Những ý kiến tâm huyết của cử tri gửi tới kỳ họp

14:18, 09/07/2012

Cần duy tu, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt tập trung bị xuống cấp

Các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn xóm Tân Sơn nói riêng, xã Cúc Đường nói chung từ mấy năm trở lại đây đều đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không còn phát huy hiệu quả. Lúc đầu, các công trình này hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, chúng dẫn xuống thấp, cụ thể: Nước ở đầu nguồn vẫn có nhưng máy móc bị hư hỏng, các đường ống bị dò rỉ không được sửa chữa. Theo tôi, nguyên nhân chính của tình trạng này là do cấp ủy, chính quyền xã chưa sát sao trong việc quản lý, khai thác các công trình. Chúng tôi đã có ý kiến nhiều lần đến cấp ủy, chính quyền xã nhưng, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.

 

 

Thông qua Kỳ họp HĐND tỉnh lần này, chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành chức năng cần sớm duy tu, sửa chữa các công trình nước sạch đã bị hư hỏng để người dân trong xã có nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời, khi các công trình nước sạch đi vào hoạt động bình thường, xã cần kiện toàn lại tổ quản lý có năng lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng các công trình hiệu quả...

 

Cần thúc đẩy triển khai các dự án đã công bố quy hoạch: (Ông Đỗ Minh Tuấn, tổ 35, phường Quang Trung,T.P Thái Nguyên)

 

Hiện nay, có một số dự án đã công bố quy hoạch nhưng chậm triển khai gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Đáng kể nhất trong khu vực tổ 35 chúng tôi là Dự án đường Việt Bắc, đã nhiều năm sau khi công bố quy hoạch nhưng chưa được triển khai. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến giao thông của người dân, đường chưa được cứng hóa dẫn đến tình trạng mưa lầy, nắng bụi, “ổ gà” nhiều vô kể, qua đó hạn chế sự phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực. Một thiệt thòi nữa của người dân trong vùng Dự án là không được cấp phép xây dựng, chuyển nhượng, mua bán đất đai trong khi nhu cầu rất lớn.

 

Trước thực trạng này, chúng tôi đề nghị các cấp, ngành có giải pháp thúc đẩy việc triển khai những dự án khi đã công bố quy hoạch, tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, tránh sự bức xúc trong nhân dân cũng như lãng phí tài nguyên đất đai của Nhà nước

 

Cần có chính sách thỏa đáng cho cán bộ làm khuyến nông: (Ông Hoàng Hồng Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, Đồng Hỷ)

 

Hiện nay, địa phương không có cán bộ khuyến nông mà chỉ có cán bộ nông nghiệp nhưng làm bán chuyên trách, do xã đứng ra hợp đồng lao động và trả tiền. Đây là công việc khá vất vả, hằng ngày, người cán bộ phải cùng nông dân bám đồng ruộng, lo từ việc phòng, trừ sâu bệnh đến việc chăm bón cho cây trồng; phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện chi trả một số khoản tiền do tỉnh, huyện hỗ trợ cho bà con… nhưng, mỗi tháng chỉ được trả lương là 600-700 nghìn đồng do nguồn kinh phí cấp xã còn hạn hẹp. Tuy vậy, họ vẫn làm việc rất trách nhiệm, tận tụy, có kinh nghiệm. Theo tôi được biết, còn nhiều xã trong tỉnh không có cán bộ khuyến nông và phải tuyển dụng cán bộ hợp đồng phụ trách mảng nông, lâm nghiệp. Hầu hết những người này đều có bằng đại học đúng chuyên ngành, chỉ một số ít có trình độ trung cấp. Tôi rất mong tỉnh cho phép tuyển dụng những cán bộ này vào công chức Nhà nước, làm việc lâu dài cho xã. Riêng với những xã vùng cao như Tân Long, đề nghị tỉnh cho phép tuyển người có trình độ trung cấp trở lên làm công việc này. Sau khi được tuyển dụng, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để cán bộ đi học, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu được giao.