Nóng các vấn đề chất vấn

16:40, 12/07/2012

Sáng 12/7, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục họp tại Hội trường để nghe trả lời chất vấn của cử tri...  

1. Về việc thực hiện Dự án Nhà hát Ca, múa, nhạc dân gian Việc Bắc, được phê duyệt từ năm 2003 và đã đưa vào danh mục 16 dự án, công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 200-2010, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) ông Lê Kim Phúc, Phó ban Thường trực, Ban Chỉ đạo công tác GPMB tỉnh trả lời như sau: Nguyên nhân chưa hoàn thành GPMB Dự án này là do còn 7/10 hộ dân thuộc vị trí 1, đường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) chưa phối hợp thực hiện. Để hoàn thành GPMB Dự án này, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo công tác GPMB tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, yêu cầu UBND T.P Thái Nguyên tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và phải giải quyết dứt điểm trong năm 2012 đối với các hộ còn lại. Trong đó, giải pháp cụ thể là tăng cường vận động, tuyên truyền các hộ nghiêm túc thực hiện GPMB, hỗ trợ tái định cư để tổ chức khởi công xây dựng công trình của Dự án trong năm nay; rà soát các nội dung khiếu nại, tổ chức đối thoại để giải quyết các vướng mắc của người dân theo đúng quy định pháp luật. Đối với các trường hợp cố tình không chấp hành quy định chế độ, chính sách về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, UBND T.P Thái Nguyên phối hợp với các ngành chức năng liên quan hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

2.Về tính khả thi của Đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2016, trong đó làm rõ nguồn vốn để GPMB từ 20-30ha mỗi năm, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh trả lời như sau: Kinh phí để GPMB 20-30ha đất mỗi năm sẽ được lấy từ vốn ngân sách Nhà nước, mà cụ thể là trích từ Quỹ phát triển đất. Vì năm 2011, tỉnh đã thành lập Quỹ phát triển đất, theo quy định tại Nghị định 69 của Chính phủ, trong đó được phép trích 30-50% nguồn thu hằng năm từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền đấu giá quyền sử dụng đất để lập Quỹ phát triển đất. Quỹ này được sử dụng vào các mục đích như ứng vốn để thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, GPMB theo quy hoạch, tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… Năm 2011, nguồn thu từ đất được khoảng 460 tỷ đồng. Nếu chỉ trích 30% từ số tiền này, tỉnh ta cũng có 138 tỷ đồng. Trong khi đó, để GPMB 20 ha đất chỉ cần 50 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn này, GPMB còn có thể được thực hiện bởi nguồn vốn từ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng; vốn ứng trước từ doanh nghiệp và vốn vay từ trái phiếu Chính phủ.

 

3. Giải trình về việc 35% số công trình nước sinh hoạt tập trung không hiệu quả; một số công trình không đảm bảo chất lượng, không cung cấp đủ nước theo thiết kế, ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung sau khi hoàn thành được bàn giao cho địa phương hưởng lợi công trình trực tiếp quản lý, khai thác. Tuy nhiên, Ban Quản lý công trình của các địa phương không thực hiện yêu cầu về quy trình kỹ thuật, không thường xuyên bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa, gây hư hỏng, xuống cấp. Đối với công trình không cung cấp đủ nước theo thiết kế, chưa có báo cáo cụ thể là bao nhiêu công trình không đủ nước theo thiết kế kỹ thuật được duyệt. Trên thực tế có công trình không đủ nước cấp cho người sử dụng là do hỏng đường ống dẫn nước nhưng chưa khắc phục kịp thời, do Ban quản lý công trình quản lý chưa tốt, do người sử dụng nước cố ý lấy nước phục vụ sinh hoạt mà không trả tiền… Để giải quyết tình trạng nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành các quy chế về quản lý vận hành khai thác các công trình cấp nước tập trung, về duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) căn cứ vào kết quả đánh giá giám sát chất lượng nước sạch nông thôn trên địa bàn, gửi thông báo kết quả, kiến nghị các địa phương về giải pháp khắc phục.

 

4.Về lĩnh vực đầu tư, giúp các thị trấn cải thiện về kết cấu hạ tầng để xứng đáng là đô thị thuộc huyện trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau: Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Sở đã tham mưu với tỉnh chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã nông thôn nên quy định này chỉ đưa phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với địa bàn là xã nông thôn. Còn đối với các thị trấn thì thực hiện đầu tư theo các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh. Cụ thể là: Chương trình kiên cố hóa trường lớp học; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, cơ sở hạ tầng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009-2015; cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn 0,4KV sau trạm biến áp; hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; các chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục, y tế, văn hóa, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…