Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện Phú Bình luôn chú trọng đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Qua đó, góp phần động viên, tạo điều kiện cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.
Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), toàn huyện hiện có hơn 3.400 đối tượng chính sách. Trong đó, 19 người là cán bộ tiền khởi nghĩa, 24 Mẹ Việt Nam anh hùng (22 mẹ đã từ trần, 2 mẹ còn sống), 1.136 nạn nhân nhiễm chất độc hóa học, 1.444 liệt sĩ, 800 thương, bệnh binh…
Những năm qua, Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn xác định công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ vậy, nhiều hoạt động thiết thực như: thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện. Trong 5 năm qua (2007-2011), từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện, cùng sự tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân, huyện đã hỗ trợ kinh phí xây mới và tu sửa được 81 căn nhà cho đối tượng chính sách với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
Năm 2012, huyện có kế hoạch hỗ trợ xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách đang khó khăn về nhà ở. Đến nay, đã hỗ trợ xây dựng được căn 3 căn với số tiền trên 60 triệu đồng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp chăm lo cho các gia đình chính sách, huyện đã cơ bản giải quyết được tình trạng khó khăn về nhà ở cho các gia đình chính sách, từ đó cuộc sống của nhiều gia đình cũng được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Phần lớn đối tượng chính sách trên địa bàn huyện đều có cuộc sống ổn định. Trong đó trên 30% gia đình khá giả, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm như hộ cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hùng (xã Thượng Đình), Hoàng Văn Quý (xã Dương Thành), Nguyễn Thanh Bình (xã Bàn Đạt), Dương Văn Đông (xã Nhã Lộng)…
Hơn 3.400 đối tượng chính trên địa bàn huyện hiện được hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng số tiền trợ cấp mỗi năm khoảng trên 44 tỷ đồng. Hầu hết các đối tượng chính sách đều được miễn, giảm các khoản đóng góp như: xây dựng cơ sở hạ tầng, được ưu tiên chăm sóc sức khoẻ; ưu đãi về vốn vay phát triển kinh tế... Nhằm thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, Phú Bình luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tích cực tham gia đóng góp, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách. Năm 2011, huyện đã huy động được 75 triệu đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Năm 2012, huyện có kế hoạch huy động khoảng 120 triệu đồng. Nguồn quỹ này được dùng để hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ, Tết, cũng như khi ốm đau, hoạn nạn. Bên cạnh đó, các địa phương còn huy động nhân dân, các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Thanh niên… đóng góp ngày công giúp đỡ các gia đình chính sách làm nhà ở, dọn dẹp vệ sinh, gặt, cấy khi ngày mùa đến...
Xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà Trần Thị Chất, vợ liệt sĩ Nguyễn Hải Đường, xóm Na Bì, xã Tân Thành tâm sự: “Hằng năm, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể đều quan tâm đến gia đình tôi, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Tôi rất vui và luôn căn dặn con cháu phải tiếp tục phát huy truyền thống gia đình cách mạng, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế gia đình…”
Song song với việc chăm lo đời sống vật chất, huyện còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần cho đối tượng chính sách. Năm 2011, trong dịp tết Nguyên Đán và ngày 27-7, huyện đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên và tặng 6.264 suất quà trị giá 1,3 tỷ đồng cho các gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, huyện sẽ long trọng tổ chức lễ gặp mặt, thăm hỏi và tặng quà các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện với kinh phí dự kiến khoảng 1,3 tỷ đồng. Lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể sẽ chia thành nhiều đoàn tới thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu tại các xã, thị trấn. Cùng với đó, các hoạt động tri ân những anh hùng liệt sĩ sẽ được tổ chức trang trọng như: Lễ dâng hương tưởng niệm, Lễ thắp nến tri ân tại “Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ” huyện và tại nghĩa trang của các xã, thị trấn…
Nhằm khơi dậy truyền thống tốt đẹp trong nhân dân, công tác xây mới, tu bổ, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ cũng được huyện đặc biệt chú trọng. Ngoài "Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ" được xây dựng vào năm 2007 với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng, 21/21 xã, thị trấn trên đại bàn huyện cũng đã có nghĩa trang liệt sĩ. Năm 2012, từ nguồn ngân sách Trung ương cấp, kết hợp với nguồn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp, Phòng LĐ-TB&XH đã hướng dẫn, chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành tu sửa, nâng cấp và xây dựng các nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ với tổng kinh phí trên 7,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng xã Đào Xá được đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây mới nghĩa trang. Các xã còn lại như: Nhã Lộng, Úc Kỳ, Tân Khánh, Tân Thành… đều được bố trí nguồn vốn từ 200-600 triệu đồng để tu bổ, sửa chữa và nâng cấp nghĩa trang đẹp đẽ, khang trang hơn...
Ông Trần Đức Minh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết nhu cầu về nhà ở và hỗ trợ đời sống cho các gia đình chính sách. Cùng với các chương trình quốc gia, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí để huyện có điều kiện chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách…”
Quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chính vì thế, thời gian tới, bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, công tác đền ơn đáp nghĩa của huyện Phú Bình nói riêng và của các địa phương khác nói chung rất cần sự sẻ chia và đóng góp nhiều hơn nữa của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để các địa phương có điều kiện chăm lo tốt hơn cho những người đã một thời cống hiến và hi sinh vì hòa bình và độc lập hôm nay.