ chống bọn phong kiến làm tay sai cho đế quốc Mỹ và tư sản mại bản thân Mỹ. Để tập hợp nông dân, phân hoá giai cấp phong kiến, về mặt kinh tế có thể nêu khẩu hiệu “dần dần xoá bỏ chế độ cuông, lam” và thực hiện giảm một phần tô, tức.

 

Sau cùng, nghị quyết nêu ra một số nhiệm vụ cấp bách trước mắt:

 

- Đảng Nhân dân Lào cần nêu cao ngọn cờ hoà bình, trung lập, độc lập, dân chủ. Tranh thủ đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, mọi lực lượng trung gian yêu nước, yêu hoà bình, tán thành hoà bình trung lập.

 

- Ra sức xây dựng lực lượng về mọi mặt để tiến lên đánh bại mọi âm mưu của đế quốc Mỹ xâm lược, chấm dứt chiến tranh, giành thắng lợi to lớn hơn.

 

Tháng 8 năm 1960

 

Ngày 9 tháng 8 năm 1960

 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào gửi điện cho các tỉnh trong toàn quốc về tình hình, nhiệm vụ mới sau cuộc đảo chính

 

Ngày 9 tháng 8 năm 1960, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào gửi điện cho các tỉnh trong toàn quốc về tình hình nhiệm vụ mới sau cuộc đảo chính. Bức điện nêu rõ:

 

- Xác định cuộc nổi dậy lật đổ chính phủ phản động Xổm Xanít, Phumi Nòxavẳn là sự kiện chính trị có lợi cho cách mạng Lào, vì nó nêu rõ mục đích chống đế quốc Mỹ xâm lược, chấm dứt nội chiến, thi hành chính sách trung lập tích cực.

 

- Triệt để lợi dụng thời cơ địch đang hoang mang dao động, đẩy mạnh hoạt động, phát triển lực lượng, mở rộng ảnh hưởng của Neo Lào Hắc Xạt.

 

- Bằng mọi cách bắt liên lạc với các đơn vị quân đội Vương quốc, giúp đỡ họ nổi dậy chống lại bọn phản động Xổm Xanít, Phumi Nòxavẳn, tạo thành phong trào binh biến khắp nơi.

 

- Phát động phong trào đấu tranh mạnh mẽ, rộng rãi của quần chúng, nhất là ở vùng đồng bằng, đô thị, hưởng ứng cuộc nổi dậy của quân đội và nhân dân Viêng Chăn.

 

- Hết sức ủng hộ Uỷ ban đảo chính. Hoan nghênh đường lối, chính sách tích cực của họ, tuyên bố sẵn sàng hợp tác với họ, ủng hộ việc thành lập một chính phủ tiến bộ, thực hiện đường lối hoà bình trung lập. Ta sẵn sàng đàm phán với chính phủ để thi hành các Hiệp định Giơnevơ và Viêng Chăn.

 

- Các lực lượng vũ trang, bán vũ trang phối hợp chặt chẽ với quần chúng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền ủng hộ cuộc đảo chính. Nhân lúc Phumi Nòxavẳn điều quân về Viêng Chăn, nơi nào địch yếu thì mạnh dạn phát động quần chúng, phối hợp với lực lượng vũ trang nổi dậy đánh chiếm mở rộng vùng giải phóng.

 

- Phải diệt trừ những phần tử ác ôn đầu sỏ trong các tổ chức phản động như: gián điệp, Uỷ ban bảo vệ quyền lợi quốc gia, Đảng Pạxaxẳngkhôm.

 

(còn tiếp)


 

(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011).