Đã lâu lâu không thấy bác đi sinh hoạt thường kỳ ở Câu lạc bộ hưu trí Thái Nguyên, tôi vẫn tưởng bác bận hay dạo này mệt hơn, chiều nay (23/7), tôi sững sờ người thấy trên trang báo tỉnh nhà đưa tin: Đồng chí Doanh Hằng (tên khai sinh là Doanh Thăng Hỷ) đã từ trần… Trong tôi, trào lên niềm tiếc thương vô hạn và bỗng nhiên hình ảnh những lần được tiếp xúc, làm việc với bác như một cuốn băng ngắt đoạn ào về
Tôi biết bác Doanh Hằng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Lần đầu tiên được gặp bác trong một hội nghị ở huyện Đại Từ. Lúc ấy, tôi mới là phóng viên của Báo Bắc Thái nên được Toà soạn cử đi dự hội nghị để đưa tin. Buổi họp HĐND huyện hôm đó, bác Doanh Hằng lên phát biểu ý kiến, còn tôi thì bấm máy chụp ảnh và theo dõi ghi ý kiến phát biểu của bác. Có lẽ vì vậy nên khi hội nghị giải lao, bác tiếp xúc với mọi người, hỏi han các vị đại biểu, nhất là các đại biểu ở xã. Bỗng bác quay sang tôi và hỏi: “Anh ở báo phải không? Về báo lâu chưa?”. Tôi thưa với bác: “ Dạ, cháu về Báo Bắc Thái từ khi giải thể Báo Việt Nam Độc lập”. Bác hỏi tiếp: “Quê Bắc Thái chứ? Cần Tày hay cần Keo?”. Tôi chưa kịp trả lời, thì bác Nguyễn Bảo Loan (lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Đại Từ), giới thiệu: “Đây là cháu tôi, bố cháu lúc còn Khu tự trị Việt Bắc cũng là đại biểu HĐND khu hai khoá liền”. Thế là bác Doanh Hằng liên tiếp hỏi tôi về tên của bố và tình hình đời sống, sức khỏe gia đình… Lần tiếp xúc ấy để lại trong tôi cảm nhận sâu sắc về bác Doanh Hằng bình dị, thân mật và dễ gần, mặc dù bác hơn tôi trên hai chục tuổi đời và là lãnh đạo cấp trên.
Lại có dịp tôi được Toà soạn cử đi theo dõi, viết tin về chuyến công tác của Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái. Lần này, bác Doanh Hằng về huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) làm việc, chuẩn bị cho cuộc bàn giao huyện về tỉnh Cao Bằng. Chuyến đi ấy có phóng viên báo, đài phát thanh, ngành Văn hóa, Thông tin và một số ban Tổ chức, Tuyên giáo… của tỉnh. Sau mấy tiếng đồng hồ, ngồi trên xe U- oát, vượt chặng đường dài hàng trăm cây số, trời nhá nhem tối, đoàn công tác mới tới Huyện ủy Ngân Sơn. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã chờ đón tiếp từ chiều nên đoàn đến chỉ đi rửa mặt rồi vào ăn cơm tối. Bữa cơm kết thúc, bác Doanh Hằng nói với mọi người: “Các anh, các chị đi nhận phòng nghỉ rồi tất cả đến nhà tôi chơi, mai sẽ làm việc. Nhà tôi cách đây mấy chục mét, tôi xin phép về ngủ ở nhà thôi”…
Đưa chúng tôi đến thăm nhà bác Doanh Hằng là đồng chí Đồng Văn Chè, Bí thư Huyện ủy. Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, cứ tưởng nhà của Chủ tịch tỉnh phải sang trọng lắm, nào ngờ chỉ là ngôi nhà cấp 4, lợp ngói đỏ; trong nhà ngoài hai chiếc giường, bộ bàn ghế ngồi uống nước và chiếc tủ, không thấy thứ gì khác. Bác Thanh (phu nhân bác Doanh Hằng) cùng ngồi tiếp anh em chúng tôi, cho biết bác vừa đi chữa bệnh ở Thái Nguyên về được ít ngày. Cả hai bác chuyện trò với chúng tôi tự nhiên và thân mật như người nhà. Tôi trộm nghĩ, gia cảnh hai bác không hơn gì những gia đình khác, thậm chí còn thiệt thòi và hy sinh nhiều trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhưng tình cảm thì chân thành, giản dị, gần gũi và quý mến mọi người.
Hàng chục năm sau, nhất là từ ngày bác Doanh Hằng nghỉ hưu, tôi nhiều lần được gặp bác trong các cuộc hội nghị, như: Tiếp xúc cử tri, đóng góp ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, gặp mặt nhân những ngày kỷ niệm của đất nước, v.v… Hầu như ở cuộc họp nào cũng vậy, bác Doanh Hằng đều tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến với lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành về các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Đặc biệt, bác kiên trì có ý kiến đề nghị về giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng tham gia hoạt động cách mạng. Bác là nhân chứng cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về nhiều trường hợp chưa được hưởng quyền lợi theo chính sách quy định của Nhà nước. Mỗi lần nghe bác nói, tôi xúc động và nhận thấy sự trăn trở, đau đáu nỗi lòng của bác đối với đồng chí, đồng đội. Bác cũng tỏ rõ sự bất bình trước những việc làm của cá nhân hoặc tập thể một cấp, một ngành nào đó thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa làm hết chức năng nhiệm vụ của mình. Tôi nhớ có lần trời nắng chang chang, bác Doanh Hằng đi bộ từ nhà riêng đến Toà soạn, đưa bài viết cung cấp những thông tin về cán bộ hoạt động cách mạng đã hy sinh, chưa được công nhận liệt sỹ; những cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm chưa được hưởng chế độ chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Bác nói: “Mình cố gắng làm, nếu không sau này lớp chúng mình ra đi hết, thì ai còn biết đâu mà lần, để đồng chí mình thiệt thòi, thương lắm !”… Mộc mạc, thẳng thắn, vô tư và trách nhiệm đến cùng là vậy, ai có thể vô cảm được!
Vĩnh biệt bác Doanh Hằng, nhưng hình ảnh và những suy nghĩ, hành động của người cán bộ lão thành cách mạng ấy mãi khắc ghi trong lòng tôi và chắc chắn còn đọng mãi trong lòng mọi người bởi sự tâm huyết và tinh thần lý tưởng cách mạng.