Tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch Nặm Thà về phía Việt Nam có Thiếu tướng Bằng Giang (Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào) làm tư lệnh; Thiếu tướng Trần Độ (Chính ủy quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào) làm chính ủy; Thượng tá Nguyễn Hữu An, tham mưu trưởng; Thượng tá Dương Cự Tẩm, phó chủ nhiệm chính trị; Trung tá Bùi Phùng, chủ nhiệm hậu cần. Phía Lào có đồng chí Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Tổng Tham mưu trưởng.
Tháng 3 năm 1962
Quân nguỵ Lào tập trung lực lượng lớn ở khu vực Nặm Thà - Mương Xỉnh
Được Mỹ giúp về phương tiện cơ động, bảo đảm hậu cần và hoả lực, tháng 3 năm 1962, quân nguỵ Lào tập trung lực lượng lớn quân đội và phương tiện chiến tranh ở khu vực Nặm Thà - Mương Xỉnh. Cuối tháng 3, lực lượng địch tại đây gồm: tám tiểu đoàn quân chính quy thuộc các binh đoàn cơ động (11, 15, 18) và ba tiểu đoàn chiếm đóng (BV13, BV15, BV18) với tổng số quân lên tới 5.600 tên, 6 khẩu pháo 105mm, 7 khẩu sơn pháo 75mm, toàn bộ lực lượng này do Quân khu Bắc chỉ huy. Ý định của địch là chiếm đóng khu vực Nặm Thà - Mương Xỉnh để uy hiếp vùng Thượng Lào và Tây Bắc Việt Nam, gây áp lực với Hội nghị quốc tế Giơnevơ về Lào và Hội nghị ba phái Lào ở Na Mon.
Ngày 8 tháng 3 năm 1962
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ cho Quân khu Tây Bắc phối hợp giúp Lào tác chiến bảo vệ khu vực Mương Xài - Nặm Thà
Ngày 8 tháng 3 năm 1962, đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam điện gửi Quân khu Tây Bắc, đồng chí Chu Phương Đới, đồng chí Hồng Kỳ và Đoàn 959 nêu rõ:
1 - Nhờ những cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của ta, địch phải chuyển từ thế tiến công hai mặt lên Mương Xài về co cụm ở Pạc Lưng - Nặm Thà, thu hút 1/6 lực lượng cơ động. Do đó, các mặt khác ở Trung, Hạ Lào, địch không thể hoạt động lớn, hầu như ngừng tại chỗ. Lào có nhiều thời cơ đi sâu vào lòng địch hoạt động mạnh, diệt địch, mở rộng và củng cố cơ sở. Nếu ta giữ được địch ở đó đến mùa mưa thì tác dụng càng lớn.
2 - Phương châm hoạt động của ta là giữ vững trận địa hiện tại, nhằm chỗ sơ hở đánh chắc thắng, tạo điều kiện khống chế sân bay, giữ vững trận địa then chốt, đánh lui mọi cuộc tiến công của địch, làm cho chúng hoang mang, suy yếu dần; tổ chức một số cuộc tiến công chắc thắng, có chuẩn bị chu đáo, không nên đánh nhiều nơi một lúc, như vậy mới không ảnh hưởng đến chính trị; tạo điều kiện để tiếp tục khống chế sân bay.
3 - Tiếp tục chuẩn bị chiến trường, nghiên cứu sẵn kế hoạch, nhất là nắm chắc địch, để quá trình chiến đấu có thể đánh lớn hơn nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và làm cho số còn lại tan rã.
4 - Tích cực giúp cách mạng Lào về mọi mặt, làm cho Lào trưởng thành, phải tận dụng khả năng của Lào; bàn với Lào tìm cách liên lạc và chỉ đạo các trung đội địa phương hoạt động ở vùng Nặm Thà.
Ngày 10 tháng 3 năm 1962
Lữ đoàn 335 (Việt Nam) nhận nhiệm vụ sang giúp Lào chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng
Ngày 10 tháng 3 năm 1962, Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 335 sang phối hợp với các đơn vị Pathết Lào tiêu diệt địch trên điểm cao Đồi Xanh, sau đó phát triển tiêu diệt địch ở Viêng Phu Kha, chặn đường rút của địch ở Nặm Thà về phía sau. Phối hợp với lực lượng Lào tổ chức một mũi vu hồi diệt địch và giải phóng Mương Xỉnh.
Sau khi nhận nhiệm vụ, ngày 10 tháng 3 năm 1962, Lữ đoàn 335 (gồm hai tiểu đoàn 1 và 3) làm lễ xuất phát từ Mộc Châu (Sơn La, Việt Nam), hành quân bằng xe cơ giới lên Điện Biên rồi hành quân bộ sang Lào.
Ngày 28 tháng 3 năm 1962
Quân uỷ Trung ương (Việt Nam) thông qua quyết tâm mở chiến dịch Luổng Nặm Thà
Thực hiện chủ trương của Quân uỷ hai nước Việt Nam - Lào về tác chiến ở Nặm Thà nhằm hỗ trợ cho đấu tranh chính trị thành lập Chính phủ liên hiệp ở Lào, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam lập kế hoạch tác chiến chiến dịch Nặm Thà, ngày 28 tháng 4, Quân ủy Trung ương (Việt Nam) đã thông qua kế hoạch này.
Chủ trương: tăng cường lực lượng, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng khu vực Nặm Thà - Mương Xỉnh và toàn bộ biên giới Lào - Trung; đồng thời, ở các hướng khác tăng cường phòng ngự ở chính diện, đẩy mạnh chiến tranh du kích, củng cố, mở rộng cơ sở phía sau lưng địch.
Mục đích chiến dịch: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng thị xã Nặm Thà và thị trấn Mương Xỉnh, phá thế uy hiếp của địch ở Thượng Lào, cô lập Luổng Phạbang, phối hợp với đấu tranh chính trị, hỗ trợ cho hội nghị hiệp thương ba phái ở Cánh đồng Chum và Hội nghị Giơnevơ 1962 về Lào, đưa cách mạng Lào tiến lên một bước mới, thể nghiệm tiến hành chiến dịch đánh địch ở địa hình rừng núi sau tám năm xây dựng huấn luyện trong hoà bình của Việt Nam và tạo điều kiện cho bộ đội Pathết Lào tham gia tổ chức, chỉ huy chiến đấu, cùng nhau học tập, trưởng thành trong thực tế.
Nhiệm vụ chiến dịch: trước mắt là giải phóng Nặm Thà, Mương Xỉnh, tiêu diệt một bộ phận địch (cụ thể là ba tiểu đoàn), sau đó truy kích địch và chốt các điểm Mương Long - Viêng Phu Kha nối liền Mương Khỏa - Nặm Thà.
Phương châm tác chiến: tập trung lực lượng, tiêu diệt gọn từng bộ phận sinh lực địch, kết hợp với việc tiếp tục khống chế sân bay, dùng lực lượng nhỏ thâm nhập đánh phá sau lưng và bên sườn địch, tích cực tiến hành công tác địch vận làm tan rã hàng ngũ địch, buộc bộ phận còn lại của địch phải bỏ chạy, ta tiến hành vây chặn diệt địch.
Sử dụng lực lượng hai lữ đoàn bộ binh (316, 335) phối hợp với hai tiểu đoàn của Pathết Lào, hai tiểu đoàn pháo 75 và cối 120 ly và một số đơn vị binh chủng bảo đảm khác.
Tháng 4 năm 1962
Ngày 7 tháng 4 năm 1962
Thành lập Đảng ủy Mặt trận Thượng Lào
Ngày 7 tháng 4 năm 1962, Quân ủy Trung ương (Việt Nam) ra Quyết định số 40/QU-TW thành lập Đảng ủy Mặt trận Thượng Lào gồm năm đồng chí, do thiếu tướng Trần Độ làm bí thư.
Từ ngày 8 đến 20 tháng 4 năm 1962
Đánh bại các cuộc phản kích của địch xung quanh Nặm Thà
Từ ngày 8 đến 20 tháng 4 năm 1962, Tiểu đoàn 701, các đại đội độc lập của Pathết Lào phối hợp với Tiểu đoàn 2 quân tình nguyện Việt Nam đánh bại các cuộc phản kích của địch xung quanh Nặm Thà, diệt 134 tên, làm bị thương 227 tên, bắt 47 tên, bắn rơi 1 máy bay A76, 1 máy bay vận tải C47, phá hủy 2 pháo 105mm.
Ngày 15 tháng 4 năm 1962
Thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Nặm Thà
Tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch phía Việt Nam có Thiếu tướng Bằng Giang (Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào) làm tư lệnh; Thiếu tướng Trần Độ (Chính ủy quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào) làm chính ủy; Thượng tá Nguyễn Hữu An, tham mưu trưởng; Thượng tá Dương Cự Tẩm, phó chủ nhiệm chính trị; Trung tá Bùi Phùng, chủ nhiệm hậu cần. Phía Lào có đồng chí Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Lào, Tổng Tham mưu trưởng. Các cơ quan Quân khu Việt Bắc tách một bộ phận ra để giúp việc Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch
Lực lượng tham gia chiến dịch phía Việt Nam có Lữ đoàn bộ binh 316 đã đứng chân ở địa bàn chiến dịch, Lữ đoàn 335, Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 330), một tiểu đoàn sơn pháo 75mm (13 khẩu), một tiểu đoàn súng cối 120mm (12 khẩu), một tiểu đoàn phòng không 12,7mm (12 khẩu); phía Lào có Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 701 Pathết Lào, đại đội địa phương Na Mô, đại đội địa phương Nặm Thà, một số trung đội địa phương huyện và dân quân du kích các xã. Tổng quân số tham gia chiến dịch khoảng 7.800 người.
Lữ đoàn 316 được chỉ định làm lực lượng chủ yếu. Hai lữ đoàn 316 và 335 tạm thời thống nhất lãnh đạo, chỉ huy như một đơn vị, do các đồng chí Lê Vũ - Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn 316 làm bí thư Đảng ủy; Chu Phương Đới (Tư lệnh Lữ đoàn 316) làm tư lệnh.
Ngày 21 tháng 4 năm 1962
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị Cục Không quân chuẩn bị bảo đảm chiến dịch Nặm Thà
Để bảo đảm cho chiến dịch Nặm Thà sẽ mở trong thời gian tới, ngày 21 tháng 4 năm 1962, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị giao nhiệm vụ cho Cục Không quân:
Liên hệ chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Phòng không để nắm chắc hoạt động của không quân địch ở mặt trận Nặm Thà và trên tuyến bay đi Nặm Thà, đồng thời có biện pháp đối phó với không quân địch. Từ ngày 21 tháng 4, đình chỉ lớp huấn luyện LY-2, tập trung máy bay vào việc vận tải tiếp tế cho chiến dịch.
Bảo đảm cho máy bay hoạt động trong mọi thời tiết, đồng thời bảo đảm việc tiếp tế, vận tải thương binh, tử sĩ và các hàng hoá khác từ hậu phương của ta đến mặt trận Nặm Thà và ngược lại. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng máy bay thường trực để khi cần có thể sử dụng ngay một IL-14, hai LY-2, hai AN-2, một MI-4.
Chuẩn bị cơ sở vật chất cho máy bay trực thăng có thể cất, hạ cánh từ hậu phương ta đến mặt trận Nặm Thà và chuẩn bị mọi điều kiện cho máy bay AN-2 hạ cánh ở Mương Hai. Chuẩn bị cơ sở vật chất để khi giải phóng vùng Nặm Thà thì có thể kịp thời sử dụng hai sân bay ở đây.
Ngày 24 tháng 4 năm 1962
Quân tình nguyện Việt Nam tấn công các cứ điểm ngoại vi xung quanh Nặm Thà
Ngày 24 tháng 4 năm 1962, Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 335 quân tình nguyện Việt Nam nổ súng tiến công các cao điểm 1620, 1680 thuộc ngoại vi Nặm Thà, đánh tan Tiểu đoàn dù 55 của địch.
Tháng 5 năm 1962
Ngày 3 tháng 5 năm 1962
Tấn công giải phóng Mương Xỉnh
Ngày 3 tháng 5 năm 1962, lực lượng vũ trang tỉnh Luổng Nặm Thà (Lào) phối hợp với Tiểu đoàn 2 quân tình nguyện Việt Nam tấn công cứ điểm Mương Xỉnh do bốn đại đội địch chiếm giữ. Liên quân Lào - Việt diệt 35 tên, bắt 194 tù binh, bắn hỏng một máy bay, thu 12 ôtô vận tải, 279 súng các loại, 9 tấn đạn, 9 tấn lương thực, thực phẩm, 17 máy vô tuyến điện các loại.
Sau khi giải phóng Mương Xỉnh, liên quân phát triển đánh chiếm Mương Long, một mũi đánh chiếm Bạn Kha; một mũi phát triển xuống Viêng Phu Kha, bao vây, tiêu diệt quân địch bỏ chạy từ Nặm Thà.
Từ ngày 4 đến 6 tháng 5 năm 1962
Liên quân Lào - Việt tấn công tiêu diệt cụm cứ điểm Nặm Thà
Sau khi tấn công tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi, đêm 4 tháng 5, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 701 Pathết Lào cùng lực lượng bộ đội địa phương tỉnh Luổng Nặm Thà phối hợp với năm tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam tấn công cụm cứ điểm Nặm Thà.
Ngày 5 tháng 5 năm 1962, liên quân Lào - Việt đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn dù địch, chiếm điểm cao, khống chế sườn tây nam cụm cứ điểm Nặm Thà.
Trên hướng chính diện, 3 giờ 30 phút sáng ngày 6 tháng 5 năm 1962, pháo binh mặt trận dồn dập nã đạn vào căn cứ Nặm Thà. Sau đó liên quân Lào - Việt từ nhiều hướng đồng loạt tiến công cứ điểm Nặm Thà và các lực lượng địch đóng trong thị xã. Đến 12 giờ 30 phút ngày 6 tháng 5, ta hoàn toàn làm chủ chiến trường, diệt 82 tên, bắt 328 tên, thu 180 ôtô, 393 súng các loại và nhiều vũ khí, đạn dược. Số quân địch còn lại hoang mang bỏ chạy tán loạn về phía Huội Xài (một thị trấn phía nam tỉnh Bò Kẹo, nằm ở biên giới giáp với thị trấn Xiêng Khoông, thuộc tỉnh Xiêng Rai của Thái Lan). Thừa thắng, một bộ phận quân giải phóng nhân dân Lào truy kích đánh tan quân địch ở Xála, Xan Hốp, Nặm Xinh, Viêng Phu Kha, Moốc Tiên, Bạn Xon, Ta Pa, Ta Nam, Bạn Peng, Xiêng Kon.
Toàn chiến dịch, liên quân Lào - Việt loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.800 tên thuộc lực lượng cơ động chiến lược của quân ngụy Viêng Chăn, trong đó Binh đoàn cơ động 11 bị tiêu diệt hoàn toàn; Binh đoàn cơ động 15 và 18 bị thiệt hại nặng; giải phóng toàn bộ khu vực Nặm Thà rộng 800km2 với 76.000 vạn dân.
Chiến thắng Nặm Thà có ý nghĩa rất quan trọng cả về quân sự và chính trị:
- Tiêu diệt một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch vừa mới được xây dựng.
- Đánh tan cụm cứ điểm lớn nhất ở Lào lúc bấy giờ và cũng là cứ điểm tiền tiêu của khối quân sự SEATO.
- Một đòn đánh mạnh vào âm mưu của Mỹ và chính quyền tay sai Phumi Nòxavẳn, làm cho tinh thần đội quân đánh thuê thêm hoang mang, dao động.
Uy tín của Neo Lào Hắc Xạt, Quân giải phóng nhân dân Lào được nâng cao, khu giải phóng được mở rộng thành căn cứ liên hoàn đến tận biên giới Trung Quốc.
Ngay sau chiến dịch, Quân ủy Trung ương ta gửi điện khen ngợi bộ đội tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào: “các đồng chí đã anh dũng chiến đấu, đã nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, đoàn kết với quân đội và nhân dân nước Lào, luôn luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội ta, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất cao quý của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, tỏ ra xứng đáng với lòng tin yêu và sự giáo dục của Đảng, của nhân dân và quân đội ta, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân và quân đội Lào. Các đồng chí đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, góp phần tích cực vào thắng lợi to lớn của cách mạng Lào, làm xoay chuyển tình thế có lợi cho cách mạng Lào”.
Tổng kết chiến dịch Nặm Thà, Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng đánh giá: “đó là màn chót của giai đoạn thử thách của địch... thắng lợi Nặm Thà cũng là then chốt đẩy cục diện Lào đang đấu tranh chính trị, quân sự xen kẽ chuyển sang giai đoạn mới là hòa bình phát triển tiến bộ trong đấu tranh chính trị hợp pháp của cách mạng Lào”.
Ngày 15 tháng 5 năm 1962
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nhận định về tình hình Lào sau chiến dịch Nặm Thà và dự kiến điều chỉnh nhiệm vụ các đoàn chuyên gia Việt Nam tại Lào
Về địch, Bộ Tổng Tham mưu nhận định: chiến dịch Nặm Thà đánh dấu một sự thất bại lớn nhất của địch trong năm; khả năng địch đánh lớn trong mùa mưa rất hạn chế; lực lượng phỉ có thể phát triển và hoạt động ở mức độ nhất định; có thể có sự cấu kết mới giữa lực lượng phản động Lào với quân ngụy miền Nam.
Về chính trị, sau thất bại quân sự, địch chuyển sang đàm phán chính trị, tranh thủ củng cố lực lượng quân sự. Việc thành lập Chính phủ liên hiệp ở Lào có thể đạt được sự thỏa thuận giữa các bên ở Lào, nhưng cũng có thể nhùng nhằng kéo dài trong quá trình đàm phán thương lượng...
Về ta, chiến dịch Nặm Thà thắng lợi, ta có lợi thế trong đàm phán, trong đấu tranh và đề ra điều kiện, yêu cầu về thành lập Chính phủ liên hiệp ở Lào. Công tác trọng tâm của ta về hoạt động quân sự hiện nay là phải ra sức củng cố lực lượng, củng cố khu giải phóng trong mùa mưa và chuẩn bị cho hoạt động trong mùa khô tới. Cụ thể về mặt quân sự ở Nặm Thà và khu Tây Bắc Lào, cần tập trung vào việc tổ chức lực lượng, tổ chức chỉ huy ở vùng mới giải phóng và tổ chức huấn luyện bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; ở Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, phải tăng cường tiễu phỉ, củng cố căn cứ địa và vùng giải phóng Huội San. Trong mùa mưa tới phải tiến hành công tác chuẩn bị chiến trường ở Luổng Phạbang, Trung Lào, Hạ Lào để hoạt động trong mùa khô nếu chiến tranh trở lại ở Lào.
Về tình hình Đoàn 959 và nhiệm vụ quân sự Việt Nam tại Lào, Bộ Tổng Tham mưu nhận thấy: ý của Lào là muốn trực tiếp quan hệ thẳng với Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, không muốn thủ trưởng Đoàn 959 chuyên gia toàn diện các mặt cho Lào, nhất là chuyên gia về chủ trương, đường lối và nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức cơ quan lãnh đạo của Lào nay có thay đổi, lãnh đạo của Lào sẽ chuyển về đóng ở Sầm Nưa, do đó việc liên lạc, trao đổi với Lào có nhiều khó khăn, hệ thống chuyên gia giúp Lào của Việt Nam còn phải qua nhiều khâu trung gian. Do đó, đề nghị Quân ủy Trung ương sắp xếp tổ chức hệ thống chuyên gia theo hướng:
- Nhiệm vụ của chuyên gia ở Sầm Nưa: giúp Lào về nghiệp vụ và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự; nếu phát hiện những vấn đề về chủ trương, đường lối thì báo cáo với Trung ương và Quân ủy để Trung ương Việt Nam bàn bạc với Lào.
- Chuyên gia ở khu vực Cánh đồng Chum giúp Lào về chuyên môn, về biện pháp thực hiện các vấn đề quân sự trong khu vực, thống nhất với Lào về chỉ huy, hiệp đồng tác chiến trong chiến đấu; tổ chức các tổ chuyên gia quân sự ở khu vực Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, giúp Lào về công tác quân sự trong khu vực. Riêng Quân khu Tây Bắc và Quân khu 4, sẽ giao nhiệm vụ giúp Lào trong từng thời kỳ.
Thống nhất tất cả các tổ chuyên gia đang hoạt động ở Lào vào một đầu mối là tổng chuyên gia, đặt trụ sở ở Hà Nội, chỉ đạo toàn diện các mặt của các tổ chuyên gia. Trong đó tổ chức một bộ phận chuyên trách quân sự trực thuộc Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, do thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu phụ trách.
Từ ngày 17 đến 19 tháng 5 năm 1962
Thường trực Quân ủy Trung ương (Việt Nam) đánh giá ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch Nặm Thà và xác định chủ trương của Việt Nam ở Lào
Thường trực Quân ủy Trung ương khẳng định ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch Nặm Thà trên ba phương diện:
- Giành thêm được một vị trí chiến lược quan trọng cho cách mạng Lào, có lợi cho phe xã hội chủ nghĩa.
- Ta đã đánh vào lực lượng tập trung và tinh nhuệ nhất của Phumi, làm cho địch bị tổn thất khá lớn và suy sụp nặng về tinh thần.
- Là một dịp rèn luyện thực tế cho cán bộ, chiến sĩ ta và giúp bộ đội Pathết Lào học tập về tổ chức, chỉ huy tác chiến quy mô.
Về địch: sau thất bại Nặm Thà, địch có thể hoạt động chính trị nhiều hơn là hành động lớn về quân sự; khả năng lực lượng của Phumi đánh lớn trong mùa mưa rất hạn chế; về quân sự, tích cực hoạt động phỉ, đánh lấn nhỏ, tập trung càn quét hậu phương, trước hết là Trung và Hạ Lào, ra sức chấn chỉnh lực lượng; cần đề phòng Mỹ, Thái Lan, ngụy miền Nam liều lĩnh can thiệp, bất ngờ chiếm lại các vị trí chiến lược ở Trung, Hạ Lào rồi mới đàm phán chính trị.
Từ nhận định trên đây, Thường trực Quân ủy Trung ương chủ trương: về chính trị, phải tranh thủ khả năng thành lập một Chính phủ liên hiệp có lợi cho việc củng cố và phát triển lực lượng cách mạng; chuẩn bị điều kiện để từng bước giành thắng lợi mới nếu tình hình nhùng nhằng kéo dài, để đẩy cách mạng Lào phát triển và tạo áp lực cho đấu tranh chính trị; đề phòng và ngăn chặn không để xảy ra chiến tranh quy mô lớn. Về hoạt động quân sự, tranh thủ củng cố vùng giải phóng, lực lượng vũ trang, chấn chỉnh lực lượng phòng ngự; đình chỉ hoạt động quân sự lớn nhưng đẩy mạnh du kích chiến tranh sau lưng địch và đánh tan những cuộc tiến công lấn chiếm của địch; đồng thời tích cực chuẩn bị chiến trường.
Ngày 22 tháng 5 năm 1962
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ cho Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc giúp Lào
Triển khai thực hiện chủ trương của Thường trực Quân ủy Trung ương (Việt Nam) họp từ ngày 17 đến 19 tháng 5 năm 1962, ngày 22 tháng 5 năm 1962, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ cho các quân khu.
Quân khu 4: giữ vững các khu giải phóng, chủ yếu là các khu vực thuộc đường 9 và đường 12; tích cực đẩy mạnh hoạt động sau lưng địch; củng cố khu giải phóng về các mặt và tích cực quét phỉ trong khu vực. Tranh thủ củng cố lực lượng vũ trang, chuẩn bị chiến trường, kết hợp với Lào chuẩn bị chiến dịch phòng ngự, mục tiêu là giữ vững đường 9 để chọn khu vực phòng ngự chính. Nắm chắc tình hình địch, tăng cường công tác tổ chức chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu, tranh thủ tổ chức cán bộ, bộ đội học tập.
Quân khu Tây Bắc: giữ vững các khu vực giải phóng, đẩy hoạt động du kích ra phía trước, quét tàn binh, ổn định nhân dân, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng mọi mặt trong các vùng giải phóng; tổ chức một bộ phận phụ trách và lực lượng vũ trang, chuyên gia giúp Lào về công tác quân sự ở bốn tỉnh Nặm Thà, Luổng Phạbang, Phôngxalỳ, Xaynhabuli.
(còn tiếp)
(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011).