Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình

07:51, 30/07/2012

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI nhấn mạnh tự phê bình và phê bình chính là giải pháp hàng đầu trong nhóm các giải pháp nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Trung ương quy định, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này được tiến hành ở tất cả các cấp và theo trình tự từ cấp trên trước, cấp dưới sau, tập thể trước, cá nhân sau. Cấp trên, nhất là những người đứng đầu phải gương mẫu cho cấp dưới và cho tập thể của mình noi theo.

 

Tuy nhiên, không ít người vẫn đang băn khoăn về chất lượng công tác tự phê bình về phê bình. Có ý kiến cho rằng, trong sinh hoạt Đảng hiện nay, nhiều đảng viên vẫn còn có tâm lý nể nang, né tránh trong tự phê bình và lựa chiều khi phê bình người khác. Cách thức tổ chức ở nhiều cơ quan đơn vị còn mang tính hình thức, xuê xoa, chiếu lệ, nặng về phê bình chung chung mà chưa đi vào những khía cạnh cụ thể. Ông Trần Duy Oanh, 51 năm tuổi đảng, nguyên là Trưởng khoa Dân vận, Trường Chính trị tỉnh đưa ra dẫn chứng cụ thể: Trong hầu hết các báo cáo, văn bản của các cơ quan đơn vị, phần đánh giá về hạn chế, tồn tại đều nêu một cách chung chung. Những cụm từ kiểu như: “một số”, “một số nơi”, “còn một vài”, “một vài đồng chí còn chưa thực sự quan tâm”…xuất hiện thường xuyên.

 

Hay trong các cuộc họp, việc phê bình và phê bình thường theo lối chuẩn bị sẵn văn bản nêu những mặt ưu khuyết điểm của bản thân, thậm chí còn có tình trạng “sao chép” bản kiểm điểm. Khi lý giải nguyên nhân khuyết điểm lại đổ lỗi cho tập thể, khách quan… Đó là những biểu hiện rõ nhất bệnh hình thức trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Theo ông Oanh, việc tự phê bình và phê bình phải chỉ rõ những vấn đề cụ thể: Cá nhân nào có khuyết điểm? Tổ chức nào có khuyết điểm? Khuyết điểm đó như thế nào? Do nguyên nhân gì? Phương hướng khắc phục ra sao? Có như vậy việc tự phê bình và phê bình mới thực sự đem lại hiệu quả.

 

Ông Trần Văn Phượng, nguyên là Trưởng ban Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Thái cho rằng: Để làm được những điều nêu trên, vấn đề cốt lõi là cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa và những nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Cần xác định rõ, tự phê bình và phê bình là chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm của bản thân và đồng chí mình để có cách sửa đổi, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Do vậy, phê bình và tự phê bình phải trên tinh thần thiện chí, xây dựng chứ không phải theo kiểu “bới lông tìm vết”, trù dập lẫn nhau. Trong công tác này, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị phải thực hiện tự phê bình nghiêm túc, thể hiện thái độ tôn trọng tập thể, làm gương cho cấp dưới noi theo. Ông Phượng cho rằng: Giải pháp nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên khi thực hiện tự phê bình và phê bình là gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thường xuyên quán triệt các chỉ thị, nghị quyết Đảng các cấp vào cuộc sống.

 

Đại tá Đặng Quang Minh, Phó Chủ tịch Hội CCB phường Thịnh Đán (T.p Thái Nguyên), nguyên là chuyên viên nghiên cứu của Tổng Cục kỹ thuật, Bộ Quốc phòng đóng góp ý kiến: Tôi nhận thấy hiện nay một số cơ quan, đơn vị còn thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình nói riêng và triển khai thực hiện các các nghị quyết của Đảng nói chung theo kiểu phong trào. Điều này dẫn đến hiệu quả thấp, đôi khi phản tác dụng, gây mất long tin trong quần chúng nhân dân. Theo tôi, trước khi triển khai các nghị quyết vào cuộc sống cần nghiên cứu thật cụ thể, gắn với địa phương để chỉ rõ cơ sở đang yếu thứ gì? yếu ở chỗ nào? và yếu như thế nào?… để vận dụng cho hiệu quả.

 

Bên cạnh đó, việc duy trì thường xuyên các diễn đàn để nhân dân tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ là rất cần thiết. Đây là nguồn cung cấp thông tin quan trọng trọng để tổ chức Đảng nghiên cứu, xem xét, đánh giá hoạt động của mình, cũng như phẩm chất năng lực của cán bộ, đảng viên. Mô hình ở Chi bộ tổ dân phố 2 phường Thịnh Đán là một điển hình như thế. Sau khi kết thúc một nhiệm kỳ, Chi bộ đều tổ chức họp dân để xin ý kiến góp ý, đánh giá mặt được và chưa được, những việc cần làm đối với hoạt động của Chi bộ và các đoàn thể. Những góp ý đó được Chi bộ và các đoàn thể nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục ở những nhiệm kỳ sau.

 

Về trình tự thực hiện, các ý kiến đều cho rằng cần thực hiện đúng như Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra: Tự phê bình rồi đến phê bình; từ cấp trên đến cấp dưới; từ tập thế rồi đến cá nhân. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, tùy theo mức độ khuyết điểm, sai phạm của tập thể, cá nhân mà có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của Điều lệ Đảng. Đây là việc làm cần thiết để giáo dục cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh