Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vừa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. TNĐT xin giới thiệu nội dung kế hoạch này.
KẾ HOẠCH
thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01-12-2011 của Ban Bí thư
Trung ương Đảng (khoá XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới
Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả, nhằm giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được chỉ đạo thống nhất, thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở; phát triển mạnh mẽ ở tất cả các địa bàn từ đô thị đến nông thôn, trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường… gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua yêu nước khác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới.
II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1- Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở phải xác định công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; hằng năm đề ra chương trình, kế hoạch để thực hiện có hiệu quả, gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện. Bí thư cấp uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự ở địa phương. Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự giác thực hiện, đồng thời chủ động tuyên truyền, giáo dục, vận động gia đình và nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
2 - Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; trọng tâm là thực hiện Kết luận số 86-KL/TW, ngày 05-11-2010 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 14-10-2006 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới”, Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý, phòng chống mua bán người… Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nội chính, nhất là hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án… Tăng cường phối hợp giữa lực lượng Công an với Quân đội, an ninh cơ sở với dân quân, tự vệ, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể các cấp, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
3- Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đây vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi góp phần bảo vệ sự bình yên cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Tập trung tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; ý thức sống và làm việc theo pháp luật, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, đơn vị về bảo vệ an ninh trật tự.
4- Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, chú trọng các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, ma tuý, tai nạn giao thông, địa bàn giáp ranh, vùng dân tộc ít người, vùng đồng bào tôn giáo...
Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hoá ngày càng cao với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải về an ninh, trật tự ở cơ sở, các tổ chức quần chúng phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường… an toàn về an ninh, trật tự; chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội; giáo dục, giúp đỡ, cảm hoá những người phạm tội được đặc xá, tha tù, người mắc tệ nạn xã hội, người lầm lỗi đã cải tạo tốt để sớm ổn định cuộc sống, hoà nhập vào cộng đồng.
Kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân bị thương, hy sinh, hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phong trào.
5- Điều chỉnh và kiện toàn các ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết liên tịch, liên ngành có nội dung liên quan đến công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội theo hướng tập trung, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với việc thực hiện “Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, an toàn về cháy nổ, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường…
6- Quan tâm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể ở cơ sở, trưởng xóm, những người có uy tín trong dân tộc, người có chức sắc trong tôn giáo … làm hạt nhân trong xây dựng phong trào. Củng cố lực lượng chuyên trách xây dựng phong trào và lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… làm nòng cốt cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
7- Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt của phong trào; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ chính trị, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần phục vụ nhân dân đối với lực lượng chuyên trách công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
8- Quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, chế độ, chính sách và các điều kiện đảm bảo phục vụ công tác, chiến đấu đối với lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…, tạo điều kiện cho lực lượng này đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có trách nhiệm triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch này; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Định kỳ hằng năm tiến hành tổng kết, báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ vào tháng 11 (qua Công an tỉnh để tổng hợp).
2- Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng các văn bản, đề án của tỉnh về nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.
3- Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị, xã hội xây dựng chương trình hành động để thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp trường học … an toàn về an ninh trật tự, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
4- Giao Đảng uỷ Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hằng năm tổng hợp kết quả báo cáo Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ./.
T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Văn Kim