Một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào năm 1962 (tiếp theo)

15:28, 31/07/2012

Việc ký Hiệp định Giơnevơ 1962 giải quyết hòa bình vấn đề Lào là một thắng lợi to lớn của nhân dân các dân tộc Lào, phe xã hội chủ nghĩa và phong trào hòa bình dân chủ thế giới.

Tháng 6 năm 1962

Ngày 3 tháng 6 năm 1962

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam giao Quân khu 4 tổ chức cơ quan chỉ huy quân sự vùng Trung Lào

Ngày 3 tháng 6 năm 1962, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra Quyết định số 246/QĐ, giao cho Quân khu 4 tổ chức cơ quan chỉ huy quân sự vùng Trung Lào nhằm tăng cường hiệu quả chiến đấu, thống nhất chỉ huy các lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ở khu vực Trung Lào. Bộ Tổng Tham mưu quy định, tổ chức cơ quan chỉ huy quân sự vùng Trung Lào phải gọn nhẹ nhưng bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Các lực lượng và phương tiện tuyển chọn từ Quân khu 4, có bổ sung thêm từ Bộ. Tất cả cán bộ, chiến sĩ Đoàn 959 đang làm chuyên viên giúp Lào ở khu vực Trung Lào sẽ chuyển giao cho Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ huy, quản lý. Nhiệm vụ của các cơ quan chỉ huy quân sự vùng Trung Lào là:

1 - Trực tiếp chỉ huy các lực lượng tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Trung, Hạ Lào.

2 - Trực tiếp giúp Lào xây dựng lực lượng, củng cố cơ sở trong khu vực này.

3 - Tổ chức các lực lượng của Việt Nam và giúp Lào thực hiện kế hoạch phòng thủ vùng giải phóng.

4 - Chuẩn bị chiến trường trước mắt và đối phó với tình huống khẩn trương nhất, đồng thời chuẩn bị chiến trường có tính chất lâu dài.

Từ ngày 14 đến 18 tháng 6 năm 1962

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo hoạt động trên chiến trường Lào

Trước những diễn biến tích cực ở Lào, để các hoạt động quân sự và việc vận chuyển của Việt Nam qua đất Lào phù hợp hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng hai nước, ngày 14 tháng 6 năm 1962, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng điện chỉ thị Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc và các đồng chí Lê Chưởng, Võ Quang Hồ nêu rõ: Chính phủ liên hiệp ở Lào được thành lập nên chủ trương của Việt Nam lúc này là đình chỉ mọi hoạt động quân sự ở giới tuyến hai bên và ở vùng địch hậu. Ở khu giải phóng, tích cực quét phỉ nhưng tránh rầm rộ, tích cực tiêu diệt những toán quân địch thâm nhập khu giải phóng. Ở trong vùng địch hậu, tiếp tục gây cơ sở chính trị, củng cố căn cứ địa và sẵn sàng chống địch càn quét, nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật lực lượng và cơ sở của Việt Nam. Tại giới tuyến tiếp giáp hai bên, cần tăng cường phòng ngự, cảnh giác đề phòng địch tấn công và kiên quyết đánh trả những cuộc tấn công lấn chiếm của địch. Hết sức chú trọng tăng cường công tác địch vận; kịp thời báo cáo kết quả hoạt động phá hoại của địch về Bộ để đấu tranh chính trị.

Cùng ngày, Bộ Tổng Tham mưu điện cho Quân khu 5: tình hình chính trị ở Lào thay đổi, địch sẽ tích cực lợi dụng Chính phủ liên hiệp để ngăn chặn đường vận chuyển của Việt Nam. Do vậy, nhiều vấn đề đặt ra cần phải nghiên cứu. Chủ trương của Việt Nam vẫn là tích cực lợi dụng hành lang trên đất Lào, nhưng chuyển hướng gọn vào bí mật, dựa vào nhân dân, kiên quyết đẩy mạnh vận chuyển sâu vào phía nam, đồng thời tích cực chuẩn bị hành lang nội địa.

Ngày 16 tháng 6 năm 1962, sau khi nhận được báo cáo: địch đưa một bộ phận quân Phumi đến khu vực A Sầu, Bộ Tổng Tham mưu điện cho chiến trường Trị - Thiên đề phòng bọn địch đến A Sầu dẫn đường càn quét sâu về phía Lào, phối hợp trực thăng đổ chụp đánh cơ quan, kho tàng của ta; cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ra sau lưng địch, cho những tổ nhỏ đánh địch vận chuyển ngay cả trên đường 9 quãng Tân Lâm - Đông Hà. Về đường vận chuyển, Chính phủ liên hiệp thành lập sẽ gây khó khăn cho hành lang của Việt Nam. Trước mắt Việt Nam vẫn giữ đường cũ, nhưng chuyển gọn vào bí mật, đồng thời tích cực mở đường nội địa.

Ngày 18 tháng 6 năm 1962, Bộ Tổng Tham mưu điện cho Khu 5 và Nam Bộ (Việt Nam) nói rõ chủ trương của Bộ Tổng Tham mưu về công tác vận chuyển, chi viện cho chiến trường. Trong lúc tình hình còn cho phép, tranh thủ dùng hành lang đường bộ trong những tháng sắp tới để vận chuyển gấp cho Khu 5 và Nam Bộ một số hàng lớn, khối lượng có thể tăng gấp đôi, gấp ba; cần chấn chỉnh ngay đường dây, tăng cường quân số và chuẩn bị kho tàng bảo đảm chắc chắn dọc đường để tiếp nhận; Nam Bộ cần cố gắng nối đường ra Khu 5 để nhận hàng.

Ngày 24 tháng 6 năm 1962

Chính phủ liên hiệp dân tộc ba phái ở Lào họp phiên đầu tiên quyết định chính sách đối nội, đối ngoại

Ngày 24 tháng 6 năm 1962, Chính phủ liên hiệp dân tộc ba phái ở Lào họp phiên đầu tiên tại Thủ đô Viêng Chăn do Hoàng thân Xuvănna Phuma chủ trì, quyết định nhiều nội dung quan trọng về đối nội và đối ngoại như:

- Cử một phái đoàn đi dự Hội nghị Giơnevơ để ký các văn kiện về Lào.

- Ra lệnh ngừng bắn trong toàn quốc, bắt đầu từ 12 giờ ngày 24 tháng 6 năm 1962.

- Quyết định các bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ.

- Công nhận ba nước trong phe xã hội chủ nghĩa là Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam.

Ngày 26 tháng 6 năm 1962

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị ngừng hoạt động quân sự ở Lào

Trước những diễn biến chính trị mới ở Lào, nhận thấy, nếu Việt Nam tiếp tục hoạt động quân sự sẽ không có lợi về chính trị, ngày 26 tháng 6 năm 1962, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Lê Trọng Tấn điện chỉ thị cho Quân khu 4 và Quân khu 3 nêu rõ: chủ trương hiện nay, đình chỉ mọi hoạt động quân sự (kể cả tiễu phỉ), nhưng phải cảnh giác đề phòng địch tấn công. Nếu địch đánh ra thì điện thẳng cho Bộ và Lào để kịp thời đấu tranh với địch. Cần có biện pháp tích cực vận động Phumi không hoạt động quân sự, không đánh lấn ra, quân đội giữ nguyên vị trí, thi hành lệnh ngừng bắn của Chính phủ liên hiệp.

Các đơn vị quân tình nguyện ở Lào tích cực tranh thủ giúp Lào xây dựng, huấn luyện bộ đội, công tác dân vận, củng cố phòng ngự để khi Việt Nam rút, Lào có thể đảm nhiệm bảo vệ khu giải phóng.

Tiểu đoàn 927 của Quân khu 4 không hoạt động tiễu phỉ mà tranh thủ làm công tác dân vận, củng cố cơ sở. Các đơn vị của Sư đoàn 324 hành quân trở về vị trí cũ tiếp tục nhiệm vụ huấn luyện. Tiểu đoàn 923 của Quân khu 3 đã sang Sầm Nưa giúp Lào làm công tác dân vận, củng cố cơ sở, không hoạt động quân sự.

Tổng Tham mưu trưởng điện chỉ thị cho đồng chí Lê Chưởng: Chính phủ liên hiệp đã được thành lập nên chủ trương của Việt Nam là đình chỉ việc chủ động hoạt động ở địch hậu và vùng tiếp giáp địch, ta; ở vùng địch hậu, cần giữ bí mật lực lượng vũ trang và cơ sở chính trị, có kế hoạch và sẵn sàng đề phòng địch càn; ở khu giải phóng, tích cực quét phỉ, củng cố hậu phương, có kế hoạch tiêu diệt bọn biệt kích thâm nhập; ở khu tiếp giáp, cần giúp Lào tăng cường phòng ngự, củng cố công sự đề phòng địch đánh lấn; tăng cường công tác địch vận; bàn với Lào để thống nhất chủ trương và để Lào chỉ thị cho các đơn vị Lào trên toàn quốc.

Ngày 30 tháng 6 năm 1962


Hội đồng Chính phủ liên hiệp dân tộc ba phái tiếp tục họp dưới sự chủ tọa của Hoàng thân Xuphanuvông

Ngày 30 tháng 6 năm 1962, tại Viêng Chăn, Hội đồng Chính phủ liên hiệp dân tộc ba phái Lào tiếp tục họp dưới sự chủ tọa của Hoàng thân Xuphanuvông, quyền Thủ tướng. Cuộc họp đã thông qua các quyết định quan trọng như:

- Cử người vào Ủy ban ngừng bắn, Ủy ban Quân sự Trung ương và Ủy ban Hành chính Trung ương.

- Khôi phục liên lạc bưu điện, hàng không trong cả nước.

- Đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ với các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị kế hoạch rút quân khỏi Lào

Ngày 30 tháng 6 năm 1962, Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị kế hoạch rút quân khỏi Lào. Về phương châm và nguyên tắc rút quân, kế hoạch nêu rõ:

- Trước khi rút quân cần tranh thủ giúp cách mạng Lào về mọi mặt để khi Việt Nam rút, Lào có thể làm được nhiệm vụ.

- Rút dần từng bước, vừa rút vừa nắm tình hình, đề phòng âm mưu phản bội của địch, nhưng phải bảo đảm rút xong trước thời hạn Hiệp định Giơnevơ quy định.

- Khi rút, có bộ phận công khai với Phuma, còn đại bộ phận cứ rút bí mật, không công khai trước quốc tế, không chịu sự kiểm soát của Uỷ ban quốc tế.

- Đơn vị xa rút trước, đơn vị gần rút sau, nơi cách mạng Lào không bị uy hiếp rút trước, nơi bị uy hiếp rút sau.

- Đơn vị, cơ quan phải đi qua các đường do Ủy ban quốc tế kiểm soát, để tránh khó khăn thì rút xong trước ngày Uỷ ban quốc tế đặt trạm kiểm soát.

- Bộ đội Việt Nam rút nhưng phải để lại bộ phận để bảo đảm hành lang và sẵn sàng lực lượng cơ động khi có tình hình đột biến.

Trước khi rút cần giúp cách mạng Lào bố trí lại lực lượng theo kế hoạch, nhất là các chốt phòng ngự và vùng tiếp giáp với địch; bàn giao kỹ cho Lào kế hoạch tác chiến, giúp Lào làm lại công sự, tổ chức bảo đảm chỉ huy; bàn giao lại kho tàng, đạn dược dự trữ của bộ đội Việt Nam cho Lào; thanh toán các khoản vay mượn giữa Việt Nam và Lào trước khi về nước; tiến hành công tác chính trị, tư tưởng nhằm bảo đảm đoàn kết giữa bộ đội Việt Nam với bộ đội Pathết Lào. Tổ chức liên hoan, nói chuyện về tình hình Lào, về âm mưu thủ đoạn của Mỹ đối với Lào. Cần tận tình giúp đỡ bộ đội Koongle về quân sự, chính trị trước khi Việt Nam rút quân.

Thời gian và thứ tự rút quân: chia làm ba đợt, bắt đầu từ ngày 10 tháng 7 đến 15 tháng 8 năm 1962. Quân khu 4, Đoàn 959, Quân khu Tây Bắc bảo đảm công tác chỉ huy rút quân.

Để bảo đảm hành lang và sẵn sàng có lực lượng khi cần cơ động sang giúp cách mạng Lào, Cục Tác chiến dự kiến toàn bộ lực lượng bộ đội Việt Nam ở Hạ Lào không rút mà dần dần chuyển về hoạt động ở phía đông sông Mê Công, kết hợp giúp Lào bảo vệ hành lang. Một số tiểu đoàn biên chế thành các đơn vị nói được tiếng Lào để khi cần thiết có thể điều sang giúp Lào ngay.

Tháng 7 năm 1962

Ngày 5 tháng 7 năm 1962

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ cho bộ đội Việt Nam ở Hạ Lào trước tình hình mới

Trong điện gửi tổ chuyên gia quân sự Việt Nam ở Hạ Lào ngày 5 tháng 7 năm 1962, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Lê Trọng Tấn chỉ rõ: Chính phủ liên hiệp ở Lào được thành lập là thắng lợi to lớn của cách mạng Lào; cách mạng Lào chuyển sang giai đoạn đấu tranh chính trị, do đó nhiệm vụ ở Hạ Lào là: đặc biệt củng cố vững chắc khu đông sông Xê Coong và khu căn cứ phía tây nam Áttapư, đồng thời ra sức phát triển cơ sở nhân dân, củng cố dân quân du kích rộng rãi trong các khu du kích, đặc biệt chú ý khu phía tây sông Mê Công.

Trường hợp địch càn quét, nguyên tắc của Việt Nam là vừa tích cực chống càn, vừa báo cáo kịp thời để phản đối về chính trị. Trong quá trình chống địch càn quét, chú ý phát động du kích và bộ đội địa phương đánh địch. Bộ đội chủ lực không nên mở rộng hoạt động ở nhiều nơi. Cùng với nhiệm vụ tích cực chống địch càn quét, phải tích cực làm công tác địch vận, tuyên truyền việc đình chiến, vận động địch không đánh nhau với Pathết Lào.

Trước mắt, các đơn vị Việt Nam tập trung giúp Lào củng cố căn cứ, xây dựng lực lượng ở phía tây Áttapư, gồm các huyện Xánẳmxây, Chănthauđôm, Uđômxỉn và có kế hoạch rút dần từng bước về đông sông Mê Công.

Ngày 17 tháng 7 năm 1962

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam lập kế hoạch giúp Pathết Lào củng cố lực lượng vũ trang

Sau khi Chính phủ liên hiệp được thành lập, căn cứ vào đường lối chính trị của Đảng Nhân dân Lào là chuyển sang đấu tranh chính trị nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nước Lào hoà bình, độc lập, thống nhất, đồng thời sẵn sàng đề phòng địch phản bội, gây chiến tranh lại ở Lào; để giúp Lào tranh thủ thời gian củng cố lực lượng vũ trang vững mạnh, đủ sức đối phó với địch, hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh chính trị, ngày 17 tháng 7 năm 1962, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập kế hoạch giúp Pathết Lào củng cố lực lượng vũ trang.

Chủ trương: trên cơ sở sẵn có, xây dựng một lực lượng vũ trang bảo đảm giữ vững vùng giải phóng, làm hậu thuẫn cho đấu tranh chính trị và sẵn sàng đối phó có hiệu quả với hành động quân sự của địch...

Phương châm và nguyên tắc:

- Dựa vào cơ sở và thực lực hiện có để kiện toàn lại, bớt các bộ phận không cần thiết.

- Củng cố toàn diện, lấy chất lượng làm chính, củng cố chất lượng bộ đội chủ lực, tăng cường xây dựng bộ đội địa phương phù hợp, phát triển rộng rãi dân quân du kích.

- Lấy việc củng cố vững chắc bộ binh làm chính, kiện toàn pháo binh, cao pháo, đồng thời củng cố xây dựng một số binh chủng tối thiểu.

- Tăng cường xây dựng cơ sở hậu phương, bảo đảm kỹ thuật, đào tạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật.

- Trong giai đoạn trước mắt phải bảo đảm được cả hai nhiệm vụ phòng thủ và xây dựng.

Từ chủ trương và phương châm, nguyên tắc trên, kế hoạch xác định những vấn đề cụ thể về điều chỉnh, tổ chức lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương Pathết Lào trên các vùng; biên chế các tiểu đoàn bộ đội chủ lực, địa phương, phát triển dân quân, du kích; tổ chức chỉ huy; công tác huấn luyện; bảo đảm vật chất thực hiện kế hoạch.

Bộ Tổng Tham mưu lưu ý: “việc xây dựng lực lượng vũ trang của Lào không thể tách rời việc tranh thủ biến một bộ phận quân đội Vương quốc thành bộ đội cách mạng, nhất là lực lượng của Koongle”

Ngày 22 tháng 7 năm 1962

Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xác định chủ trương, phương hướng trước mắt về việc sử dụng đường hành lang trên đất Lào trong tình hình mới ở Lào


Nhận thấy tình hình mới ở Lào có tác động đến đường vận chuyển chi viện cho miền Nam Việt Nam, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng: Chính phủ liên hiệp được thành lập ở Lào là một thắng lợi lớn cho cách mạng Lào và các nước Đông Nam Á, ảnh hưởng tốt đến tình hình miền Nam. Nhưng đế quốc Mỹ bị đẩy lùi khỏi Lào sẽ bám chặt lấy miền Nam và nhất định sẽ gây khó khăn cho hành lang của Việt Nam. Mỹ - Anh và cả phe đế quốc sẽ dựa vào quy chế trung lập của Lào để ngăn chặn Việt Nam. Tình hình sẽ bất lợi nếu để địch phát hiện và thúc đẩy Chính phủ liên hiệp Lào chống lại cách mạng Việt Nam. Do đó, vấn đề hành lang trở nên rất phức tạp, phải hết sức thận trọng để tránh gây ra ảnh hưởng không tốt cho phe ta. Từ phân tích, nhận định và dự kiến trên, Bộ Tổng Tham mưu xác định:

Chủ trương chung là cố gắng sử dụng hành lang hiện tại nhưng phải khéo léo che giấu thật bí mật, đồng thời đặt vấn đề tự lực cánh sinh đúng mức đối với các chiến trường miền Nam...

Phương hướng trước mắt là cố gắng sử dụng hành lang cho thật khéo léo, bí mật và đề phòng phải ngừng lại một thời gian; đi đôi với kế hoạch tranh thủ đột xuất trước mắt, phải chuẩn bị rút ngay vào bí mật, bỏ đường cũ, mở đường mới, dựa vào dân, che giấu khéo léo và kiên quyết củng cố lại đường nội địa, cố gắng nối vào đến tây Quảng Nam; dừng vận chuyển vũ khí (sau đợt vận chuyển đột xuất) trong khoảng năm - sáu tháng đến khi có điều kiện thuận lợi mới...

Ngày 23 tháng 7 năm 1962

Ngoại trưởng 14 nước tham dự Hội nghị Giơnevơ mở rộng ký kết các văn kiện

Sau một thời gian dài tạm hoãn, ngày 2 tháng 7 năm 1962, Hội nghị Giơnevơ mở rộng để giải quyết vấn đề Lào đã họp trở lại. Sau 20 ngày làm việc, ngày 23 tháng 7, đại diện 14 nước tham gia hội nghị đã long trọng ký tên vào hai văn kiện của hội nghị. Ông Kínim Phônxêna thay mặt Chính phủ liên hiệp dân tộc ba phái Lào đã ký các văn bản của Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào.

Trong văn kiện thứ nhất, các nước tham dự hội nghị đã xác nhận lại và phát triển thêm những nguyên tắc căn bản đã được ghi trong Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, quy định nghĩa vụ phải nghiêm chỉnh tôn trọng nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, cam kết không can thiệp bằng bất cứ cách nào vào công việc nội bộ của Lào, không đề nghị hoặc thúc ép Lào tham gia vào bất cứ liên minh quân sự nào không phù hợp với nền trung lập của Lào. Trong Nghị định thư, các nước nêu ra một số nguyên tắc cơ bản để giải quyết hoà bình vấn đề Lào. Nghị định thư quy định thời hạn rút quân và nhân viên quân sự nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Lào, quyền hạn và chức năng của Uỷ ban Giám sát và Kiểm soát quốc tế ở Lào cũng như mối quan hệ của cơ quan này với Chính phủ Vương quốc.

Việc ký Hiệp định Giơnevơ 1962 giải quyết hòa bình vấn đề Lào là một thắng lợi to lớn của nhân dân các dân tộc Lào, phe xã hội chủ nghĩa và phong trào hòa bình dân chủ thế giới. Từ âm mưu dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề Lào hoặc chia cắt đất nước Lào, đế quốc Mỹ phải đến bàn hội nghị, buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ 1962, công nhận, tôn trọng chủ quyền độc lập, trung lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Lào. Từ âm mưu đặt Lào dưới chế độ "công quản quốc tế" gồm 13 nước tham dự Hội nghị Giơnevơ và một "Ủy ban quốc tế" hoạt động không thời hạn trùm lên Chính phủ Lào, đế quốc Mỹ buộc phải cam kết thừa nhận nền trung lập mang tính chất tiến bộ của Lào.

Tháng 8 năm 1962

Ngày 1 tháng 8 năm 1962


Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị cho Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc nhiệm vụ bảo đảm trinh sát chiến trường Lào


Ngày 1 tháng 8 năm 1962, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị cho Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc nhiệm vụ bảo đảm trinh sát chiến trường Lào. Đối với Quân khu 4: tiếp tục nắm địch ở Trung Lào, chú ý âm mưu củng cố lực lượng chính quy hiện nay, theo dõi các hành động của Mỹ trong việc can thiệp quân sự vào Lào. Đặc biệt, trước mắt cần chú ý đến âm mưu xây dựng phỉ địa phương và chủ trương lấn chiếm tấn công Pathết Lào của địch trong thời gian Việt Nam rút quân.

Trước mắt, quân khu cử cán bộ giúp Lào xây dựng quân báo nhân dân ở các tỉnh Trung Lào và củng cố lực lượng trinh sát ở các tiểu đoàn chính quy của Lào. Tiếp tục điều tra nắm chắc tình hình, chú trọng vào các mục tiêu giao thông từ Thái Lan và Nam Việt Nam sang như khu vực Xê Nô, Xavẳnnakhệt, đường 9 và 12.

Đối với Quân khu Tây Bắc: tiếp tục nắm địch ở Thượng Lào, chú trọng vào âm mưu củng cố lực lượng chính quy, phát triển phỉ địa phương, theo dõi các hành động xâm nhập quân sự của Mỹ vào Lào. Trước mắt cần chú trọng các âm mưu lấn chiếm, tấn công Pathết Lào, nhất là trong thời gian ta rút quân.

Trước mắt, cử cán bộ giúp Lào xây dựng phòng quân báo Quân khu Thượng Lào, xây dựng lực lượng trinh sát ở các tiểu đoàn chính quy và quân báo nhân dân địa phương; tiếp tục điều tra, nắm chắc địa hình ở Luổng Phạbang, các trục đường giao thông; nếu Lào yêu cầu thì tổ chức giúp Lào đào tạo cán bộ trinh sát ở quân khu.

Tháng 9 năm 1962

Ngày 5 tháng 9 năm 1962

Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào


Ngày 5 tháng 9 năm 1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ Việt Nam Lê Văn Hiến và Đại sứ Lào Thạo Pheng là những sứ giả đầu tiên của hai nước.

Tháng 10 năm 1962

Ngày 2 tháng 10 năm 1962

Thành lập Phòng Nghiên cứu chiến trường Lào trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam


Ngày 2 tháng 10 năm 1962, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra Quyết định số 386-TM/QĐ, thành lập Phòng Nghiên cứu chiến trường Lào trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, lấy phiên hiệu và con dấu là Phòng 962.

Phòng 962 có nhiệm vụ:

1 - Nghiên cứu các vấn đề về tác chiến ở chiến trường Lào, tổ chức và huấn luyện bộ đội Pathết Lào và Vương quốc, tiếp tế cho bộ đội Pathết Lào.

2 - Nghiên cứu việc thi hành Hiệp định Giơnevơ về Lào; theo dõi tổng hợp các vấn đề giúp Bộ chỉ đạo các đoàn chuyên gia, tuỳ viên quân sự và chỉ đạo việc bồi dưỡng cán bộ Lào sang học ở Việt Nam.

3 - Hiệp đồng với cơ quan ba tổng cục, trong và ngoài quân đội và các cơ quan Lào về các vấn đề thuộc chiến trường Lào.

4 - Cùng Cục Quân huấn điều lệnh Bộ Tổng Tham mưu, Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị và các trường binh chủng giúp Lào biên soạn tài liệu học tập.

5 - Quản lý cán bộ, nhân viên kỹ thuật dự trữ giúp Lào và giải quyết những vấn đề hậu phương của Đoàn 959.



(còn tiếp)


 



(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011).