Những ý kiến tâm huyết gửi tới kỳ họp

17:09, 10/07/2012

Ngày 10/7 đã diễn ra phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh, đã có nhiều cử tri quan tâm gửi các ý kiến tâm huyết đến kỳ họp này...

Cần có thêm nhiều chính sách cụ thể giúp xã nghèo phát triển kinh tế (Ông Vi Ngọc Thi, Bí thư Đảng ủy xã Văn Hán, Đồng Hỷ): Những năm qua, xã Văn Hán đã được hưởng lợi từ nhiều chính sách, chương trình của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ vốn, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho xã vùng 135… Qua đó góp phần quan trọng để đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Là một cử tri của xã, tôi hy vọng các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sẽ tiếp tục đề xuất được nhiều chính sách cụ thể hơn nữa để tạo điều kiện cho các xã còn nhiều khó khăn như Văn Hán phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, mạnh hơn.

 

Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất như: làm đường giao thông nông thôn để thuận lợi cho người dân trong việc tiêu thụ nông sản; tạo điều kiện cho bà con vay vốn để phát triển sản xuất; đẩy mạnh việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông - lâm nghiệp cho nông dân, nhất là các loại cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng khí hậu vùng để giúp bà con nâng cao đời sống, nhanh chóng thoát nghèo…

 

Tăng cường ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy (Anh Ngô Thượng Hoàng, xóm Hồng Vân, xã Tân Phú, Phổ Yên): Thời gian qua, tệ nạn ma túy cũng như tình hình tội phạm về ma tuý ở tỉnh ta vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các lực lượng chức năng cũng đã triệt phá được nhiều tụ điểm phức tạp, phá nhiều vụ án ma tuý, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

 

Tuy nhiên, tôi nhận thấy công tác cai nghiện thường đạt hiệu quả rất thấp, tỷ lệ tái nghiện cao. Hơn nữa, cán bộ làm công tác này thường ngại tiếp xúc với gia đình và bản thân người nghiện để tuyên truyền, vận động. Hiện nay, một số cơ sở điều trị cai nghiện bằng methadone đã đem lại chuyển biến tích cực cho người nghiện như cải thiện về sức khỏe, tinh thần…

 

Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, tôi mong muốn tỉnh ta tiếp tục đầu tư xây dựng các cơ sở  điều trị bằng methadone. Đồng thời, tăng cường quản lý người nghiện sau cai tại các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội, tại gia đình và cộng đồng. Việc quản lý sau cai cần gắn với tư vấn, đào tạo nghề, tạo việc làm để người nghiện sau khi cai có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định đời sống...

 

Nâng mức hỗ trợ để thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (Ông Hoàng Văn Thìn, Trưởng xóm Vân Long, xã Hùng Sơn, Đại Từ): Xóm Vân Long hiện có 97 hộ dân, trên 400 nhân khẩu, đời sống kinh tế phụ thuộc chính vào cây chè với diện tích toàn xóm là 90ha. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân xóm tôi chung sức, chung lòng xây dựng xóm Vân Long nói riêng, xã Hùng Sơn nói chung đạt các tiêu chí về NTM vào năm 2014. Tuy nhiên hiện nay, kết cấu hạ tầng của xóm rất kém. Đường vào trung tâm xóm vẫn là đường cấp phối; nhà văn hóa thì cũ, diện tích đất hẹp, không đủ tiêu chuẩn; điện thì rơi vào tình trạng “ăn cơm đèn, ngủ cũng với đèn”…

 

Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ người dân lắp một trạm biến áp mới để bà con có điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt; đặc biệt là có cơ chế hỗ trợ chúng tôi làm đường bê tông nông thôn. Được biết, năm nay huyện có cơ chế hỗ trợ các xóm đăng ký làm đường giao thông nông thôn với mức 170 tấn xi - măng/km, tính ra vào khoảng 200 triệu đồng, bằng 40% kinh phí làm đường, như vậy là quá thấp. Trong khi đó hàng năm, huyện hỗ trợ 70%, nhân dân chỉ phải đối ứng 30%. Nếu phải đóng góp mức cao, e rằng tiêu chí về đường giao thông của xóm tôi cũng như các địa phương khác là khó đạt.

 

Vẫn còn tình trạng ăn cơm đèn, đi ngủ điện (Ông Triệu Nguyên Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Yên Ninh, Phú Lương): Hiện nay, tình trạng ăn cơm đèn, đi ngủ điện ở huyện Phú Lương là khá phổ biến. Do một số công trình điện được đầu tư quá lâu không được sửa chữa, nâng cấp nên đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Do vậy vào những giờ cao điểm, các thiết bị điện tối thiểu để phục vụ sinh hoạt như: Nồi cơm điện, quạt điện, bóng điện… cũng không thể sử dụng được. Chỉ vào nửa đêm, khi nhu cầu sử dụng điện giảm xuống thấp nhất thì điện mới sáng. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

 

Ở một số nơi, đường dây điện cũng đã đổ, gẫy, xiêu vẹo, gây nguy hiểm cho người dân. Một số địa phương khó khăn về điện như: xóm Liên Hồng 6, xã Vô Tranh; xóm Trung, Hạ, Đá Mài, xã Yên Đổ; xóm Đồng Chùa, xã Tức Tranh; xóm Bún 1, Bún 2, xã Phấn Mễ; xóm Làng Muông, Suối Hang, xã Yên Ninh… Ngoài ra, 11 hộ dân thuộc xóm Yên Thủy 3, xã Yên Lạc đến nay vẫn chưa được hưởng điện lưới RE – II. Đề nghị ngành Điện sớm đầu tư, nâng cấp các công trình điện để đảm bảo điện sinh hoạt cũng như sản xuất cho người dân.